Ngày 11/1, Quốc hội Macedonia đã chấp thuận sửa đổi Hiến pháp để đổi tên nước thành Cộng hòa Bắc Macedonia theo đúng thỏa thuận đã ký với Hy Lạp nhằm chấm dứt tranh cãi về vấn đề tên nước trong 27 năm qua.
Ngày 11/1, Quốc hội Macedonia đã chấp thuận sửa đổi Hiến pháp để đổi tên nước thành Cộng hòa Bắc Macedonia theo đúng thỏa thuận đã ký với Hy Lạp nhằm chấm dứt tranh cãi về vấn đề tên nước trong 27 năm qua.
Thủ tướng Zoran Zaev sau cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội Macedonia, ngày 11/1. (Ảnh: Robert Atanasovski/Getty Images) |
Phát biểu ý kiến trên truyền hình, Chủ tịch Quốc hội Macedonia Talat Xhaferi cho biết, 81 trong số 120 nghị sĩ Quốc hội đã bỏ phiếu ủng hộ thông qua dự thảo sửa đổi Hiến pháp.
Trong một tuyên bố, Chính phủ Macedonia khẳng định, một chương mới mang tính lịch sử của đất nước đã được viết lên trong đêm 11/1.
Sự ủng hộ từ phía Quốc hội Macedonia giúp cho hai trong số những quyền lợi lớn nhất của nước này là gia nhập Liên hiệp châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trở nên hoàn toàn hợp lý.
Sau cuộc bỏ phiếu của Quốc hội Macedonia, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã gọi điện chúc mừng người đồng cấp Macedonia Zoran Zaev.
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg và Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề mở rộng EU Johannes Hahn cũng bày tỏ hoan nghênh kết quả cuộc bỏ phiếu này.
“NATO ủng hộ mạnh mẽ việc thực thi đầy đủ thỏa thuận (giữa Hy Lạp và Macedonia), đây là đóng góp quan trọng đối với một khu vực ổn định và thịnh vượng”, ông Stoltenberg chia sẻ trên tài khoản Twitter cá nhân.
Trong những tháng qua, Hy Lạp và Macedonia đã phối hợp giải quyết cuộc tranh cãi kéo dài hàng thập kỷ liên quan tên gọi chính thức của Macedonia. Vấn đề bắt đầu nảy sinh từ năm 1991, khi Macedonia tuyên bố độc lập và gia nhập Liên hợp quốc với tên gọi Cộng hòa Nam Tư cũ Macedonia.
Do Macedonia cũng là tên gọi của một tỉnh phía bắc Hy Lạp cho nên Athens lo ngại sự trùng hợp này có thể kéo theo những yêu sách về lãnh thổ từ phía quốc gia láng giềng.
Macedonia và Hy Lạp đã đạt được thỏa thuận về đổi tên nước từ tháng 6/2018. Tuy nhiên, Macedonia sẽ bắt đầu áp dụng thỏa thuận đổi tên nước chỉ sau khi Quốc hội Hy Lạp cũng thông qua văn kiện này.
Theo Nhân dân
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin