Cả Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Anh Theresa May đều có những lí do chính trị của riêng mình để giải thích cho việc lựa chọn hỗ trợ Mỹ không kích Syria. Tuy nhiên, ngay sau khi cuộc tấn công kết thúc, hai nhà lãnh đạo này đã bị chính dư luận quê nhà "quay lưng" vì quyết định trên.
Cả Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Anh Theresa May đều có những lí do chính trị của riêng mình để giải thích cho việc lựa chọn hỗ trợ Mỹ không kích Syria. Tuy nhiên, ngay sau khi cuộc tấn công kết thúc, hai nhà lãnh đạo này đã bị chính dư luận quê nhà "quay lưng" vì quyết định trên.
Thủ tướng Anh Theresa May (trái) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: Telegraph |
Đối với Tổng thống Macron, không kích Syria là cơ hội để ông thực hiện cam kết trừng phạt nước này vì những nghi ngờ sử dụng vũ khí hóa học trước đó. Đối với Thủ tướng Anh May, đây cũng là cơ hội hiếm có để thể hiện sự ủng hộ của bà đối với nước Mỹ.
Trong một tuyên bố chính thức, Tổng thống Macron phát biểu vụ tấn công nghi ngờ sử dụng vũ khí hóa học ngày 7/4 khiến 40 người thiệt mạng ở thị trấn Douma, Syria, hoàn toàn “là hành vi vi phạm luật pháp quốc tế và nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc”. Ông nhấn mạnh “Giới hạn đỏ mà Pháp đặt ra vào tháng 5/2017 đã bị vượt qua”.
Đối với Macron, động thái này cũng có tác động tích cực đối với việc duy trì vị thế của ông như "cầu nối" giữa Nga và Mỹ, giữa Nga và Liên minh châu Âu (EU).
Chỉ vài giờ trước khi ra lệnh tấn công, Tổng thống Macron có cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin để bàn thảo về Syria. Cả Tổng thống Macron và ban trợ lí đều khẳng định ông vẫn sẽ thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước tới Moskva vào cuối tháng 5.
Cùng lúc, Tổng thống Macron cũng tìm cách nâng cao vị thế của Pháp như một quốc gia đóng vai trò quan sát việc thực thi các hiệp ước quốc tế, trong đó bao gồm Công ước Vũ khí Hóa học ký năm 1997.
Về phần mình, Thủ tướng May đang trong vị thế khá bấp bênh, khi đang phải đối mặt với Nga liên quan đến vụ cha con cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal bị đầu độc bằng chất độc thần kinh. Thủ tướng May phải chịu sức ép đáp trả mạnh mẽ đối với Moskva vì vụ tấn công có nguy cơ phát tán chất độc chết người cho hàng trăm người dân tại tây nam nước Anh. Dù vậy, vụ việc này đang "gió đảo chiều" và việc sớm đổ trách nhiệm cho Moskva đang khiến nhà lãnh đạo Anh khó xử.
Ngày 14/4, nữ lãnh đạo nước Anh miêu tả cuộc không kích Syria là “hợp pháp và đúng đắn”. Thời điểm ra quyết định tấn công cũng khá thuận lợi cho Thủ tướng May. Cuối tuần là khoảng thời gian nghỉ ngơi của các nghị sĩ. Thủ tướng May có thể sẽ cảm thấy không bị áp lực cũng như không cho cơ hội để các nhà lập pháp bỏ phiếu không thông qua quyết định tấn công.
Bên cạnh đó, việc giúp Mỹ một tay cũng được nhìn nhận là hành động đền đáp sự ủng hộ mà Washington giành cho London trong tranh cãi với Nga về vụ đầu độc.
“Tôi không nghĩ bà ấy có sự lựa chọn”, Justin Bronk – nghiên cứu viên tại Viện Royal United Services London giải thích.
Theo các kết quả điều tra dư luận gần đây, thái độ của người Anh trong việc ủng hộ tấn công Syria là khá thờ ơ. Các chuyên gia dự đoán việc quyết định không kích Syria trước khi có sự cho phép của các nhà lập pháp, Thủ tướng May có thể phải đối mặt với nguy cơ chính trị. Và thực tế đúng là như vậy.
Ngay sau cuộc tấn công, lãnh đạo Công đảng đối lập, Jeremy Corbyn, đã lên án Thủ tướng May khi cho rằng “đánh bom không cứu sống mạng người hay đem lại hòa bình”.
Thủ tướng May đã phải ra chất vấn tại Quốc hội Anh trong ngày 16/4 về việc phối hợp với Mỹ và Pháp không kích Syria. Trước đó, bà May đã họp Nội các và tìm được sự đồng thuận đánh Syria mà không cần thông qua Quốc hội.
Phía Công đảng đối lập cho rằng Thủ tướng May cần phải tham khảo ý các nghị sĩ trước khi quyết định can thiệp quân sự ở nước ngoài.
Trong khi đó, Tổng thống Pháp Macron phải hứng chịu "cơn gạch đá" từ hai cánh cực tả và cực hữu. Trên mạng xã hội Twitter, Chủ tịch đảng cánh tả (PG) Jean-Luc Mélenchon cáo buộc Tổng thống Macron tấn công Syria mà không có bằng chứng xác thực sử dụng vũ khí hóa học cũng như không có sự ủy nhiệm từ LHQ, sự nhất trí của EU hoặc bỏ phiếu thông qua của Quốc hội. Bà Marine Le Pen đại diện phe cực hữu thì cho rằng Pháp đã đánh mất cơ hội “xuất hiện trên đấu trường quốc tế với tư cách một quốc gia độc lập”. Thậm chí Phó Chủ tịch đảng Mặt trận Quốc gia Nicolas Bay còn gọi Tổng thống Macron là “đầy tớ” của nước Mỹ.
Năm 2013, khi chính quyền của Tổng thống Syria Bashar Assad bị nghi ngờ sử dụng vũ khí hóa học khiến hơn 1.300 người dân thiệt mạng, cả cựu Tổng thống Pháp François Hollande và Thủ tướng Anh lúc bấy giờ David Cameron tuyên bố ông Assad đã vượt qua giới hạn đỏ họ vạch ra.
Tuy nhiên, khi đến thời khắc triển khai tên lửa tấn công, Thủ tướng Cameron không vượt qua được cuộc bỏ phiếu thông qua của Quốc hội, trong khi Tổng thống Hollande cũng tạm lui khi rõ ràng Tổng thống Mỹ Barack Obama lúc đó suy nghĩ lại về cuộc tấn công.
Rõ ràng, việc tham gia chiến dịch không kích Syria ngày 14/4 của Mỹ đang khiến hai nhà lãnh đạo Pháp-Anh chịu áp lực không nhỏ ở trong nước và không loại trừ ông Macron và bà May có thể phải đối mặt với một cái giá về chính trị cho hành động này.
Theo Hồng Hạnh/Báo Tin tức
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin