Việc nhà chức trách không tiếp thu các cảnh báo an toàn cháy nổ của chuyên gia đã dẫn đến thiệt hại lớn về người trong vụ cháy tòa nhà Grenfell ở London rạng sáng 14/6.
Việc nhà chức trách không tiếp thu các cảnh báo an toàn cháy nổ của chuyên gia đã dẫn đến thiệt hại lớn về người trong vụ cháy tòa nhà Grenfell ở London rạng sáng 14/6.
Lửa đỏ rực biến tòa tháp Grenfell thành ngọn đuốc - Ảnh: Reuters |
Theo thông tin do tờ The Sun mới đưa ra, số người hiện cho là mất tích sau vụ cháy tòa nhà chung cư Glenfell ở thủ đô London là 65 người. Đây cũng là một con số quá lớn, dẫu sao cũng là con số may mắn hơn so với ước tính của chính quyền là chưa biết thông tin về 400 con người, dựa trên số cư dân thường sinh sống trong tòa nhà.
Báo Telegraph của Anh trong khi đó đã liệt kê 8 “thất bại” của nhà chức trách trong thảm kịch ở tòa nhà chung cư Glenfell. Đây cũng là bài học về quản lý chung cư đông người sinh sống cho bất kỳ quốc gia nào.
1. Luật thay đổi
Trước năm 1986, tất cả các tòa nhà ở thành phố London đều phải chấp hành các quy định của Đạo luật Xây dựng London, trong đó có một điều khoản bắt buộc các bức tường phải có khả năng chịu nhiệt ít nhất 1 giờ đồng hồ để tránh ngọn lửa lan ra giữa các căn hộ hoặc đi vào từ bên ngoài.
Nhưng dưới thời Thủ tướng Margaret Thatcher, đạo luật trên bị thay thế bằng Quy chế Xây dựng quốc gia, điều kiện về thời gian chịu nhiệt của vật liệu xây dựng cũng biến mất.
2. Vật liệu phủ nguy hiểm
Các đây 3 năm, một chuyên gia về an toàn cháy nổ của Anh từng cảnh báo chính quyền rằng thảm kịch có thể xảy ra nếu họ không chịu thay đổi quy định, cấm sử dụng các vật liệu cách nhiệt dễ cháy bên ngoài các tòa nhà.
Trong trường hợp tòa tháp Grenfell, một khoảng hở giữa các bức vách đã đóng vai trò thông gió thổi bùng ngọn lửa, giúp nó lan lên các tầng cao hơn.
3. Chính phủ không quan tâm
Sau vụ cháy tòa nhà 14 tầng Lakanal House ở phía nam London năm 2009 khiến 6 người chết, các cơ quan hữu trách đã kêu gọi chính phủ xem xét lại các quy định về xây dựng và phòng cháy chữa cháy. Họ đánh giá có đến 4.000 tòa nhà ở London nằm trong diện nguy hiểm do thiếu đánh giá về nguy cơ cháy nổ.
Tuy nhiên, cho đến nay kiến nghị đó vẫn chưa được quan tâm trừ một vài lời hứa.
4. Chỉ có một cầu thang
Các cư dân sinh sống tại tòa nhà Grenfell đã nhiều lần bày tỏ sự bất an do cả tòa nhà chỉ có một cầu thang duy nhất dẫn ra ngoài. Đây cũng là tình trạng chung của các tòa nhà ở Anh dù các chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo về tính an toàn.
Những người chạy thoát khỏi tòa tháp Grenfell 24 tầng kể lại rằng cầu thang không chỉ kẹt cứng người, đầy khói mà còn không có hệ thống phun nước dập lửa tự động. Lực lượng cứu hỏa sau đó cũng rất chật vật để di chuyển lên cao.
5. Không có hệ thống chữa cháy
Nếu tòa nhà Grenfell được lắp hệ thống phun nước chữa cháy, nhiều sinh mạng có thể đã được cứu, theo các chuyên gia.
6. Cửa ra vào không ngăn được lửa
Sở phòng cháy chữa cháy London cho biết họ sẽ điều tra thông tin cho rằng một số cửa ra vào trong tòa nhà Grenfell không có khả năng chịu được lửa. Cửa chịu lửa thường được thiết kế giúp ngăn lửa lan nhanh trong tòa nhà trong trường hợp xảy ra hỏa hoạn.
7. Công tác kiểm tra
Lần cuối cùng tòa nhà Grenfell được kiểm tra nguy cơ cháy nổ là tháng 12-2015. Chính quyền Anh quy định công tác kiểm tra này phải được thực hiện thường xuyên đối với các tòa nhà, tuy nhiên “thường xuyên” đến cỡ nào thì luật không nói rõ (!). Các chuyên gia cho rằng cứ mỗi 12 tháng là tốt nhất.
Nghệ sĩ Leo Sayer (phải) đến hát gần khu tòa nhà cháy để an ủi các nạn nhân - Ảnh: Reuters |
8. Thiết kế chống cháy lan
Theo Quy định về xây dựng 1991 của Anh, các công trình được khuyến cáo nên lắp đặt hệ thống ngăn lửa lan ra giữa các tầng.
Tòa nhà Grenfell không được trang bị hệ thống này. Mặt khác, với mức độ cháy như vừa rồi, các chuyên gia cho rằng nó cũng không giúp được gì nhiều trong việc ngăn ngọn lửa.
Cái tủ lạnh thiêu cháy tòa nhà Grenfell Một sự cố với tủ lạnh trong căn hộ đã thiêu rụi cả tòa nhà 24 tầng thiết kế sai trái. Đó là bài học rất lớn. Nữ nhà báo của đài France Info tác nghiệp tại London, cô Charlotte Gilard, xác nhận thông tin đã được cơ quan chức năng gần như tin chắc về nguyên nhân vụ cháy: "Ngọn lửa xuất phát từ một căn hộ ở lầu bốn. Một cái tủ lạnh bị nẹt điện phát hỏa gần như là nguyên nhân đầu tiên. Nhưng điều khiến các nhà điều tra đau đầu nhất là tại sao lửa lại lan ra quá nhanh trong tòa nhà 24 tầng vừa được làm mới vào năm 2016". Các cư dân của tòa nhà thoát được khỏi vụ cháy mô tả rằng họ đã ngửi thấy mùi khét lẹt rất đặc trưng của nhựa cháy. Đó là thứ vật liệu dễ cháy và điều đó khiến cho tòa nhà mau chóng chìm trong biển lửa từ dưới lên trên. Theo đài BBC, mặt ngoài tòa nhà có một lớp phủ bằng nhựa và chúng chẳng khác thứ mồi kích lửa. Dĩ nhiên cho đến giờ đó chỉ là một trong các hướng điều tra của cơ quan chức năng về nguyên nhân vụ cháy làm thiệt mạng ít nhất 17 người và bị thương gần 90 người. Ông André Picot, giám đốc Nghiên cứu mảng Hóa học của Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS), nêu ra giả thuyết của mình như sau: “Thông thường nếu dùng loại vật liệu nhựa phủ ngoài tòa nhà thì người ta thường dùng nhựa PE (polyéthylène), dễ làm và rẻ. Nhưng cũng có thể đó là loại nhựa PET (dupolytéréphtalate d’éthylène), mà người ta thường dùng làm các loại chai nhựa”. Khi các loại nhựa này bốc cháy thì hậu quả rất khủng khiếp vì chúng phát thải ra khí CO2, CO và nước, vốn gây ngộp thở dẫn đến cái chết nhanh chóng cho người hít phải. Theo ông Picot, khi sử dụng nguyên liệu nhựa trong vật liệu xây dựng thì người ta thường phải thêm vào những thành phần chống cháy như polybromés để giảm thiểu nguy cơ. Nguy cơ cháy nổ ở tòa nhà chung cư Grenfell không phải không được nhận thấy. Ông David Collins, người từng làm chủ tịch hội cư dân tòa nhà Grenfell cho đến tháng 10-2016, khẳng định ông từng yêu cầu chính quyền địa phương cho điều tra về độ an toàn của tòa nhà. “Có đến 90 % cư dân trong tòa nhà từng ký vào bản kiến nghị hồi cuối năm 2015 phản ứng về việc điều hành kém của công ty quản lý tòa nhà”, ông Collins kể với truyền thông. |
Theo PHÚC LONG - TÚ ANH (TTO)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin