Đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) đã bỏ phiếu chấp nhận tái lập Đại Liên minh với hai đảng "chị em" của Thủ tướng Angela Merkel.
Đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) đã bỏ phiếu chấp nhận tái lập Đại Liên minh với hai đảng “chị em” của Thủ tướng Angela Merkel.
Thủ tướng Đức Angela Merkel - Ảnh: Reuters |
Tại cuộc bầu cử Đức diễn ra năm 2017, Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo Đức (CDU) của bà Merkel giành số phiếu cao nhất, còn SPD về thứ hai. Tuy nhiên, CDU vẫn chỉ tìm thấy sự gắn kết đảm bảo nhất từ Liên minh xã hội Thiên Chúa giáo vùng Bavaria (CSU) của ông Horst Seehofer.
CDU/CSU vì thế muốn thành lập chính phủ phải tìm thêm một liên minh khác. Nhưng trong bối cảnh phe cực hữu Sự lựa chọn thay thế vì nước Đức (AfD) lớn mạnh và có chân trong Quốc hội (Bundestag), SPD là lựa chọn duy nhất để bà Merkel tiếp tục nắm quyền.
CDU/CSU – SPD thực chất đã liên minh ở cuộc bầu cử năm 2013. Tuy nhiên nội bộ SPD đã lấn cấn trong việc có tiếp tục hợp tác hay không. Cựu lãnh đạo của đảng này là ông Martin Schulz đã chịu áp lực tách ly khỏi CDU/CSU vì cảm thấy lép vế. Chính vì vậy, SPD phải đợi kết quả bỏ phiếu để ra quyết định.
Kết quả kiểm phiếu sơ bộ ngày 4-3 cho thấy có 66,02% (tương đương 239.000 cử tri) bỏ phiếu chấp thuận liên minh, và 33,98% (123.329 cử tri) không chấp nhận liên minh. Tỉ lệ này khá tương ứng với các khảo sát trước cuộc bỏ phiếu, và kết quả sít sao này phần nào cho thấy nội bộ SPD vẫn còn nhiều vấn đề trong việc liên minh.
Các vị trí bộ trưởng trong nội các mới của bà Merkel dự kiến sẽ được công bố trong vòng vài tuần tới, và chính phủ mới sẽ thành lập cuối tháng 3 này. Kết quả này cũng hiển nhiên giúp Thủ tướng Merkel tiếp tục lãnh đạo nước Đức ở nhiệm kỳ thứ tư. Bà đã nắm giữ vị trí này từ năm 2005.
Trong dòng trạng thái trên Twitter sau khi có kết quả trên, Thủ tướng Merkel chúc mừng SPD về "kết quả rõ ràng" này. Bà nói: "Tôi chúc mừng SPD về kết quả rõ ràng này và mong muốn tiếp tục hợp tác vì những điều tốt đẹp nhất cho đất nước chúng ta".
Việc nước Đức có chính phủ mới không chỉ là tin vui cho người ủng hộ bà Merkel, mà còn được xem là tín hiệu tốt lành cho Liên minh châu Âu (EU).
Kể từ khi SPD tỏ ra e ngại về liên minh mới, Đức trải qua 5 tháng liền rơi vào trạng thái "tê liệt chính trị" vì không thể hình thành nội các để ứng phó với thách thức mới.
Đức cũng là nền kinh tế số một châu Âu, và dĩ nhiên vận mệnh của quốc gia này cũng ảnh hưởng rất lớn tới EU giữa làn sóng chủ nghĩa dân tộc cực đoan trỗi dậy.
Từ Pháp, Tổng thống Emmanuel Macron tối 4/3 (giờ Việt Nam) cũng chúc mừng Thủ tướng Merkel và quyền lãnh đạo SPD - ông Olaf Scholz về kết quả trên, theo Reuters.
Theo TTO
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin