Ngày 12/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục khẳng định giữ nguyên "lựa chọn quân sự" với Triều Tiên, song với giọng điệu được cho là "mềm mỏng hơn".
Ngày 12/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục khẳng định giữ nguyên “lựa chọn quân sự” với Triều Tiên, song với giọng điệu được cho là “mềm mỏng hơn”.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: AFP) |
Phát biểu đưa ra chỉ vài giờ sau lời kêu gọi của Trung Quốc yêu cầu các bên kiềm chế “cuộc chiến ngôn từ” nhằm làm leo thang hơn nữa căng thẳng. Trung Quốc vốn là một trụ cột trong cách tiếp cận mới của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay trên bán đảo Triều Tiên.
Trong một thông cáo đưa ra sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron, Nhà Trắng nêu rõ, cùng với các đồng minh, Mỹ sẵn sàng triển khai mọi biện pháp từ ngoại giao, kinh tế tới quân sự nhằm chấm dứt mối đe dọa hạt nhân Triều Tiên.
Những ngôn từ được sử dụng trong thông cáo này được đánh giá là “rất mang tính ngoại giao”, khác hẳn với những tuyên bố hiếu chiến được Mỹ và Triều Tiên đưa ra những ngày qua.
Chỉ vài giờ trước đó, người đứng đầu nước Mỹ đã có cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, một tác nhân quan trọng trong hồ sơ Triều Tiên, trong bối cảnh Trung Quốc, cũng như nhiều nước khác đã không khỏi lo ngại về cuộc chiến ngôn từ giữa Mỹ và Triều Tiên.
Kênh truyền hình Nhà nước Trung Quốc CCTV ngày 12/8 đã thông tin về cuộc thảo luận này, trong đó nhấn mạnh, phía Trung Quốc đã hối thúc Mỹ tránh mọi “ngôn từ và hành vi” có thể làm gia tăng những căng thẳng vốn đã rất tồi tệ trên bán đảo Triều Tiên hiện nay. Chủ tịch Tập Cận Bình cũng yêu cầu các bên kiềm chế và tiếp tục lựa chọn con đường đối thoại, đàm phán nhằm đi tới một giải pháp chính trị.
Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhấn mạnh rằng, phi hạt nhân hóa, cũng như duy trì hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên là mối quan tâm chung của cả Mỹ và Trung Quốc. Vào thời điểm hiện nay, các bên liên quan cần tránh những lời nói và hành động có thể làm trầm trọng hơn tình hình trên bán đảo Triều Tiên. Để đi tới một giải pháp cuối cùng cho vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, cần phải tôn trọng hướng đi tổng thể về một giải pháp chính trị đạt được thông qua đối thoại và đàm phán.
Về phần mình, Chính phủ Mỹ cho biết, hai nhà lãnh đạo đã kêu gọi Triều Tiên “chấm dứt cách hành xử mang tính khiêu khích, có thể làm leo thang căng thẳng và tái khẳng định cam kết đối với những nỗ lực phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.
Những cuộc tiếp xúc ngoại giao này diễn ra sau nhiều ngày căng thẳng bị đẩy lên mức cao chưa từng có giữa Mỹ và Triều Tiên.
Trước đó, hôm 11/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump thậm chí còn cảnh báo, lựa chọn quân sự đã sẵn sàng kích hoạt, trong khi phía Triều Tiên cũng tuyên bố đang lên kế hoạch cho một vụ phóng tên lửa có thể chạm tới khu vực đảo Guam, vùng lãnh thổ Thái Bình Dương của Mỹ.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã ngay lập tức bày tỏ hi vọng cuộc thảo luận giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc sẽ giúp hạ nhiệt căng thẳng và có thể đi tới một giai đoạn mới trong những nỗ lực giải quyết khủng hoảng.
Điều đáng nói là trước cuộc thảo luận này, không có bất kỳ tín hiệu nhượng bộ đáng chú ý nào từ các bên, trong khi Mỹ và Hàn Quốc chuẩn bị bước vào giai đoạn tập trận chung thường niên dự kiến từ ngày 21/08 tới. Đây là giai đoạn mà căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên thường có xu hướng trở nên tồi tệ hơn.
Kể từ khi lên nhậm chức hồi đầu năm nay, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cho thấy một cách tiếp cận mới trong vấn đề Triều Tiên, đó là dựa vào Trung Quốc để giải quyết khủng hoảng.
Tuy nhiên, cách tiếp cận này tới nay vẫn chưa phát huy hiệu quả khi Mỹ vẫn luôn muốn đóng vai trò là nước áp đặt. Trung Quốc đã nhiều lần đưa ra đề cập đề xuất “tạm ngưng đổi lấy tạm ngưng” tức là Triều Tiên sẽ tạm ngừng các vụ thử hạt nhân và đạn đạo trong khi Mỹ và Triều Tiên cũng chấm dứt các cuộc tập trận chung, song liên tiếp bị phía Mỹ bác bỏ.
Mặc dù vậy, cơ hội giải quyết khủng hoảng dường như đã hé mở sau cuộc thảo luận ngày hôm qua giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc. Lập trường của Trung Quốc cũng đã nhận được sự ủng hộ của nhiều nước.
Sau cuộc thảo luận với Tổng thống Donald Trump, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm qua kêu gọi “trách nhiệm của tất cả các bên nhằm ngăn chặn bất kỳ tình huống leo thang căng thẳng nào”.
Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel thì cho rằng, bà không trông chờ một giải pháp quân sự cho cuộc xung đột và coi sự leo thang những phát ngôn gây căng thẳng của các bên là một cách phản ứng không sáng suốt.
Một quan chức Nhà Trắng cho biết, không nên coi những phát biểu của Tổng thống Donald Trump là dấu hiệu của một hành động quân sự sắp xảy ra. Bởi luôn có các kế hoạch quân sự trong mọi cuộc khủng hoảng trên toàn cầu.
Những kế hoạch này được cập nhật liên tụcvà luôn nằm trong các lựa chọn cuả Tổng thống. Điều này không có gì là mới. Dự kiến ngày mai Tổng thống Donald Trump sẽ tổ chức “một cuộc họp báo lớn” ở thủ đô Washington và Triều Tiên sẽ là một chủ đề được quan tâm hàng đầu./.
Theo VOV.VN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin