Bất đồng thương mại Mỹ-Trung, căng thẳng giữa Nga và Ukraine, vụ giết hại nhà báo Jamal Khashoggi đang phủ bóng chương trình nghị sự của Hội nghị G20.
Bất đồng thương mại Mỹ-Trung, căng thẳng giữa Nga và Ukraine, vụ giết hại nhà báo Jamal Khashoggi đang phủ bóng chương trình nghị sự của Hội nghị G20.
Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) ngày 30/11 có cuộc gặp tại thủ đô Buenos Aires của Argentina, diễn ra vào đúng thời điểm kỷ niệm 10 năm Hội nghị thượng đỉnh G20.
Bước ngoặt này đánh dấu thời điểm thích hợp để chứng minh vai trò quan trọng của nhóm trong kỷ nguyên chủ nghĩa dân tộc và cạnh tranh địa chính trị gia tăng toàn cầu.
Tuy nhiên, các vấn đề như bất đồng thương mại Mỹ-Trung, căng thẳng tại eo biển Kerch giữa Nga và Ukraine, bí ẩn vụ giết hại nhà báo Jamal Khashoggi đang phủ bóng chương trình nghị sự của Hội nghị.
Bất đồng thương mại Mỹ-Trung, căng thẳng giữa Nga và Ukraine đang phủ bóng chương trình nghị sự của Hội nghị G20. Ảnh: Flickr |
Argentina đã xác định 3 ưu tiên cho năm chủ nhà của mình với chủ đề “xây dựng sự đồng thuận vì sự phát triển bền vững và công bằng”.
Theo đó, chương trình nghị sự chính thức tập trung vào tương lai việc làm, phát triển cơ sở hạ tầng và an ninh lương thực.
Tuy nhiên, chương trình nghị sự mở rộng với căng thẳng giữa các nước và vấn đề thương mại, đang khiến dư luận đổ dồn vào các cuộc gặp song phương bên lề hơn là các sự kiện chính.
Quan trọng nhất được cho là cuộc gặp song phương giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Các nhà đầu tư hy vọng nhà lãnh đạo Mỹ-Trung Quốc sẽ có những bước tiến tích cực trong việc giải quyết các căng thẳng thương mại, đang tác động xấu đến nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên ngay trước thềm hội nghị, hai bên đều không có dấu hiệu nhượng bộ.
Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer khẳng định, Trung Quốc đã không điều chỉnh các chính sách thị trường không công bằng và vô lý của mình, trong khi Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cảnh báo, Mỹ đang chuẩn bị áp thuế gấp đôi nhằm vào Trung Quốc.
Trung Quốc dường như cũng không chịu nhượng bộ khi tuyên bố rằng cáo buộc của Mỹ là không có cơ sở và không thể chấp nhận được, với quyết tâm tiếp tục theo đuổi chương trình nghị sự “Made in China 2025”.
Mặc dù vậy, các quan chức Trung Quốc vẫn khẳng định nước này sẽ nỗ lực để đảm bảo được sự đồng thuận tại G20.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nhấn mạnh: “Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với tất cả các bên nhằm tăng cường sự đồng thuận và thành công của Hội nghị G20, tiếp tục chứng minh vai trò của Diễn đàn quan trọng này đối với sự hợp tác kinh tế quốc tế, thúc đẩy các bước tiến trong sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu”.
Mặc dù hi vọng là không nhiều, nhưng dư luận mong muốn cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Trung- Mỹ sẽ tạo ra một kết quả tích cực, giúp hạ nhiệt những căng thẳng thương mại hiện nay, phá vỡ thế bế tắc tại Hội nghị G20.
Những căng thẳng giữa Nga và Ukraine liên quan đến đụng độ tại eo biển Kerch vừa qua cũng là một vấn đề mà các thành viên G20 không thể bỏ qua. Hiện có lo ngại cuộc gặp bên lề giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể bị hủy vào phút chót.
Và nếu cuộc gặp vẫn diễn ra theo kế hoạch, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump có công khai chỉ trích hành động của Nga trong vấn đề eo biển Kerch hay không, hay một lần nữa ông lại thể hiện thái độ mềm mỏng giống như Hội nghị thượng đỉnh Nga-Mỹ vào tháng 7 vừa qua là điều mà dư luận đang quan tâm.
Tổng thống Nga Putin ngày 28/11 bày tỏ hi vọng sẽ có cuộc gặp Tổng thống Mỹ bên lề Hội nghị để giải quyết những bế tắc trong mối quan hệ song phương: “Tôi luôn hi vọng sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Argentina.
Chúng tôi sẽ có cơ hội để thảo luận về việc tìm ra nền tảng hợp tác chung giữa hai bên. Trong các cuộc gặp trước, tôi luôn đánh giá cao thái độ tích cực của Tổng thống Mỹ Donald Trump và chúng tôi cần phải tiếp tục đối thoại để tìm ra một nền tảng chung”.
Một vấn đề được quan tâm khác tại Hội nghị lần này là sự tham dự của Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman trong bối cảnh nhà lãnh đạo này đang đối mặt với sức ép ngày càng gia tăng từ cộng đồng quốc tế sau vụ nhà báo Jamal Khashoggi bị sát hại tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Những nhận định và phản ứng của các bên tại Hội nghị lần này sẽ phản ánh lập trường cũng như định hướng hành động của các nước về vấn đề vẫn đang gây tranh cãi thời gian qua.
Cách đây tròn 10 năm, khi các nhà lãnh đạo G20 có cuộc gặp lần đầu tiên tại Mỹ năm 2008, nhiệm vụ của họ đối mặt với một thách thức lớn đó là cứu nền kinh tế toàn cầu khỏi cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất thế giới trong hơn 70 năm qua.
Hội nghị này được đánh giá là thành công trong việc thực hiện các mục tiêu đề ra. 10 năm sau, nước chủ nhà Argentina đang gánh vác một nhiệm vụ quan trọng trong việc kiểm soát các bất đồng để đảm bảo Hội nghị đi đúng hướng, tránh lặp lại thất bại của Hội nghị thượng đỉnh APEC gần đây tại Papua New Guinea khi lần đầu tiên Hội nghị không ra được Tuyên bố chung.
Thị trường toàn cầu dường như cũng đang nín thở, nghe ngóng kết quả từ Hội nghị G20, với những vấn đề quan trọng có thể ảnh hưởng lớn đến cục diện địa chính trị thế giới./.
Theo Phạm Hà/VOV.VN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin