Theo Sputnik, giới chuyên gia đánh giá các dự luật trừng phạt mới chống Nga được Hạ viện Mỹ thông qua với số phiếu áp đảo trong tuần này nhiều khả năng sẽ làm bùng phát mâu thuẫn giữa Washington và các đồng minh trong Liên minh châu Âu (EU).
Theo Sputnik, giới chuyên gia đánh giá các dự luật trừng phạt mới chống Nga được Hạ viện Mỹ thông qua với số phiếu áp đảo trong tuần này nhiều khả năng sẽ làm bùng phát mâu thuẫn giữa Washington và các đồng minh trong Liên minh châu Âu (EU).
(Nguồn: usmission.gov) |
Các lệnh trừng phạt này nhằm vào các ngành công nghiệp quốc phòng, tình báo, khai mỏ, vận chuyển và đường sắt, và hạn chế giao dịch với các ngân hàng và các công ty năng lượng Nga.
Pháp và Đức đều đã lên tiếng phản đối các lệnh trừng phạt mới được đề xuất này, trong đó có việc trừng phạt các cá nhân và công ty châu Âu giao dịch với Nga và Iran, trong cái gọi là tẩy chay “thứ cấp.”
Giáo sư Michael Brenner chuyên nghiên cứu các vấn đề quốc tế tại trường Đại học Pittsburgh (Mỹ) cho hay: “EU, đặc biệt là Tây Âu, đã nói rõ rằng sẽ không chấp nhận sự tẩy chay thứ cấp - vốn bị luật pháp quốc tế cấm.”
Bộ Ngoại giao Pháp nhấn mạnh các biện pháp trừng phạt Nga được cả hai viện Quốc hội Mỹ thông qua sẽ là bất hợp pháp căn cứ theo luật pháp quốc tế kể cả khi Tổng thống Donald Trump ký phê chuẩn, hoặc Tổng thống Trump phủ quyết nhưng lưỡng viện Quốc hội thông qua với 2/3 số phiếu ủng hộ.
Một nhà bình luận chính trị khác tới từ Đại học Louvain (Pháp), giáo sư Jean Bricmont thận trọng cho rằng sự chỉ trích gia tăng của các nhà lãnh đạo châu Âu rõ ràng cho thấy các lệnh trừng phạt mới của Mỹ lên Nga sẽ làm bùng phát các mâu thuẫn nghiêm trọng giữa Washington và EU.
Tuy nhiên, giáo sư Bricmont nhận định các chính khách châu Âu vẫn lo ngại việc đứng lên phản đối Mỹ để bảo vệ các lợi ích của mình kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh.
Ông giải thích: “Vấn đề của chúng tôi mang tính ý thức hệ: do "chiến thắng" trong Chiến tranh Lạnh, nên Mỹ có uy thế lớn trong các trí thức và chính trị gia châu Âu, do đó sẽ khó thực thi những biện pháp "chống Mỹ" kể cả khi đó là lợi ích của châu Âu.”
Vì vậy, theo ông Bricmont, mặc dù nhiều nhà lãnh đạo nhận thức mức độ thiệt hại mà các lệnh trừng phạt mới của Mỹ gây ra đối với các nước thành viên EU, song họ không dám nói ra bởi họ sợ “chọc giận” các lợi ích và quyền lực mới được thiết lập tại Washington./.
Theo TTXVN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin