The Straits Times, BBC ngày 13/3 đưa tin một dự thảo báo cáo của Liên hợp quốc bị rò rỉ tiết lộ rằng hai công ty của Singapore đã vi phạm các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc bằng việc cung cấp những mặt hàng xa xỉ cho Triều Tiên.
The Straits Times, BBC ngày 13/3 đưa tin một dự thảo báo cáo của Liên hợp quốc bị rò rỉ tiết lộ rằng hai công ty của Singapore đã vi phạm các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc bằng việc cung cấp những mặt hàng xa xỉ cho Triều Tiên.
Một phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về Triều Tiên. (Nguồn: Getty images) |
Nguồn tin trên cho biết báo cáo cuối cùng đã được đệ trình lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và có thể được công bố vào cuối tuần này.
Theo BBC, chính phủ của Quốc đảo Sư Tử cho biết đã nhận biết được các trường hợp này và đã bắt đầu điều tra vụ việc từ "thông tin đáng tin cậy." Theo đó, hai công ty có trụ sở tại Singapore là OCN và T Specialist đang nằm dưới sự điều tra của các lực lượng chức năng. Hai công ty này thuộc một hệ thống và có chung một giám đốc.
Theo báo cáo, hai công ty này đã chuyển một lượng hàng hóa xa xỉ tới Triều Tiên, trong đó có rượu, cho đến tận tháng 7/2017. Báo cáo còn khẳng định, trong giai đoạn từ năm 2011-2014, có "những giao dịch trị giá lên tới hơn 2 triệu USD" (được cho là tiền bán hàng) từ một tài khoản của OCN và T Specialitst tại ngân hàng Triều Tiên mang tên Daedong Credit Bank chuyển tới những tài khoản ngân hàng của T Specialist tại Singapore.
Tuy nhiên, T Specialist đã khai với Liên hợp quốc rằng các nguồn tiền không tới từ Triều Tiên mà từ một công ty được đăng ký kinh doanh tại Hong Kong và liên quan tới các thương vụ trước năm 2012.
Hai công ty trên còn bị Liên hợp quốc cáo buộc có quan hệ "mật thiết và lâu dài," bao gồm quan hệ sở hữu, với Ngân hàng Thương mại Ryugyong, một ngân hàng nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ hồi năm 2017, dù theo BBC, các công ty này đều phủ nhận việc có lợi nhuận từ ngân hàng.
Luật sư Edmond Pereira của hai công ty này đã xác nhận rằng cả hai doanh nghiệp đều đang bị các nhà chức trách Singapore điều tra, song khẳng định rằng họ hiện không có bất kỳ mối liên hệ tài chính, lợi tức, hay bất kỳ dạng quan hệ nào với các tổ chức tại Triều Tiên.
Ngoài ra, luật sư Pereira cũng thừa nhận rằng các thân chủ của ông "đã giao dịch với các tổ chức của Triều Tiên trước khi các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc có hiệu lực." Tuy nhiên, ông giải thích rằng các công ty đã "giảm bớt sự liên quan" với Triều Tiên, nhưng "những việc này cần phải mất chút thời gian."
Theo báo cáo của Liên hợp quốc, một số giao dịch trong vụ OCN và T Specialist dường như đã sử dụng hệ thống tài chính Singapore.
Do vậy, trách nhiệm của các quốc gia thành viên là phải đảm bảo rằng các ngân hàng của nước đó có "một sự giám sát chặt chẽ" hơn đối với các cá nhân và công ty mở tài khoản.
Giới chuyên gia cho biết những vi phạm của các công ty Singapore, nếu được chứng minh, sẽ phát sinh câu hỏi về việc làm sao những vi phạm như vậy có thể lan rộng khắp châu Á./.
Theo TTXVN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin