Thủ tướng Anh Theresa May ngày 11/7 đã có bài phát biểu nhân một năm cầm quyền, trong đó kêu gọi sự ủng hộ của các đảng phái đối lập tại quốc hội, gồm cả Công đảng, nhằm thúc đẩy việc thực thi các chính sách.
Thủ tướng Anh Theresa May ngày 11/7 đã có bài phát biểu nhân một năm cầm quyền, trong đó kêu gọi sự ủng hộ của các đảng phái đối lập tại quốc hội, gồm cả Công đảng, nhằm thúc đẩy việc thực thi các chính sách.
Thủ tướng Anh Theresa May. Ảnh: THX/TTXVN |
Trong bài phát biểu, Thủ tướng May thừa nhận thực tế mà bà đang phải đối mặt hiện nay khác xa so với thời điểm trước khi diễn ra cuộc bầu cử hạ viện Anh hồi tháng 6 vừa qua.
Việc kêu gọi sự ủng hộ của các đảng phái đối lập xuất phát từ mong muốn các chính sách mà bà theo đuổi nhằm giải quyết những thách thức mà nước Anh đang gặp phải, sẽ nhận được sự ủng hộ của hai viện quốc hội.
Bà May cho rằng tuy quan điểm giữa các đảng phái chính trị còn nhiều khác biệt, song thông qua tranh luận và thảo luận, các đảng phái chính trị có thể sàng lọc và củng cố những ý tưởng phù hợp với sự phát triển của đất nước. Do đó, Thủ tướng May kêu gọi các chính đảng đối lập cùng tham gia nỗ lực của bà, thay vì chỉ trích chính phủ của bà hiện nay.
Theo đánh giá của một số nhà bình luận chính trị, những tuyên bố của bà May có thể được coi như một sự khởi đầu mới hoặc nỗ lực giành lại những gì bà đã để mất sau cuộc tổng tuyển cử ngày 8/6 vừa qua.
Uy tín của đảng Bảo thủ và Thủ tướng May đã tăng mạnh sau khi Anh chính thức kích hoạt điều khoản 50 Hiệp ước Lisbon để bắt đầu đàm phán rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) hồi cuối tháng 3. Trước tình hình thuận lợi này, Thủ tướng May đã kêu gọi tổ chức tổng tuyển cử trước thời hạn vào ngày 8/6, với hy vọng đảng Bảo thủ, khi đó có 330 ghế trong quốc hội, sẽ củng cố vị thế vào tạo thuận lợi hơn cho tiến trình đàm phán Brexit.
Tuy nhiên, đây lại là "canh bạc" thất bại của Thủ tướng May khi đảng Bảo thủ của bà không giành được đa số ghế và buộc phải ký thỏa thuận liên minh với đảng Hợp nhất Dân chủ (DUP) Bắc Ireland để ủng hộ chính phủ thiểu số của Thủ tướng May.
Ngay thời điểm hiện tại, không chỉ chịu sức ép từ các đảng đối lập, bà May đang chịu sức ép từ trong chính nội bộ đảng Bảo thủ khi có nhiều nghị sĩ đảng này cảnh báo sẽ phản kháng nếu Thủ tướng May không mềm dẻo hơn trong chiến lược đàm phán Brexit để Anh rời khỏi EU.
THeo TTXVN/Tin Tức
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin