Ngày 23/11, Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) đã cảnh báo tình hình "đáng báo động" về người di cư châu Phi bỏ mạng trên hành trình vượt biển tới Tây Ban Nha.
Ngày 23/11, Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) đã cảnh báo tình hình "đáng báo động" về người di cư châu Phi bỏ mạng trên hành trình vượt biển tới Tây Ban Nha.
Người di cư được các Tổ chức phi chính phủ (NGO) "SOS Địa Trung Hải" và "Bác sĩ không biên giới" cứu tại vùng biển Địa Trung Hải ngày 2/8/2017. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN |
Theo IOM, kể từ đầu năm đến nay, có ít nhất 631 người di cư châu Phi bị thiệt mạng trong hành trình vượt biển tới Tây Ban Nha. Con số này tăng gần gấp 3 lần so với của cả năm 2017.
Chỉ riêng trong tháng 11, mỗi ngày có hơn 120 người di cư từ Bắc Phi và vùng nam sa mạc Sahara châu Phi tới Tây Ban Nha, so với mức kỷ lục hơn 350 người/ngày trong tháng 10.
Người phát ngôn IOM, Joel Millman cho biết tình hình trên là bất thường bởi vào thời gian này trong năm, lượng người di cư thường giảm trên các tuyến hành trình này.
Theo số liệu mới nhất của IOM, từ đầu năm đến nay, 104.506 người di cư đã tới châu Âu bằng đường biển và 2.075 người bị thiệt mạng, bằng khoảng 2/3 của năm 2017 và bằng 1/4 so với tổng số của năm 2016. Hàng nghìn người chủ yếu đến từ châu Phi và Trung Đông đã bị thiệt mạng trên hành trình nguy hiểm vào châu Âu. Người di cư thường liều lĩnh vượt biển trong những con thuyền nhỏ, không đủ sức ra khơi xa và thường chở quá tải.
Số người di cư trên tuyến đường biển chính từ Libya tới Italy đã giảm mạnh trong năm qua, phần nào nhờ các thỏa thuận giữa chính phủ Libya với các nhóm vũ trang ở nước này trong cuộc chiến chống buôn người di cư. Tuy nhiên, số người di cư thực hiện hành trình vượt biển từ phía Tây Địa Trung Hải sang Tây Ban Nha lại gia tăng.
Trong khi đó, tuyến di cư từ Thổ Nhĩ Kỳ sang Hy Lạp vốn được hơn 1 triệu người xin tị nạn sử dụng năm 2015, phần lớn đã bị đóng cửa theo một thỏa thuận giữa Liên minh châu Âu (EU) và Thổ Nhĩ Kỳ năm 2016.
Theo Minh Châu (TTXVN)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin