Mặc dù Tổng thống Mỹ Donald Trump hiện đang rất lạc quan về triển vọng của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2 diễn ra tại Việt Nam vào ngày 27-28/2, song một số chuyên gia vẫn bày tỏ sự hoài nghi vào khả năng hai bên sẽ đạt được những tiến bộ thực chất.
Mặc dù Tổng thống Mỹ Donald Trump hiện đang rất lạc quan về triển vọng của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2 diễn ra tại Việt Nam vào ngày 27-28/2, song một số chuyên gia vẫn bày tỏ sự hoài nghi vào khả năng hai bên sẽ đạt được những tiến bộ thực chất.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử ở Singapore ngày 12/6/2018. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, bài viết trên báo the Hill dẫn nhận định của giới chuyên gia cho rằng Tổng thống Trump đã quá lạc quan về triển vọng đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên, thông qua cách tiếp cận khó đoán định của ông, cũng như mối quan hệ cá nhân tốt đẹp với nhà lãnh đạo Triều Tiên như ông đã từng tuyên bố.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, mối quan hệ này sẽ không có tác động lớn tới kết quả của hội nghị sắp tới bởi điều cần đạt được chính là những cam kết rõ ràng, không mơ hồ và bằng văn bản của Triều Tiên đối với Mỹ về định nghĩa phi hạt nhân. Hiện hai bên vẫn chưa có một định nghĩa chung về phi hạt nhân hóa.
Tại hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên ở Singapore, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cũng chỉ đồng ý “hợp tác hướng tới việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên”, một cụm từ linh hoạt và không phải là một bước đột phá đáng kể so với chính sách trong quá khứ. Chính vì vậy, tại hội nghị lần này các chuyên gia cho rằng không nên quá kỳ vọng vào kết quả hai bên sẽ đạt được, bởi có khả năng kết quả lại lặp lại như những gì diễn ra sau cuộc gặp lần thứ nhất.
Trong các bài viết trên báo New York Times, báo Washington Times hay trang tin CNN, một số chuyên gia cho rằng Tổng thống Trump có thể có xu hướng đưa ra những nhượng bộ đối với nhà lãnh đạo Kim Jong-un, như giảm số lượng quân đội Mỹ hiện đang đồn trú tại Hàn Quốc. Nếu đưa ra quyết định trên, Tổng thống Trump sẽ khiến các đồng minh của Mỹ lo ngại và có khả năng họ sẽ dần xa rời Mỹ và không còn là đối tác truyền thống của Mỹ nữa khi cho rằng họ không còn được Mỹ coi trọng.
Ngoài ra, còn có khả năng hai bên có thể ra thông báo chính thức đạt được một thỏa thuận chấm dứt chiến tranh Triều Tiên. Tuy nhiên, theo các chuyên gia một tuyên bố như vậy chỉ mang tính biểu tượng và cũng không giải quyết được những vấn đề cốt lõi giữa hai nước.
Mặc dù vẫn còn nhiều hoài nghi cũng như những dự đoán khác nhau về khả năng kết quả của cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, nhưng điều chắc chắc rằng, cũng giống như cuộc gặp đầu tiên tại Singapore, cuộc gặp lần này tại Hà Nội là cơ hội tốt để hai bên tiếp tục ngồi vào đàm phán, xây dựng lòng tin và tạo một mối quan hệ, và hướng tới một mục tiêu chung, vì hòa bình không chỉ trên bán đảo Triều tiên mà cho cả khu vực và trên thế giới.
Theo Đặng Huyền (TTXVN)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin