Mỹ, Trung Quốc tranh giành ảnh hưởng trong cuộc chiến tại Marawi

09:07, 07/07/2017

Theo tờ Straits Times, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte bước vào năm thứ 2 cầm quyền khi phải đối mặt với nguy cơ khủng bố tràn lan ở miền Nam quốc gia Đông Nam Á này. 

Theo tờ Straits Times, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte bước vào năm thứ 2 cầm quyền khi phải đối mặt với nguy cơ khủng bố tràn lan ở miền Nam quốc gia Đông Nam Á này. 

Binh sỹ Philippines tuần tra tại Marawi, Mindanao trong chiến dịch chống phiến quân Hồi giáo ngày 18/6. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Binh sỹ Philippines tuần tra tại Marawi, Mindanao trong chiến dịch chống phiến quân Hồi giáo ngày 18/6. (Nguồn: AFP/TTXVN)


Hơn một tháng nay, quân đội Philippines chiến đấu để giành lại quyền kiểm soát Marawi, thành phố có đa số người Hồi giáo sinh sống lớn nhất của nước này ở trên đảo Mindanao, từ tay những phiến quân nằm dưới sự chỉ huy của nhóm Maute có quan hệ với tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Iraq và Syria.

Rõ ràng rằng, "bóng ma" IS ở miền Nam Philippines là thách thức chính trị lớn nhất của ông Duterte cho đến nay. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo này cũng nhận được sự hỗ trợ quân sự từ cả Mỹ và Trung Quốc.

Hai cường quốc này đều không chỉ lo ngại về viễn cảnh khủng bố IS mà còn cả về các mối quan hệ chiến lược song phương với chính quyền của ông Duterte.

Do đó, cuộc khủng hoảng trên đảo Mindanao là phép thử đối với quan điểm của ông Duterte theo đuổi chính sách ngoại giao độc lập khỏi các đồng minh truyền thống để ủng hộ các cực thế lực khác.

Manila đã tìm kiếm sự hỗ trợ quân sự của Mỹ trong cuộc chiến tại Marawi. Đáp lại, Lầu Năm Góc đã triển khai một đơn vị đặc nhiệm để hỗ trợ huấn luyện và kỹ thuật cho binh sỸ Philippines.

Washington còn triển khai các máy bay không người lái để thu thập thông tin tình báo về động thái và địa điểm chính xác của các phiến quân ở miền Nam Philippines cũng như cung cấp lô vũ khí mới bao gồm nhiều súng máy, súng trường, súng phóng lựu... cho quân đội Philippines.

Trong khi đó, việc hâm nóng các quan hệ quốc phòng Philippines-Trung Quốc đang đối mặt với sức ép lớn, chủ yếu là do Trung Quốc hiện chưa ký một hiệp ước liên minh hay thỏa thuận về lực lượng thăm viếng, theo đó cho phép các binh sĩ nước này được vào các căn cứ của Philippines.

Với mong muốn nhanh chóng đẩy lùi sự hiện diện quân sự ngày càng gia tăng của Mỹ tại Mindanao, Bắc Kinh đã đề nghị cung cấp cho Manila gói hỗ trợ chống khủng bố chưa từng có, trong đó có 16 triệu USD cho vũ khí và đạn dược. 

Hai bên cũng đang thương lượng về các cuộc diễn tập chung và các thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo với nỗ lực nâng cấp quan hệ quân sự.

Ngoài ra, Trung Quốc còn cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho các cộng đồng bị ảnh hưởng. Ông Duterte đã phân bổ khoản ngân sách 400 triệu USD cho công cuộc tái thiết Marawi, và Trung Quốc hy vọng sẽ đóng vai trò trung tâm trong việc phát triển cơ sở hạ tầng ở Mindanao, bao gồm cả những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi xung đột./. 

Theo TTXVN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh