Vòng đàm phán hòa bình Syria thứ 7 kết thúc không có đột phá

06:07, 15/07/2017

Đúng như dự đoán, vòng đàm phán thứ 7 về hòa bình Syria vừa kết thúc tại thành phố Geneva, Thụy Sĩ đã không tạo ra được bước đột phá.

Đúng như dự đoán, vòng đàm phán thứ 7 về hòa bình Syria vừa kết thúc tại thành phố Geneva, Thụy Sĩ đã không tạo ra được bước đột phá.

Đặc phái viên Mistura. Ảnh: Al Bawaba.
Đặc phái viên Mistura. Ảnh: Al Bawaba.

Các bên đều lảng tránh đề cập tới những vấn đề cốt lõi liên quan tới tương lai đất nước như soạn thảo hiến pháp mới, thành lập chính phủ chuyển tiếp hay tổ chức bầu cử, mà thay vào đó là cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố.

Phát biểu với báo chí sau khi kết thúc vòng đàm phán, Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Syria Staffan de Mistura thừa nhận, cuộc chiến chống khủng bố mới thực sự là trọng tâm của cuộc thảo luận  và tiếp tục chứng kiến sự bất đồng giữa các bên, đặc biệt là trong xác định các lực lượng khủng bố đang hoạt động, cũng như cách thức tổ chức cuộc chiến chống khủng bố.

Tuy nhiên, theo ông Mistura, điều quan trọng nhất là đàm phán đã không đổ vỡ và không có bên nào rời bàn thương lượng. Cơ chế tham vấn kỹ thuật được hình thành từ các vòng đàm phán trước đã giúp các phe phái đối lập tại Syria có thể hợp tác chặt chẽ hơn và có các cuộc thảo luận chi tiết hơn.

Đặc phái viên Liên Hợp Quốc Mistura cũng hi vọng sẽ tổ chức vòng đàm phán thứ 8 vào tháng 9 tới tại Geneva và có thể sớm đưa các bên ngồi vào bàn đàm phán trực tiếp: “Tôi dự định tổ chức các cuộc đàm phán nội bộ Syria vào đầu tháng 9 tới. Và tôi đã yêu cầu các bên sẵn sàng đưa ra những lập trường rõ ràng và thực chất trên cả 4 vấn đề và chúng tôi hi vọng ít nhất có thể đưa họ quay trở lại bàn đàm phán trực tiếp. Động lực quốc tế có thể giúp thúc đẩy tiến trình và đưa các cuộc đàm phán đi vào thực chất.”

Tuy nhiên trong một dấu hiệu cho thấy sự chia rẽ sâu sắc giữa các các phe phái đối lập tại Syria, Trưởng đoàn đàm phán của chính phủ Syria Bashar al-Jaafari cho biết không nhận thấy có khả năng tiến hành đàm phán trực tiếp với phe đối lập. Trong khi đó, phe đối lập lại cáo buộc chính phủ Syria chỉ tập trung vào cuộc chiến chống khủng bố và phớt lờ vấn đề chuyển giao quyền lực.

Bùng phát từ năm 2011, cuộc khủng hoảng tại Syria đã ngày càng trầm trọng hơn theo thời gian, từ một cuộc nội chiến đã trở thành một cuộc chiến năng lượng, cuộc chiến ủy nhiệm và cả cuộc chiến tôn giáo. Trong hơn 6 năm qua, người dân Syria đã phải chứng kiến rất nhiều cuộc thảm sát, tội ác chiến tranh và cả tội ác chống lại loài người.

Tuy nhiên, trong bối cảnh quốc tế có nhiều thay đổi, cuộc khủng hoảng Syria cũng đang đứng trước những cơ hội mới. Tân Tổng thống Pháp Macron mới đây tuyên bố, Pháp đang lựa chọn một "học thuyết" mới nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng Syria, trong đó không còn coi việc Tổng thống Syria al-Assad phải ra đi như một "điều kiện tiên quyết" để tiến hành các cuộc đàm phán hậu chiến nữa. Theo ông, mục tiêu chính là "xóa sổ tất cả các nhóm khủng bố, đạt được một giải pháp chính trị lâu dài và toàn diện" đối với vấn đề Syria.

Ông Macron nói: "Chúng tôi đã thực sự thay đổi học thuyết về Syria để có thể đạt được kết quả và làm việc chặt chẽ với các đối tác, đặc biệt mà Mỹ. Chúng tôi có mục tiêu chính là tiêu diệt khủng bố. Chúng tôi có chung 1 ý chí đó là tìm kiếm một giải pháp chính trị lâu dài cho Syria.”

Trên thực tế đây là một nút thắt quan trọng của cuộc xung đột và là một trong những nguyên nhân khiến các bên liên quan, trong đó có cả Nga và các nước phương Tây không thể đi tới một giải pháp chính trị. Ông Macron cũng đề xuất thành lập một nhóm liên lạc bao gồm 5 cường quốc thế giới, các nước Arab, đại diện phe đối lập  và Chính phủ Syria nhằm xây dựng một sự ổn định chính trị dài hạn. Sáng kiến đã được Đặc phái viên Liên Hợp Quốc Mistura hoan nghênh.

Cũng trong ngày 14/7, Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ phụ trách phối hợp với các nước trong cuộc chiến chống tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng, ông Brett McGurk tuyên bố nếu có cơ hội, Mỹ sẵn sàng hợp tác với Nga trong việc giảm bạo lực tại Syria thông qua các thỏa thuận giải quyết xung đột và thỏa thuận ngừng bắn. Mỹ, Nga mới đây cũng đã đạt được thỏa thuận về một lệnh ngừng bắn tại khu vực miền Nam Syria. Đây là một trong những sự đồng thuận hiếm hoi mà Nga và Mỹ đạt được trong cuộc xung đột Syria và được kỳ vọng sẽ được mở rộng ra nhiều khu vực khác./.

Theo Thu Hoài/VOV-Trung tâm Tin

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh