Tiếp tục phóng tên lửa đạn đạo, Triều Tiên muốn gửi thông điệp gì?

10:05, 23/05/2017

Bỏ ngoài tai sức ép từ Mỹ, Trung Quốc, và Liên Hợp Quốc cũng như cơ hội hòa giải với Hàn Quốc, Triều Tiên lại phóng tiếp tên lửa đạn đạo vào hôm 21/5.

 

Triều Tiên phóng thử tên lửa đạn đạo Pukguksong-2 vào ngày 21/5. Ảnh: Rodong Sinmun.
Triều Tiên phóng thử tên lửa đạn đạo Pukguksong-2 vào ngày 21/5. Ảnh: Rodong Sinmun.

Bỏ ngoài tai sức ép từ Mỹ, Trung Quốc, và Liên Hợp Quốc cũng như cơ hội hòa giải với Hàn Quốc, Triều Tiên lại phóng tiếp tên lửa đạn đạo vào hôm 21/5.

Hôm 22/5, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đã thông tin về vụ phóng thử tên lửa đạn đạo Pukguksong-2 diễn ra vào ngày 21/5. Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ và Hội đồng tham mưu trưởng Hàn Quốc đều xác nhận có vụ phóng như vậy.

Theo đó tên lửa phóng đi từ lãnh thổ Triều Tiên đã bay khoảng 560km và rơi xuống biển Nhật Bản nhưng chưa đi vào Vùng đặc quyền kinh tế của nước này.

Bản tin của KCNA nêu rõ: “Việc phóng thử Pukguksong-2 là nhằm kiểm chứng lần cuối các chỉ số kỹ thuật của hệ thống vũ khí và kiểm tra một cách kỹ càng mức độ thích ứng dưới các điều kiện chiến trận khác nhau, trước khi triển khai xuống các đơn vị quân sự để hành động”.

KCNA dẫn lời ông Kim Jong-un khẳng định: Với “các dữ liệu kỹ chiến thuật đáp ứng các yêu cầu của Đảng, loại tên lửa này có thể đem sản xuất hàng loạt để vũ trang cho Lực lượng Chiến lược của Quân đội Nhân dân Triều Tiên”.

Triều Tiên thông qua cuộc phóng thử mới nhất đã kiểm tra độ chính xác và đáng tin cậy của hệ thống phóng lạnh cũng như hệ thống kiểm soát hướng của tên lửa mới.

Đây là lần thứ 2 Triều Tiên phóng thử tên lửa đạn đạo tầm xa này. Lần thứ nhất là vào tháng 2/2017, đúng dịp Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Không “ngán” Mỹ và Liên Hợp Quốc

Đáng lưu ý, vụ phóng tên lửa diễn ra đúng 1 tuần sau vụ thử tên lửa vào ngày 21/5, bất chấp sự hăm dọa của Mỹ cùng những lời phản đối và lệnh trừng phạt từ Liên Hợp Quốc. Vụ thử mới nhất này là vụ thử tên lửa đạn đạo tầm xa thứ 5 của Triều Tiên trong năm 2017.

Nhà lãnh đạo tối cao Triều Tiên Kim Jong-un quan sát một hệ thống tên lửa đạn đạo. Ảnh: Rodong Sinmun.
Nhà lãnh đạo tối cao Triều Tiên Kim Jong-un quan sát một hệ thống tên lửa đạn đạo. Ảnh: Rodong Sinmun.

Đích thân nhà lãnh đạo tối cao Triều Tiên Kim Jong-un từ trạm quan sát đã ra lệnh phóng tên lửa Pukguksong-2 và kiểm tra kết quả sau khi phóng. Ông đánh giá vụ phóng là hoàn hảo, đồng thời nhất trí triển khai và sản xuất hàng loạt tên lửa loại này. Ông Kim xem đây là thứ vũ khí chiến lược của Triều Tiên.

Ông Kim Jong-un cũng nhấn mạnh rằng Triều Tiên cần xúc tiến đa dạng hóa và hiện đại hóa lực lượng hạt nhân của nước này với mục đích khiến cho kẻ thù của họ “phát điên và không còn tỉnh táo”.

Các sự kiện này đều được KCNA công khai phản ánh.

Các cuộc thử mới này đã giội nước lạnh lên thiện chí hòa giải của Hàn Quốc.

Hàn Quốc vào hôm 21/5 đã phản ứng bằng cách gọi vụ phóng này là “cẩu thả, thiếu trách nhiệm”.

Trong khi đó, Triều Tiên khẳng định việc họ thử nghiệm tên lửa là để đáp lại mối đe dọa đến từ Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản.

Quyết tâm không lay chuyển

Thời gian qua, Triều Tiên đã có một số vụ phóng thử tên lửa không thành công. Nhưng điều này không làm giảm quyết tâm của nước này trong việc phát triển công nghệ tên lửa. Họ xác định phải không ngừng củng cố năng lực quốc phòng trên tinh thần Juche (Chủ thể), sản xuất ra các loại vũ khí mới hiệu quả, có sức răn đe cao.

Quỹ đạo bay của tên lửa Hwasong-12 khi bắn ở góc cao (bay được 787km) và góc tiêu chuẩn (bay được 4.500km). Đồ họa: BBC.
Quỹ đạo bay của tên lửa Hwasong-12 khi bắn ở góc cao (bay được 787km) và góc tiêu chuẩn (bay được 4.500km). Đồ họa: BBC.

Theo thời gian, họ đã hoàn thiện dần các loại tên lửa đạn đạo với các tầm bắn khác nhau.

Truyền thông Triều Tiên gọi Pukguksong-2 là vũ khí chiến lược loại mới kiểu Triều Tiên.

Vào ngày 22/5, Hàn Quốc thừa nhận rằng vụ phóng Pukguksong-2 vào hôm 21/5 cho thấy bước tiến trong chương trình tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.

Roh Jae-cheon - phát ngôn viên của Hội đồng Tham mưu trưởng quân đội Hàn Quốc, nói: “Giới chức tình báo Hàn Quốc và Mỹ đánh giá rằng Triều Tiên đã thu được các dữ liệu có ý nghĩa để cải thiện độ tin cậy trong công nghệ tên lửa của nước này”.

Theo giới quan sát, đây là loại tên lửa đạn tầm trung và tầm xa sử dụng nhiên liệu rắn.

Tên lửa Pukguksong-2 là biến thể phóng từ trên cạn của Pukguksong-1, loại tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm, sử dụng nhiên liệu rắn. Hồi tháng 8/2016, Triều Tiên tuyên bố phóng thử thành công một quả tên lửa đạn đạo Pukguksong-1 từ tàu ngầm. Pukguksong-1 vốn dĩ đã được thử nghiệm từ tận năm 2013, nhưng khi đó là phóng từ đất liền. Lần phóng từ tàu ngầm đầu tiên là vào tháng 5/2015.

Theo KCNA, tên lửa Pukguksong-2 phóng đi từ ống phóng dựng trên xe bánh xích, sử dụng hệ thống phóng lạnh, trong đó khí nén sẽ đẩy tên lửa lên không trung trước khi động cơ đẩy kích hoạt.

Hãng thông tấn này cũng nêu rõ, vụ thử đã xác nhận các tính năng cần thiết cho việc mang đầu đạn hạt nhân.

Tiến bộ vượt bậc trong công nghệ tên lửa Triều Tiên

Sự nguy hiểm của Pukguksong-2 nằm ở chỗ nó dùng nhiên liệu rắn nên rất khó bị phát hiện trước khi phóng.

Nhiên liệu rắn có ưu điểm ổn định, an toàn, nhanh (nhờ giảm thời gian cần thiết để nạp nhiên liệu trước khi phóng). Đặc điểm gọn, dễ dàng lưu trữ trong bình nhiên liệu của động cơ tên lửa so với nhiên liệu lỏng, cộng với khả năng cơ động trên xe bánh xích giúp tăng mức độ khó phát hiện hệ thống tên lửa này.

Theo Giáo sư Kim Dong-yub tại Viện Nghiên cứu Viễn Đông của Đại học Kyungnam (Hàn Quốc), Pukguksong-2 có thể bay xa từ 2.000-2.500km.

Vị giáo sư này cho biết, tầm bắn của tên lửa này thấp hơn tên lửa Musudan (loại có thể bắn tới đảo Guam, với tầm bay 3000-4000km). Giáo sư Kim cho rằng do Pukguksong-2 chưa sử dụng hết lực đẩy của mình nên vẫn có thể xếp nó vào nhóm tên lửa đạn đạo Musudan nhiên liệu rắn.

Kim Dong-yub gợi ý có khả năng cuộc thử mới nhất sẽ dẫn tới việc phát triển “tên lửa đạn đạo liên lục địa sử dụng nhiên liệu đẩy rắn”.

Yếu tố kiểm tra chính trong vụ phóng thử tên lửa Hwasong-12 vào ngày 14/5 là độ cao vươn tới của tên lửa. Giới phân tích coi đây là cuộc thử thành công nhất của Triều Tiên trong việc phát triển tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.

Tên lửa trong cuộc thử 14/5 đã lên tới độ cao hơn 2.100km, cung cấp cho Triều Tiên thông tin quan trọng về việc phát triển thiết bị để đưa đầu đạn hạt nhân quay trở lại khí quyển.

Giới quan sát cho rằng các cuộc thử nghiệm của Triều Tiên gần đây cung cấp các thông tin hữu ích giúp nước này tiến gần hơn tới mục tiêu phát triển một tên lửa đạn đạo liên lục địa có khả năng vươn tới lục địa Mỹ.

Melissa Hanham, một nghiên cứu viên tại Trung tâm Nghiên cứu về Chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt James Martin ở California (Mỹ,) cho rằng đây là bước đệm quan trọng tiến tới một vũ khí có tầm bắn xa hơn nữa.

Theo bà Hanham, đến giờ Triều Tiên đã đi được 1/2 hoặc 1/3 chặng đường phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa./.

Theo Trung Hiếu/VOV.VN

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh