Ngày 30/11, người phát ngôn Hải quân Argentina Enrique Balbi thông báo đã ngừng hoạt động cứu hộ 44 thủy thủ tàu ngầm ARA San Juan bị mất tích trên biển Nam Đại Tây Dương từ ngày 15/11, tuy nhiên vẫn sẽ tiếp tục chiến dịch tìm kiếm con tàu được coi là đã nổ.
Ngày 30/11, người phát ngôn Hải quân Argentina Enrique Balbi thông báo đã ngừng hoạt động cứu hộ 44 thủy thủ tàu ngầm ARA San Juan bị mất tích trên biển Nam Đại Tây Dương từ ngày 15/11, tuy nhiên vẫn sẽ tiếp tục chiến dịch tìm kiếm con tàu được coi là đã nổ.
Thân nhân của thủy thủ tàu ngầm mất tích ARA San Juan chờ đợi thông tin về người thân tại căn cứ hải quân Mar del Plata, Argentina ngày 23/11. (Nguồn: THX/TTXVN) |
Theo phóng viên TTXVN tại Buenos Aires, ông Balbi đã đọc thông cáo của Bộ Quốc phòng Argentina, trong đó nhấn mạnh tuy các lực lượng hải quân đã nỗ lực tối đa trong công tác tìm kiếm, cứu nạn và cứu hộ thủy thủ đoàn của tàu ngầm ARA San Juan, nhưng cho tới thời điểm này vẫn chưa thể tìm thấy con tàu.
Ông Balbi tuyên bố 2 tuần đã trôi qua, gấp đôi thời gian mà khả năng các thủy thủ có thể được cứu hộ thành công, bởi vậy việc tìm kiếm sẽ được tiếp tục nhưng sẽ không có những thiết bị cần thiết để cứu người.
Tuyên bố trên được đưa ra sau cuộc họp diễn ra cùng ngày giữa Bộ trưởng Quốc phòng Oscar Aguad và đại diện lực lượng Hải quân Argentina.
Với quyết định này, Bộ Quốc phòng Argentina chính thức công bố gián tiếp việc 44 thủy thủ tàu ngầm ARA San Juan đã hy sinh.
Thông cáo cũng nêu rõ 2 tổ chức quốc tế đã thông báo cho các nhà chức trách nước này về việc phát hiện ra những “âm thanh bất thường” giống như một vụ nổ tại vùng biển thuộc chủ quyền Argentina.
Từ ngày 15/11, sau khi bị mất liên lạc với tàu ngầm ARA San Juan, Argentina cùng sự hỗ trợ của 18 quốc gia trong đó có Mỹ, Nga, Anh và Pháp, đã triển khai chiến dịch tìm kiếm, cứu nạn và cứu hộ, với sự tham gia của 4.000 người và 30 máy bay, tàu thuyền các loại.
Ông Balbi cho biết với nhiều thiết bị tối tân và hiện đại, chiến dịch tìm kiếm đã được triển khai cả trên không và dưới biển nhưng không đem lại kết quả.
Tàu ARA San Juan, hạ thủy năm 1983, là tàu ngầm mới nhất trong 3 tàu ngầm mà Hải quân Argentina sở hữu từ năm 1985 và đã được nâng cấp ít năm trước.
Con tàu này rời cảng Ushuaia, cực Nam Argentina, ngày 13/11 để thực hiện hành trình về căn cứ tại thành phố Mar del Plata, cách thủ đô Buenos Aires 400km về phía Nam.
Hai ngày sau đó, tàu đã phát tín hiệu lần cuối tại Vịnh San Jorge, cách bờ biển Argentina 432km.
Trước đó ít giờ, ARA San Juan đã thông báo về sự cố chập điện do nước biển tràn vào hệ thống thông hơi, dẫn tới sự cố đoản mạch ở một ắc quy và gây cháy.
Tuy nhiên, các thủy thủ thông báo đã khống chế được vụ việc và tiếp tục hành trình.
Theo điều tra của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), 3 giờ sau khi tàu ARA San Juan báo cáo thông tin lần cuối với đài chỉ huy, một vụ nổ lớn đã xảy ra chỉ cách điểm tàu đã liên lạc 27 km.
Ngày 28/11, ông Balbi cho biết nguyên nhân vụ nổ trên tàu là do khí hydro tích tụ sau sự cố chập ắcquy. Trong những ngày gần đây, công tác tìm kiếm và cứu hộ đã tập trung ở vùng biển được cho là tàu đã nổ, với độ sâu từ 200 tới 1.000m.
Cũng theo ông Balbi, trong vài giờ tới, một tàu của Mỹ có mang đầu dò ở độ sâu 6.000 m sẽ tới Argentina để tham gia công tác tìm kiếm.
Trong khi đó, đêm nay tàu ngầm mini của Nga có khả năng cứu hộ ở độ sâu 1.000m sẽ tới khu vực tìm kiếm, cùng hỗ trợ tàu ngầm mini của Mỹ đã có mặt trước đó. Tuy nhiên, tàu ngầm mini của Mỹ chỉ có thể cứu hộ ở độ sâu 600m.
Liên quan tới điều tra của cơ quan tư pháp Argentina về vụ việc, cùng ngày, thẩm phán liên bang Marta Yáñez cho biết chính phủ nước này khẳng định không có bất cứ thông tin mật nào liên quan tới nhiệm vụ của tàu ngầm ARA San Juan./.
Theo TTXVN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin