Quyết định của Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Jim Yong Kim từ chức khi còn tới hơn 3 năm nữa nhiệm kỳ hiện này mới kết thúc được cho là sẽ làm nổ ra cuộc chiến gay gắt giữa Mỹ với các nước vốn chỉ trích việc Washington "kiểm soát" WB - thể chế phát triển tài chính lớn nhất thế giới.
Quyết định của Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Jim Yong Kim từ chức khi còn tới hơn 3 năm nữa nhiệm kỳ hiện này mới kết thúc được cho là sẽ làm nổ ra cuộc chiến gay gắt giữa Mỹ với các nước vốn chỉ trích việc Washington "kiểm soát" WB - thể chế phát triển tài chính lớn nhất thế giới.
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Jim Yong Kim. Ảnh: THX/TTXVN |
Về mặt lý thuyết, cổ đông lớn nhất trong WB sẽ có quyền lựa chọn người đứng đầu thể chế gồm 189 nước thành viên này. Do đó, trong suốt 75 năm qua, với sự ủng hộ của các nước châu Âu, vị trí Chủ tịch WB luôn là một người Mỹ được Washington lựa chọn. Tuy nhiên, việc đề cử năm nay được dự báo sẽ không dễ dàng.
Theo đó, nếu Tổng thống Donald Trump muốn một người Mỹ tiếp tục nắm giữ cương vị này, ông cần phải chọn ra một ứng cử viên có thể giành được sự ủng hộ của hầu hết cổ đông.
Thế nhưng, trong suốt 2 năm cầm quyền, với chính sách "Nước Mỹ trước tiên", Tổng thống Trump đã làm "phật lòng" hàng loạt đồng minh của Washington trong WB, vì vậy, sẽ rất khó khăn để ứng cử viên do Mỹ đề cử nhận được sự ủng hộ cao, đặc biệt trong bối cảnh xuất hiện ngày càng nhiều những lời kêu gọi về "các nhân vật từ các nước thành viên khác" dẫn dắt thể chế này.
Nói như cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ Scott Morris, từng làm việc cho WB và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), thì với một tổng thống Mỹ "rất không được lòng", chắc chắn con đường tìm người thay thế Chủ tịch Jim Yong Kim sẽ vô cùng gập ghềnh.
Đó là chưa kể đến khả năng, như cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ Mark Sobel đề cập, là thách thức khá lớn từ các nền kinh tế mới nổi, trong đó có Brazil và Trung Quốc - những nước luôn đấu tranh nhằm có thêm ảnh hưởng tại các thể chế đa phương.
Trên thực tế, thỏa thuận "bất thành văn" về việc người Mỹ đứng đầu WB trong khi người châu Âu dẫn dắt IMF đã vấp phải nhiều rào cản trong những năm gần đây, khi các nước thành viên trong 2 thể chế này, trong đó có Nigeria và Mexico, cũng tự đưa ra ứng cử viên của mình.
Năm 2012, Chủ tịch WB Jim Yong Kim là ứng cử viên Mỹ đầu tiên phải đối mặt với thách thức do Nigeria đề cử ứng cử viên Ngozi Okonjo-Iweala trong cuộc bầu chọn vị trí "người cầm lái" WB.
Nhằm không để lặp lại tình trạng này, ngay từ năm 2016, chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama đã nhanh chóng đề cử ông Jim Yong Kim vào vị trí Chủ tịch WB cho nhiệm kỳ hai kéo dài 5 năm, bắt đầu vào năm 2017.
Tuy nhiên, cũng trong năm 2016, hiệp hội nhân viên WB cho rằng đang có sự bất mãn cao trong số 15.000 nhân viên của thể chế, đồng thời khẳng định WB đang đối mặt với "cuộc khủng hoảng lãnh đạo", kêu gọi chấm dứt "các thỏa thuận ngầm" về việc kiểm soát thể chế này.
Bên cạnh đó, các nhân viên WB còn chỉ trích việc tái cấu trúc nội bộ mà Chủ tịch Jim Yong Kim theo đuổi cũng như việc cắt giảm nhân viên và chi tiêu.
Theo kế hoạch, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin sẽ làm việc với các thống đốc ngân hàng nhằm tìm ra một ứng cử viên. Sau khi nhận được đề cử, hội đồng WB sẽ tiến hành họp để đưa ra quyết định cuối cùng.
Ông Jim Yong Kim, 56 tuổi, là người Mỹ gốc Hàn Quốc, đã nắm quyền lãnh đạo WB từ năm 2012. Trong bức thư gửi nhân viên, ông cho biết sau khi rời WB sẽ gia nhập một công ty chuyên chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng cho các nước đang phát triển.
Giám đốc điều hành WB, bà Kristalina Georgieva, sẽ giữ chức Chủ tịch lâm thời sau khi ông Kim Yong Kim rời nhiệm sở vào ngày 1/2/2019 tới.
Theo TTXVN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin