Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cảnh báo nguy cơ nổ ra một cuộc "chiến tranh toàn diện" và cho biết, Nga đang tăng cường mạnh mẽ sự hiện diện quân sự tại khu vực biên giới giữa hai nước giữa lúc căng thẳng leo thang.
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cảnh báo nguy cơ nổ ra một cuộc "chiến tranh toàn diện” và cho biết, Nga đang tăng cường mạnh mẽ sự hiện diện quân sự tại khu vực biên giới giữa hai nước giữa lúc căng thẳng leo thang.
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko chủ trì cuộc họp Hội đồng An ninh quốc phòng ở Kiev ngày 26/11. Ảnh: Reuters. |
Ngày 25/11, lực lượng biên phòng Nga đã bắt giữ 3 tàu hải quân cùng toàn bộ thủy thủ đoàn của Ukraine tại vùng biển gần bán đảo Crimea đã được Tổng thống Putin ký sắc lệnh sáp nhập vào lãnh thổ Liên bang Nga từ năm 2014. Sự kiện này đã châm ngòi cho một cuộc tranh cãi căng thẳng giữa Nga và Ukraine khi mà cả hai nước láng giềng đều đổ lỗi cho nhau là nguyên nhân gây ra vụ đụng độ.
Trong một tuyên bố đưa ra ngày 27/11, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cảnh báo nguy cơ nổ ra một “cuộc chiến tranh toàn diện” và cho biết, Nga đang tăng cường mạnh mẽ sự hiện diện quân sự tại khu vực biên giới giữa hai nước giữa lúc căng thẳng leo thang. Ông Poroshenko dự báo rằng, vụ đụng độ trên biển giữa Nga và Ukraine vào cuối tuần trước có thể sẽ báo hiệu thêm những diễn biến quyết liệt hơn trong xung đột quân sự giữa hai nước.
Trong cuộc điện đàm cùng ngày với Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Putin cũng bày tỏ sự quan ngại sâu sắc trước việc Ukraine thông qua đề xuất áp đặt lệnh thiết quân luật sau vụ đụng độ trên eo biển Kerch. Ông Putin hy vọng rằng, Đức sẽ lên tiếng thuyết phục các nhà chức trách Ukraine kiềm chế trước khả năng thực hiện thêm các hành vi khinh suất trong tương lai.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hiện nay là cuộc tranh cãi giữa Nga và Ukraine đã vượt xa khỏi phạm vi hai nước và kéo thêm sự can dự của nhiều bên khác. Hiện Liên minh châu Âu (EU), Anh, Canada, Pháp và Đức cùng một số nước khác đã tỏ rõ lập trường ủng hộ Ukraine trong vụ đụng độ trên eo biển Kerch ngày 25/11. Bộ Ngoại giao Mỹ còn kêu gọi các nước châu Âu hành động nhiều hơn nữa để hỗ trợ Ukraine trong vụ căng thẳng với Nga. Ngoại trưởng Áo (nước hiện giữ chức Chủ tịch luân phiên EU) – ông Karin Kneissl, cũng ra tuyên bố xác nhận rằng khối này sẽ cân nhắc tới việc gia tăng trừng phạt Moscow vào tháng tới.
Trước bối cảnh trên, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, ngày 27/11 đã kêu gọi các bên kiềm chế tối đa. Theo người đứng đầu Liên hợp quốc thì cả Nga và Ukraine cần thực hiện các biện pháp nhằm kiểm soát vụ việc và hạ nhiệt căng thẳng một cách không chậm trễ.
Ngày 27/11, Tổng thống Mỹ Donald Trump đề cập tới khả năng ông sẽ hủy cuộc gặp với người đồng nhiệm Nga Vladimir Putin bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) sẽ diễn ra tại Argentina vào cuối tuần này, do vụ đụng độ vừa qua giữa Nga và Ukraine trên eo biển Kerch.
Trả lời phỏng vấn tờ Washington Post, người đứng đầu Nhà Trắng cho biết, ông đang chờ đợi nhận được bản báo cáo đầy đủ do đội an ninh quốc gia của Tổng thống đưa ra về vụ Nga bắt giữ 3 tàu hải quân cùng thủy thủ đoàn của Ukraine vào cuối tuần trước.
Theo kế hoạch đã đề ra, Tổng thống Mỹ D.Trump sẽ gặp gỡ người đồng nhiệm Nga Vladimir Putin bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra ở Buenos Aires (Argentina) vào cuối tuần này. Mới đây, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton đã tiết lộ trước báo giới rằng, nội dung của Hội nghị thượng đỉnh Nga - Mỹ sẽ bao quát một loạt vấn đề, từ an ninh, kiểm soát vũ khí, cho tới tình hình Trung Đông và Ukraine.
Ông Bolton cho rằng, Hội nghị thượng đỉnh Nga - Mỹ diễn ra tại Argentina sẽ là “sự kiện tiếp nối” các vòng thảo luận mà hai Tổng thống đã từng thực hiện ở thủ đô Helsinki của Phần Lan vào tháng 7/2018. Tuy nhiên, thông tin về ý định hủy cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ đã được Tổng thống D.Trump đưa ra chỉ ít giờ sau khi Nhà Trắng thông báo về sự kiện này trong cuộc họp báo diễn ra ngày 27/11.
Theo ĐCSVN/TASS, NHK, Reuters, CNA
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin