Ngày 25/12, hãng tin Sputnik dẫn lời chuyên viên cao cấp Boris Dolgov thuộc Trung tâm nghiên cứu Arab và Hồi giáo tại Viện nghiên cứu phương Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Nga, cho rằng Guatemala là quốc gia hoàn toàn phụ thuộc vào Mỹ trong mọi lĩnh vực nên quyết định của quốc gia này về việc chuyển đại sứ quán ở Israel từ Tel Aviv tới Jerusalem là hoàn toàn dễ hiểu.
Ngày 25/12, hãng tin Sputnik dẫn lời chuyên viên cao cấp Boris Dolgov thuộc Trung tâm nghiên cứu Arab và Hồi giáo tại Viện nghiên cứu phương Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Nga, cho rằng Guatemala là quốc gia hoàn toàn phụ thuộc vào Mỹ trong mọi lĩnh vực nên quyết định của quốc gia này về việc chuyển đại sứ quán ở Israel từ Tel Aviv tới Jerusalem là hoàn toàn dễ hiểu.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (phải) và Tổng thống Guatemala Jimmy Morales trong cuộc gặp tại Jerusalem ngày 29/11. (Nguồn: Times of Israel/TTXVN) |
Chuyên gia Dolgov cho biết Guatemala phụ thuộc vào Washington từ tài chính, chính trị, ngoại giao tới quân sự nên có thể hiểu quyết định chuyển đại sứ quán ở Israel đến Jerusalem là do những yếu tố nói trên, và điều này phù hợp với chính sách của Mỹ.
Ông cũng dự đoán có thể sẽ có thêm những quốc gia phụ thuộc vào Washington "đi theo vết xe đổ" của Guatemala nhưng nhấn mạnh sẽ không có nhiều nước làm như vậy.
Trước đó, ngày 24/12, Tổng thống Guatemala Jimmy Morales đã đưa ra quyết định chuyển đại sứ quán của quốc gia Trung Mỹ này tại Israel đến Jerusalem.
Quyết định này đã dẫn tới những phản ứng trái chiều trong đó Bộ Ngoại giao Palestine lập tức tuyên bố đây là hành động "bất hợp pháp và đáng xấu hổ," đi ngược lại mong muốn của giới lãnh đạo ở Jerusalem cũng như nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc lên án quyết định của Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 25/12, Thứ trưởng Ngoại giao Israel Tzipi Hotovely cho biết nước này đang liên lạc với "ít nhất 10 quốc gia" về khả năng chuyển đại sứ quán của họ tới Jerusalem, sau khi Mỹ công nhận thành phố này là thủ đô của Israel, tuy nhiên bà Hotovely không nêu cụ thể tên các nước.
Trong khi đó, cùng ngày, tờ Jerusalem Post dẫn lời Thị trưởng Jerusalem Nir Barkat cho biết 2 tuần tước, ông này đã gặp Đại sứ Mỹ tại Israel David Friedman để thảo luận về các địa điểm có thể đặt Đại sứ quán Mỹ tại thành phố này.
Ông Barkat không nói cụ thể các địa điểm nào đã được thảo luận, song cho biết đề xuất này đã được thảo luận theo yêu cầu của Mỹ.
Lâu nay, quy chế chính thức của Jerusalem là vấn đề hết sức nhạy cảm và là tâm điểm của cuộc xung đột Israel-Palestine.
Israel coi thành phố này là thủ đô không thể chia cắt của mình, trong khi người Palestine muốn khu vực Đông Jerusalem là thủ đô của nhà nước tương lai của họ.
Tuy nhiên, bất chấp những cảnh báo của cộng đồng quốc tế về nguy cơ tái bùng phát căng thẳng Trung Đông, ngày 6/12, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.
Quyết định ngay lập tức vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các quốc gia trên thế giới trong đó Palestine tuyên bố sẽ không chấp nhận bất kỳ vai trò trung gian nào của Mỹ trong tiến trình hòa bình Trung Đông.
Đến ngày 21/12, đa số thành viên Liên hợp quốc đã bỏ phiếu ủng hộ một nghị quyết bác bỏ bước đi gây tranh cãi của ông Trump, đồng thời tái khẳng định quy chế của Jerusalem phải được giải quyết thông qua đàm phán./.
Theo TTXVN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin