Dư luận ủng hộ nghị quyết mới về trừng phạt Triều Tiên

09:09, 12/09/2017

Nhiều quốc gia trên thế giới đã lên tiếng ủng hộ nghị quyết mới nhất của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) về các lệnh trừng phạt khắt khe hơn đối với Triều Tiên liên quan tới chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của nước này.

Nhiều quốc gia trên thế giới đã lên tiếng ủng hộ nghị quyết mới nhất của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) về các lệnh trừng phạt khắt khe hơn đối với Triều Tiên liên quan tới chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của nước này.

Toàn cảnh phiên họp của Hội đồng Bảo an LHQ ở New York (Mỹ) ngày 11/9. Ảnh: AFP/ TTXVN
Toàn cảnh phiên họp của Hội đồng Bảo an LHQ ở New York (Mỹ) ngày 11/9. Ảnh: AFP/ TTXVN

Trong một thông cáo ngày 12/9, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nêu rõ chính phủ nước này hoan nghênh nghị quyết của HĐBA LHQ, qua đó tái khẳng định quyết tâm mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế "không dung thứ cho chương trình phát triển hạt nhân vô trách nhiệm và liều lĩnh của Triều Tiên".
  
Cho rằng chương trình hạt nhân của Triều Tiên là "một thách thức nghiêm trọng với hòa bình và an ninh toàn cầu", bộ trên cũng kêu gọi chính quyền của nhà lãn đạo Kim Jong-un lưu ý tới cảnh báo của cộng đồng quốc tế rằng những hành động khiêu khích lặp đi lặp lại của Bình Nhưỡng sẽ chỉ làm gia tăng tình trạng cô lập ngoại giao và những khó khăn kinh tế. Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng hối thúc Triều Tiên nhận thức rõ phi hạt nhân hóa là biện pháp duy nhất đảm bảo an ninh và phát triển kinh tế. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cũng nhấn mạnh sẽ tăng cường phối hợp với cộng đồng quốc tế hơn nữa để đảm bảo rằng tất cả những nghị quyết của HĐBA LHQ được thực thi đầy đủ.

Cũng trong ngày 12/9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết nước này ủng hộ việc HĐBA LHQ đưa ra những biện pháp phản ứng cần thiết sau vụ thử hạt nhân hôm 3/9 của Triều Tiên. Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe  cùng ngày nhấn mạnh việc cấp thiết phải thay đổi chính sách của Triều Tiên bằng cách áp đặt các lệnh trừng phạt "ở mức cao chưa từng có" đối với nước này.

Trước đó, ngày 11/9, Đại sứ Nga tại LHQ Vasily Nebenzia cũng đưa ra nhận định tương tự. Theo Đại sứ Nebenzia, Moskva không công nhận vai trò cường quốc hạt nhân của Bình Nhưỡng, đồng thời ủng hộ việc phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên. Ông nhấn mạnh: "Nga không công nhận việc Triều Tiên tuyên bố đã có được địa vị của một cường quốc hạt nhân. Moskva ủng hộ mọi nghị quyết của HĐBA LHQ về việc yêu cầu Bình Nhưỡng ngừng theo đuổi chương trình tên lửa, với mục tiêu phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên". Ngoài ra, Đại sứ Nebenzia cũng cho rằng các ủy viên HĐBA LHQ nói riêng và toàn thể LHQ nói chung cần có những biện pháp thực tế nhằm thể hiện quyết tâm trong việc tìm ra giải pháp ngoại giao và chính trị cho vấn đề Triều Tiên.

Trong một diễn biến khác, Bộ Ngoại giao Peru ngày 11/9 tuyên bố nước này sẽ trục xuất Đại sứ Triều Tiên tại Peru Kim Hak-Chol nhằm phản đối việc Bình Nhưỡng liên tiếp vi phạm các nghị quyết của HĐBA LHQ, cũng như từ chối chấm dứt chương trình hạt nhân.
  
Theo tuyên bố của bộ trên, Đại sứ Kim Hak-Chol có 5 ngày để rời khỏi Peru. Đồng thời, Lima cam kết sẽ "thực hiện mọi nỗ lực ngoại giao nhằm phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên".

Đây là quốc gia Mỹ Latinh thứ hai thể hiện động thái cô lập Bình Nhưỡng theo lời kêu gọi hồi tháng trước của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence. Trước đó, hôm 7/9, Mexico tuyên bố trục xuất Đại sứ Triều Tiên tại nước này.

Theo TTXVN/Báo Tin Tức

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh