Tổ chức IS vẫn có thể trỗi dậy mạnh mẽ nếu không "trị" tận gốc

10:07, 17/07/2017

IS liên tiếp thua nhưng vẫn còn khá mạnh. Các phe nhóm ở Iraq và Syria cần hợp tác trị dứt điểm "căn bệnh" này và ngăn ngừa điều kiện nuôi dưỡng nó.

IS liên tiếp thua nhưng vẫn còn khá mạnh. Các phe nhóm ở Iraq và Syria cần hợp tác trị dứt điểm “căn bệnh” này và ngăn ngừa điều kiện nuôi dưỡng nó.

Tổ chức khủng bố Hồi giáo cực đoan IS đang tan rã. Chúng đã mất thành trì Mosul. Chúng đang đứng trước nguy cơ mất nốt “thủ đô” Raqqa, ở miền bắc Syria.

Một câu hỏi được đặt ra, IS hậu caliphate sẽ đe dọa khu vực và thế giới như thế nào?

Quân nhân Iraq cầm lá cờ đen IS giữa đống đổ nát tại Thành Cổ Mosul. Ảnh: UPI.
Quân nhân Iraq cầm lá cờ đen IS giữa đống đổ nát tại Thành Cổ Mosul. Ảnh: UPI.

IS vẫn đáng gờm

Trước khi lạc quan tuyên bố IS sẽ bị xóa sổ, cần xem lại sức mạnh của tổ chức này vào thời điểm hiện tại, cũng như những sự tàn phá do tổ chức này gây ra:

1. IS đã đánh mất caliphate (Vương quốc Hồi giáo mà chúng tuyên bố thành lập vào tháng 6/2014) nhưng nó đã trở thành một tổ chức đa quốc gia – điều mà IS không có được cách đây 3 năm.

Ban đầu IS là một tổ chức chủ yếu ở Iraq và của Iraq. Khi ấy nó bắt nguồn từ một chi nhánh của al-Qaeda Iraq.

Đến khi bùng phát nội chiến Syria vào năm 2013, tổ chức “địa phương” này mới bắt đầu mở rộng sang Syria.

Từ năm 2014, sau khi tuyên bố lập caliphate Hồi giáo, IS đã nỗ lực phát triển các chi nhánh và tiểu tổ của mình ở khắp khu vực Levant và vươn ra cả ngoài khu vực này.

IS đã trở thành một tổ chức quốc tế đầy đủ, nỗ lực tranh giành ngôi vị thánh chiến toàn cầu với mạng lưới khủng bố al-Qaeda. Thế giới hiện nay đối diện với một mối đe dọa thánh chiến toàn cầu lớn thứ 2 mà trước năm 2014 không có.

Mối đe dọa mới này có mô hình vận hành khác với al-Qaeda ở chỗ nhấn mạnh đến cuộc thánh chiến giáo phái chống lại người Hồi giáo dòng Shiite, người Kitô giáo Copt và các nhóm người thiểu số theo một cách thức mà al-Qaeda không làm.

2. IS hiện nay vẫn mạnh hơn chính nó tại thời điểm trước khi trỗi dậy vào tháng 6/2014. Sau khi bành trướng ra lãnh thổ Iraq và Syria, IS dần bị suy yếu so với thời kỳ đỉnh cao. Nhưng ngay cả khi đó, IS vẫn khá mạnh.

Với tư cách một tổ chức nổi dậy địa phương, IS hiện đã có một mạng lưới lớn hơn kể từ khi nó phát động các cuộc xâm chiếm lãnh thổ cả ở Iraq và Syria. Cấu trúc nội bộ của IS vẫn chưa bị hư hại nhiều.

Trừ các thành phố Mosul và Raqqa ra thì IS hiện vẫn kiểm soát một số thành trì ở cả Iraq và Syria. Để đánh chiếm các thành trì đó ở Iraq, lực lượng chính phủ nước này vẫn phải trông cậy nhiều vào hỏa lực đường không của Mỹ. Điều này chứng tỏ năng lực quân sự của IS vẫn còn.

Các quan chức Mỹ dự kiến trận chiến ở Raqqa (Syria) sẽ kéo dài tới cuối năm 2017. Sau trận Raqqa, chiến dịch giải phóng thành phố Deir Ezzor (Syria) khỏi IS sẽ mất thêm ngần ấy thời gian nữa.

Mà Mỹ đang bất đồng với chính quyền Syria và các đồng minh Iran và Nga của nước này về việc ai chiến đấu ở Deir Ezzor và chiến đấu ở các khu vực nào.

3. Các thành trì của IS ở tỉnh Anbar (Iraq) nhiều khả năng tiếp tục là nơi ẩn náu của IS, là nơi để IS xuất kích mở các cuộc tấn công.

Các khu vực vùng biên này được IS coi là “thủ đô thứ 3” sau Mosul và Raqqa. Đây là khu vực trung tâm trong chiến lược du kích hậu caliphate của IS. Đây cũng chính là bàn đạp để IS đánh tràn ra Iraq và sang Syria hồi năm 2014.

Đoàn kết để chữa trị tận gốc căn bệnh IS

Dù gì thì IS cũng gây thiệt hại vô cùng lớn cho kinh tế Iraq và Syria. Mặc dù chiến thắng trước IS về mặt quân sự sẽ đem lại niềm an ủi cho các nạn nhân của tổ chức này, trên thực tế IS đã phá hoại cơ sở hạ tầng và xã hội ở nhiều khu vực của hai đất nước nói trên.

Cảm giác vui sướng vì chiến thắng sẽ mau qua đi để nhường chỗ cho nỗi lo về những cuộc xung đột và căng thẳng mới trong khu vực.

Bệnh "lạc quan tếu" đi kèm sự mệt mỏi sau mỗi cuộc chiến có thể dẫn tới các tính toán nhầm. Người dân thở phào nhẹ nhõm sau khi được giải phóng khỏi IS nhưng môi trường tạo ra sự trỗi dậy của IS vào năm 2014 vẫn còn đó và thậm chí còn xấu đi.

Các vấn đề như mâu thuẫn giáo phái, quan chức tham nhũng và thiếu năng lực… có thể tiếp tục hoành hành ở Iraq sau khi tiêu diệt hết IS, mà đây lại chính là hoàn cảnh đầu tiên sản sinh ra IS.

Trong khi đó, các nhóm cực đoan có vẻ lấn lướt chính quyền trong việc khai thác những nỗi thống khổ của người dân.

Tuy nhiên, việc quay trở về vòng luẩn quẩn cũ không hoàn toàn là định mệnh. Thực sự tồn tại một lối thoát cho các cộng đồng dân cư ở đây tránh xa chu trình bạo lực ác nghiệt. IS đã bị khống chế đáng kể (dù chưa bị xóa sổ hoàn toàn).

Thế giới đang có cơ hội suy nghĩ thấu đáo về các nguyên nhân cơ bản dẫn tới sự ra đời của các nhóm cực đoan như vậy và cách thức để nhổ tận gốc bọn chúng.

Thế giới ít nhiều đã nhận thức được hậu quả nặng nề của chủ nghĩa can thiệp quốc tế vào tình hình Trung Đông. Các bên ở Iraq và Syria có thể thảo luận về những việc nên làm ngay sau khi các vùng đất được giải phóng khỏi IS./.

Theo Trung Hiếu/VOV.VN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh