Chính quyền Guam bất ngờ hướng dẫn khẩn cấp cách tồn tại trong tấn công hạt nhân

03:08, 12/08/2017

Chính quyền Guam- nơi quân đội nhân dân Triều Tiên đe dọa tấn công bằng tên lửa đạn đạo - đã ban hành hướng dẫn khẩn cấp để người dân chuẩn bị cho bất cứ cuộc tấn công hạt nhân nào lên lãnh thổ thuộc Mỹ trên Thái Bình Dương này.

Chính quyền Guam- nơi quân đội nhân dân Triều Tiên đe dọa tấn công bằng tên lửa đạn đạo - đã ban hành hướng dẫn khẩn cấp để người dân chuẩn bị cho bất cứ cuộc tấn công hạt nhân nào lên lãnh thổ thuộc Mỹ trên Thái Bình Dương này.

Sau tuyên bố ngày 8/8 của Tổng thống Mỹ Donald Trump về “lửa cháy và thịnh nộ” với Triều Tiên, Bình Nhưỡng lập tức đáp trả đang cân nhắc bắn tên lửa vào đảo Guam. Ngày 10/8, hãng thông tấn Triều Tiên KCNA khẳng định quân đội nước này sẽ hoàn thành kế hoạch phóng 4 tên lửa vào sát đảo Guam ở thời điểm giữa tháng 8 nếu Mỹ tăng cường khiêu khích thù địch về chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Đảo Guam trở thành lãnh thổ của Mỹ trong năm 1898. Ảnh: Reuters
Đảo Guam trở thành lãnh thổ của Mỹ trong năm 1898. Ảnh: Reuters

Hãng thông tấn Reuter (Anh) cho biết mặc dù Triều Tiên không đe dọa tấn công hạt nhân đảo Guam nhưng khủng hoảng giữa Bình Nhưỡng và Washington đã châm ngòi cho nỗi lo sợ rằng xung đột hạt nhân có thể bùng phát trong khu vực.

Thống đốc Guam Eddie Baza Calvo ngày 9/8 nhấn mạnh đe dọa của Triều Tiên là đáng lo nhưng chính quyền hòn đảo này không quá hoảng sợ. Ông Calvo cho biết đây có thể là lần thứ 3 hoặc thứ 4 tính từ năm 2013 Triều Tiên đưa ra đe dọa như vậy. 

Tuy nhiên, vào ngày 11/8, chính quyền đảo Guam đã ban hành hướng dẫn cho công tác chuẩn cũng như điều nên thực hiện trước, trong và sau cuộc tấn công hạt nhân.

“Đừng nhìn vào chớp sáng hoặc quả cầu lửa-bạn có thể mất thị lực. Trú ngụ đằng sau bất cứ thứ gì có thể bảo vệ bạn. Bỏ hết trang phục để tránh chất phóng xạ phát tán. Bỏ lớp trang phục bên ngoài có thể loại 90% phóng xạ bám trên người”, bản hướng dẫn nêu chi tiết điều cần làm khi người dân ở ngoài trời trong trường hợp tấn công ập đến.

Bên cạnh đó, chính quyền đảo Guam đề nghị người dân xem xét về kế hoạch khẩn cấp, bộ dụng cụ cấp cứu, tạo danh sách về những cơ sở hạ tầng bằng bê tông gần nhà, trường học, nơi làm việc… để trú ngụ khi cần thiết.

“Những nơi này không nhất thiết phải được xây dựng đặc biệt dành cho việc trốn trú. Đó có thể là không gian bảo vệ, gồm các bức tường và mái nhà kết cấu dày đủ để hấp thụ các hạt phóng xạ”, bản hướng dẫn bổ sung.

Bên cạnh đó, người dân còn được chỉ dẫn cách tắm rửa an toàn, gồm quy tắc không chà xát da, dùng xà phòng, dầu gội đầu và nước nhưng tuyệt đối tránh để điều hòa phả vào tóc bạn bởi điều này sẽ giữ lại phóng xạ.

Đối với các bậc cha mẹ, lời khuyên được đưa ra là ở nguyên vị trí nếu xảy ra tấn công hạt nhân, ngay cả khi họ không ở cùng con cái và người thân trong gia đình. Thay vào đó, họ cần lắng nghe tin tức, không gọi điện thoại đến trường học, kiên nhẫn và đợi chỉ dẫn để được đón con.

Thông tin về hướng dẫn này được đăng trên trang web www.ready.gov của Bộ An ninh Nội địa Mỹ.

Cùng ngày 11/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump lại lên tiếng khiêu khích Triều Tiên khi tuyên bố vũ khí Mỹ đã “khóa mục tiêu và lên đạn” khi Bình Nhưỡng cáo buộc ông đẩy Bán đảo Triều Tiên vào bờ vực chiến tranh hạt nhân.

Đảo Guam nằm trên Thái Bình Dương, cách lãnh thổ Triều Tiên khoảng 2.735 km về phía Nam. Hòn đảo này nằm trong tầm bắn của tên lửa đạn đạo liên lục địa mang đầu đạn hạt nhân Triều Tiên. Đảo Guam có dân số 162.000 người và diện tích tương đương thành phố Chicago của Mỹ. 

Vào năm 2013, quân đội Mỹ đã triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại đảo Guam, với đảm bảo khả năng bắn hạ tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. 

Theo Sky News (Anh), căn cứ quân sự Mỹ, bao gồm căn cứ không quân Andersen, nơi có máy bay ném bom chiến lược B-1B Lancer hiện chiếm 30% diện tích của đảo Guam. 

Theo Hà Linh/Báo Tin Tức

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh