Nhiều người Triều Tiên có dấu hiệu nhiễm phóng xạ

01:12, 28/12/2017

Bộ Thống nhất Hàn Quốc đã công bố kết quả cho thấy những người dân Triều Tiên sống ở gần bãi thử Punggye-ri và hiện tị nạn ở Hàn Quốc có dấu hiệu nhiễm xạ.

Bộ Thống nhất Hàn Quốc đã công bố kết quả cho thấy những người dân Triều Tiên sống ở gần bãi thử Punggye-ri và hiện tị nạn ở Hàn Quốc có dấu hiệu nhiễm xạ.

Theo hãng tin Yonhap của Hàn Quốc, trong báo cáo công bố hôm nay (27/12), Bộ Thống nhất Hàn Quốc khẳng định có ít nhất 4 người dân Triều Tiên sống ở huyện Kilju có dấu hiệu bị nhiễm xạ hạt nhân. Huyện này là nơi có bãi thử hạt nhân Punggye-ri cả thế giới biết đến.

Địa điểm bãi thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên - Ảnh: AFP
Địa điểm bãi thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên - Ảnh: AFP

Theo phía Hàn Quốc, dù kết quả thể hiện như thế nhưng cũng không thể suy ra rằng người dân Triều Tiên bị nhiễm xạ từ các vụ thử hạt nhân không được đảm bảo của Bình Nhưỡng. Theo các nhà khoa học, các yếu tố khác như tuổi tác hay tình trạng nghiện thuốc lá cũng có thể gây ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm.

Hãng tin Yonhap cho biết các xét nghiệm được thực hiện trong khoảng tháng 10 đến giữa tháng 12 này.

Những đối tượng được nhắm đến để kiểm tra sức khỏe là 114 người Triều Tiên đã rời bỏ làng quê ở Kilju để trốn sang Hàn Quốc trong khoảng thời gian từ tháng 10/2006. Tuy nhiên chỉ có 30 người trong số này tình nguyện tham gia xét nghiệm.

Nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu năng lượng hạt nhân Triều Tiên thông tin thêm với giới truyền thông rằng những người Triều Tiên bỏ trốn này đã bị nhiễm phóng xạ trong khoảng tháng 5/2009 đến tháng 1/2013 khi họ còn sinh sống ở huyện Kilju.

Bình Nhưỡng đã tiến hành thử nghiệm hạt nhân lần đầu tiên vào ngày 9-10-2006 và đến nay đã tiến hành 6 lần thử nghiệm.

Cho đến nay, Triều Tiên vẫn giữ quan điểm chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này là những biện pháp tự vệ trước các chính sách thù địch của Mỹ đối với nước này.

Trong một tuyên bố được Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đăng tải hôm 24/12, Bộ Ngoại giao Triều Tiên khẳng định đang phát triển vũ khí hạt nhân nhằm bảo vệ chủ quyền và cuộc sống của người dân trước các chính sách thù địch của Mỹ, đồng thời nhấn mạnh Washington nên chấp nhận rằng Bình Nhưỡng sẽ không từ bỏ những vũ khí này.

Triều Tiên nêu rõ sẽ tiếp tục tăng cường tiềm năng hạt nhân nhằm thiết lập "cán cân sức mạnh" với Mỹ.

Binh sĩ Triều Tiên trang bị hầm hố - Ảnh: AFP
Binh sĩ Triều Tiên trang bị hầm hố - Ảnh: AFP

Hồi tháng 9 vừa qua, theo báo South China Morning Post của Hong Kong, các nhà nghiên cứu thuộc Viện địa chất và địa vật lý tại Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc đã cảnh báo cho phía Triều Tiên về nguy cơ khu vực thử hạt nhân ngầm của nước này có thể đổ sập hoàn toàn.

Cảnh báo được đưa ra trong phần trình bày cho phái đoàn chuyên gia của Triều Tiên tại Bắc Kinh vào hôm  20/9.

Giới nghiên cứu của Trung Quốc nói rằng cơ sở thử nghiệm hạt nhân của Triều Tiên ở vùng núi Punggye-ri, cách biên giới Trung Quốc chỉ 80 km, có thể đổ sập hoàn toàn. 

Vào ngày 3/9, Bình Nhưỡng đã cho thử hạt nhân lần 6 tại đây với cường độ được ước tính là 100-200 kiloton, mạnh hơn 5 lần trước đó cộng lại.

Theo South China Morning Post, toàn bộ 5 vụ thử hạt nhân trước đó của Triều Tiên cũng được tiến hành tại bãi thử Punggye-ri. Từ một căn hầm ở giữa núi, quả bom được đưa xuống một lỗ khoan sâu khoảng 2 km.

Các nhà khoa học Trung Quốc cho rằng nguy cơ đổ sập của vùng núi này đang lớn hơn bao giờ hết và Trung Quốc có thể bị mây phóng xạ bao phủ nếu thảm họa xảy ra.

Giới chuyên gia nhận định Triều Tiên có thể đã nhận thức được việc Punggye-ri không thể chịu đựng thêm một vụ nổ nữa nên thời gian qua đã tuyên bố về việc cho thử hạt nhân ở ngoài biển Thái Bình Dương. Một vụ nổ như vậy được dự đoán sẽ gây ra mức độ ô nhiễm phóng xạ cực lớn và lan rộng ra khắp một phần bán cầu.

Trớ trêu thay, gần như chỉ hơn một tháng sau khi có thông tin về cảnh báo của phía Trung Quốc đã rộ lên thông tin hầm thử hạt nhân của Triều Tiên bị sập làm thiệt mạng đến hơn 200 công nhân.

Đến ngày 2/11, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đã lên tiếng lên án những thông tin xuất phát từ đài Asahi của Nhật và được truyền thông thế giới dẫn lại về vụ sập đường hầm tại bãi thử hạt nhân Punggye-ri là âm mưu bôi nhọ Triều Tiên cũng như những bước tiến trong chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Thành phố Đan Đông của Trung Quốc. Sau mỗi lần Bình Nhưỡng thử hạt nhân, phía Trung Quốc đều phải đo phóng xạ để phòng ảnh hưởng đến người dân vùng biên giới của mình - Ảnh: AFP
Thành phố Đan Đông của Trung Quốc. Sau mỗi lần Bình Nhưỡng thử hạt nhân, phía Trung Quốc đều phải đo phóng xạ để phòng ảnh hưởng đến người dân vùng biên giới của mình - Ảnh: AFP

Theo TTO

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh