Khi Mỹ và Triều Tiên ăn miếng trả miếng nhau, điều này có thể sẽ mở ra cơ hội cho các nước khác đóng vai trò "giải cứu" thế giới.
Tên lửa Triều Tiên rời bệ phóng. Ảnh: Yonhap. |
Khi Mỹ và Triều Tiên ăn miếng trả miếng nhau, điều này có thể sẽ mở ra cơ hội cho các nước khác đóng vai trò “giải cứu” thế giới.
Tuần qua, cộng đồng tình báo Mỹ đưa ra đánh giá “động trời” khi cho rằng Triều Tiên đã có thể sản xuất thành công đầu đạn hạt nhân cỡ nhỏ có khả năng gắn được trên một trong số các tên lửa đạn đạo của nước này. Đây rõ ràng là một trong những bước ngoặt quan trọng của chương trình hạt nhân mà Triều Tiên theo đuổi.
Khẩu chiến Mỹ - Triều
Ngay sau khi xuất hiện thông tin này, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gửi đi một thông điệp dứt khoát nói rằng Triều Tiên không thể gây ra bất kỳ mối đe dọa nào với Mỹ, đồng thời cảnh báo Bình Nhưỡng có thể phải đối mặt với “hỏa lực và cơn thịnh nộ mà thế giới chưa từng chứng kiến”.
Sau đó chỉ vài giờ, Hãng thông tấn Triều Tiên (KCNA) lập tức đáp trả bằng việc đưa ra tuyên bố Quân đội nước này đang xem xét các kế hoạch để tấn công đảo Guam – vùng lãnh thổ hải ngoại của Mỹ. Động thái này dẫn đến việc ông Trump tiếp tục lên tiếng nhấn mạnh lời đe dọa trút “hỏa lực và cơn thịnh nộ” lên Triều Tiên có thể chưa đủ cứng rắn.
Nhận định về những diễn biến căng thẳng liên quan đến Triều Tiên trong những ngày qua, nhà phân tích Alex Gallo, cựu chuyên viên Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ trong một bài viết trên tờ The Hill cho rằng, trong cuộc khủng hoảng hiện nay, khi Mỹ và Triều Tiên vẫn không ngừng có “lời qua tiếng lại” thì điểm đáng lưu ý là dường như các bên vẫn đang đóng đúng vai trò mà họ mong đợi.
Kịch bản cũ vẫn diễn ra khi Triều Tiên không ngừng thúc đẩy năng lực hạt nhân và đưa ra những lời đe dọa tấn công các lợi ích của Mỹ trong khi Mỹ phản ứng lại bằng những lời đe dọa ngày càng “đáng sợ” hơn. Theo Gallo, có thể coi đây chưa phải là một cuộc khủng hoảng thực sự mà chỉ là những diễn biến bình thường mới.
Mỹ muốn “leo thang để xuống thang”
Giới quan sát cho rằng, một lần nữa ông Trump đã đưa ra cách tiếp cận về vấn đề Triều Tiên không có gì bất ngờ. Nó giống như học thuyết “leo thang để xuống thang” mà nhà bình luận nổi tiếng Josh Rogin của tờ Washington Post từng đề cập. Tổng thống Trump có thể muốn leo thang căng thẳng ở một số khu vực để tạo sức ép trong đàm phán đối với các đối tác của Mỹ ở một số “mặt trận” khác.
Theo chuyên gia Gallo, qua những tuyên bố cứng rắn với mức độ ngày càng được nâng lên, ông Trump không phải chỉ nhằm đến nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un mà còn gửi thông điệp tới Trung Quốc rằng nếu Bắc Kinh không có những bước đi gây sức ép bổ sung với Bình Nhưỡng thì hậu quả có thể dẫn đến một cuộc chiến ngay sát sườn của họ.
Bản thân trong lời giải thích của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cũng đã thừa nhận bản chất của chiến lược “leo thang để xuống thang” trong lời đe dọa nhấn chìm Triều Tiên “hỏa lực và cơn thịnh nộ” được Tổng thống Trump đưa ra.
“Điều Tổng thống đang làm là gửi một thông điệp mạnh mẽ đến Triều Tiên… Tôi nghĩ rằng Tổng thống chỉ muốn nói cho Triều Tiên rõ rằng Mỹ có khả năng tự bảo vệ mình, sẽ bảo vệ chính mình và các đồng mình và tôi nghĩ điều quan trọng là ông ấy phải đưa ra thông điệp đó để tránh bất kỳ tính toán sai lầm nào từ phía họ [Triều Tiên – ND]”.
Cách tiếp cận nhiều rủi ro
Nói như vậy nhưng cách tiếp cận của ông Trump đối với Triều Tiên hiện nay chắc chắn cũng sẽ đầy rủi ro. Nhiều người có thể sẽ tranh cãi về những chi phí rủi ro và lợi ích của việc đưa ra những tuyên bố cứng rắn với Bình Nhưỡng nhưng thực tế cũng cần phải để ý đến việc những tuyên bố này có thể tạo cơ hội cho những nước khác làm suy yếu vị thế của Mỹ.
Khi Mỹ và Triều Tiên "ăn miếng trả miếng" nhau, điều này có thể sẽ mở ra cơ hội cho các nước khác đóng vai trò “giải cứu” thế giới. Trong bối cảnh đó, không ai khác ngoài Nga có thể làm được điều này.
Nga từ lâu đã luôn tập trung công kích Mỹ với cáo buộc cho rằng Washington đang hướng tới mục tiêu cuối cùng là thôn tính Bình Nhưỡng. Những cáo buộc tương tự cộng với diễn biến thực tế khi Mỹ phát đi thông điệp đe dọa “động binh” không nhiều thì ít cũng gây ra những nghi ngại về vai trò thực sự của Mỹ trên "sân khấu" thế giới.
Đã gần 8 tháng kể từ khi chính thức tiếp quản cương vị ông chủ Nhà Trắng, ông Trump cùng đội ngũ của mình dường như vẫn thiếu một cái nhìn toàn cầu và thiếu chiến lược cho an ninh quốc gia cũng như chính sách đối ngoại. Điều này nổi lên rõ rệt khi vấn đề Triều Tiên nóng lên.
Cuộc khủng hoảng liên quan đến chương trình hạt nhân và tên lửa Triều Tiên đã bắt đầu đặt ra một câu hỏi cơ bản cho Tổng thống Trump đó là chính quyền của ông liệu có thực sự được chuẩn bị, có người đủ bản lĩnh chèo lái và được trang bị tốt để khéo léo xử lý khủng hoảng trong đối ngoại?
Những gì đã và đang diễn ra phần nào cho thấy câu trả lời và chính quyền Tổng thống Trump cần phải nhanh chóng cho thấy một quan điểm và chiến lược mang tính tổng thể toàn cầu, kết hợp tất cả các yếu tố của quyền lực Mỹ. Làm được như vậy, không chỉ giúp Mỹ giải quyết bài toán Triều Tiên mà còn giải quyết những thách thức đặt ra trên khắp thế giới, khẳng định vị thế trước các đối thủ cạnh tranh./.
Theo Hùng Cường/VOV.VN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin