Nhức nhối nạn buôn người ở Đông Nam Á

10:07, 24/07/2017

Bất chấp nỗ lực của các nước trong khu vực, một mạng lưới vẫn ngày ngày vận chuyển vô số người muốn tìm lối thoát nghèo theo tuyến đường quen thuộc để đến Malaysia.

 

Bất chấp nỗ lực của các nước trong khu vực, một mạng lưới vẫn ngày ngày vận chuyển vô số người muốn tìm lối thoát nghèo theo tuyến đường quen thuộc để đến Malaysia.

Người tị nạn Rohingya và Bangladesh được giải cứu ở Thái Lan năm 2014 - Ảnh: REUTERS
Người tị nạn Rohingya và Bangladesh được giải cứu ở Thái Lan năm 2014 - Ảnh: REUTERS

Vụ xét xử buôn người lớn nhất trong lịch sử Thái Lan khép lại trong tuần qua với phán quyết kết tội hàng chục bị cáo, trong đó bao gồm nhiều quan chức quân đội, với tội buôn người và các tội danh khác.

Tuy nhiên, các thông tin hé lộ sau phiên tòa cho thấy đây chỉ là một phần của mạng lưới buôn người quy mô vẫn đang nhức nhối trên khắp khu vực.

Chết ở biên giới Thái - Malaysia

Tổ chức chống buôn người và động vật hoang dã Freeland hôm 21-7 cho biết các trại tập kết ở miền nam Thái Lan đã tồn tại trong nhiều năm, trước khi bị phát hiện vào năm 2015.

Tính đến năm 2015, đường dây đã vận chuyển hơn 100.000 người trong vòng 4 năm trước đó, nhưng không phải ai cũng đến được đích. Ít nhất 500 người đã bỏ mạng ở các trại tập kết trong rừng tại biên giới Thái Lan - Malaysia.

Theo những nhà hoạt động, nạn buôn người gia tăng mạnh từ năm 2012 khi hàng chục ngàn người Rohingya ở Myanmar bị mất nhà cửa và phải sống trong các trại tị nạn. Những người muốn tìm việc làm đã bị đưa lên tàu cá, tàu hàng cải tạo để chở 600 - 800 người vượt biển từ Myanmar qua Thái Lan rồi vào Malaysia.

Ngoài ra, hàng ngàn người Bangladesh cũng nộp tiền cho bọn buôn người với hi vọng ra nước ngoài đổi đời.

Tuy nhiên, một khi rơi vào tay những kẻ buôn người, họ sẽ được chia thành ba nhóm khi đến các trại ở miền nam Thái Lan.

Những người còn đủ khỏe mạnh, trẻ, nam giới được bán làm phiến quân cho nhóm đối lập ở Malaysia. Những người lớn hoặc yếu hơn được bán làm lao động cho các nông trại dầu cọ hoặc cao su, hoặc ngành đánh bắt cá. Vợ và con có thể đi theo nếu người mua chịu chi trả thêm.

Nhóm cuối cùng là những người yếu nhất như người già, phụ nữ, trẻ em sẽ bị giữ lại trong rừng và chỉ có thể nhờ người thân ở Thái Lan trả “tiền chuộc”, hoặc ở lại đó đến chết. Chỉ được ăn một gói mì mỗi ngày, uống nước sông, hầu hết những người ở trại chỉ sống 3-6 tháng.

Theo các nhà hoạt động, dù những người này đã trả tiền để được vận chuyển, nhưng nếu họ mất khả năng kiểm soát tình hình thì được coi là nạn nhân của nạn buôn người.

Phát hiện năm 2015 cũng cho thấy vai trò của người Thái Lan trong đường dây. Theo nhà hoạt động người Úc Alan Morison làm việc cho tờ phuketwan.com, rất nhiều người ở miền nam Thái Lan tiếp tay cho mạng lưới buôn người vì hám lợi.

“Cả làng ở Phang Nga và các khu vực khác dọc bờ biển đều nhảy vào vì kiếm được nhiều tiền. Họ cải tạo thuyền để có thể chở nhiều người hơn và từ bỏ buôn lậu ma túy để chuyển sang buôn người” - ông Morison cho biết.

Con đường một chiều

Tại phiên tòa ngày 19/7, viên tướng Manas Kongpan - từng phụ trách bắt giữ người nhập cư trái phép - nhận 27 năm tù, trong khi những người khác bị tuyên từ 4 - 94 năm.

Vụ truy tố bắt đầu sau khi đường dây buôn người bị phơi ra ánh sáng vào năm 2015 - lúc chính quyền Thái Lan phát hiện hàng chục thi thể bị chôn vùi trong các trại tạm bợ sâu trong rừng ở miền nam gần biên giới Malaysia, nơi bọn buôn người thường tập kết.

Sau năm 2015, chính quyền Thái Lan mạnh tay chặt đứt tuyến buôn người, gây ra cuộc khủng hoảng người nhập cư trên biển Andaman khi nhiều nạn nhân bị bọn buôn người bỏ rơi trên tàu.

Chính phủ Thái Lan hồi tháng 6-2017 khẳng định quyết tâm chống nạn buôn người khi cho biết số cuộc điều tra, truy tố và kết án liên quan đến vấn đề này tăng mạnh trong năm 2017. Bangkok cũng kêu gọi các nước như Mỹ tham gia hỗ trợ chống buôn người.

Tại Malaysia, chính phủ cũng cam kết sẽ trấn áp nạn buôn người sau khi tìm thấy hơn 140 thi thể, chủ yếu là người Rohingya, bị bỏ đói trong rừng ở biên giới Thái Lan vào năm 2015. Sau đó, nước này bắt giữ hàng chục cảnh sát và nhiều người nước ngoài liên quan đến buôn người.

Sau vụ xét xử ở Thái Lan hôm 19/7, các nhà hoạt động ở Malaysia đã kêu gọi chính phủ phải mạnh tay hơn nữa để đưa những kẻ đứng sau các đường dây buôn người ra ánh sáng. Sau năm 2015, chính quyền các nước Myanmar, Bangladesh đã tìm cách ngăn chặn các tuyến buôn người.

Tuy nhiên, theo các nhà hoạt động, nhiều người thiểu số Rohingya vẫn tìm lối thoát bằng con đường đầy rủi ro này.

“Hồi năm 2013, 2014 từng có hàng ngàn người đổ về đây bằng thuyền, nhưng nay chỉ còn 10-20 người mỗi tháng, tất cả đều còn trẻ” - Ustaz Rafik, giáo viên thuộc một tổ chức nhân đạo ở ngoại ô Kuala Lumpur, cho biết.

Con đường ngày nay trở nên khó khăn hơn khi họ không thể đi bằng thuyền như trước, mà phải đi bộ trong rừng. Nó có thể mất nhiều tháng và không có thức ăn. Còn với nhiều người đến đích, đó là con đường một chiều. Theo Channel News Asia, nhiều người đến Malaysia nhưng không thể làm việc vì không xin được giấy tị nạn.

“Chúng tôi cũng không thể trở về nhà, chúng tôi biết đi đâu?” - một người Rohingya nói trong tuyệt vọng khi chen chúc trong dòng người xếp hàng bên ngoài cơ quan tị nạn của Liên Hiệp Quốc ở thủ đô Malaysia.

Theo TTO

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh