Thái độ "khó hiểu" của Trung Quốc trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên

08:05, 05/05/2017

Một mặt, Trung Quốc khẳng định muốn làm "láng giềng tốt" của Triều Tiên, mặt khác, Trung Quốc cảnh báo vấn đề hạt nhân Triều Tiên là "mối đe dọa lớn".

Một mặt, Trung Quốc khẳng định muốn làm “láng giềng tốt” của Triều Tiên, mặt khác, Trung Quốc cảnh báo vấn đề hạt nhân Triều Tiên là “mối đe dọa lớn”.

“Vừa đấm vừa xoa” láng giềng Triều Tiên

Phát biểu trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh ngày 5/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng tuyên bố, quan điểm của Trung Quốc về mối quan hệ với Triều Tiên là “thống nhất và hết sức rõ ràng”.

Hình ảnh một cuộc diễn tập bắn đạn thật của Triều Tiên. Ảnh: Reuters
Hình ảnh một cuộc diễn tập bắn đạn thật của Triều Tiên. Ảnh: Reuters

“Trung Quốc luôn muốn phát triển một mối quan hệ hữu nghị và luôn là láng giềng tốt của Triều Tiên. Quan điểm của Trung Quốc về vấn đề này là thống nhất và hết sức rõ ràng”, ông Cảnh Sảng nhấn mạnh.

Cũng theo ông Cảnh Sảng, Trung Quốc luôn nỗ lực để thực hiện việc phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên cũng như duy trì hòa bình và an ninh trong khu vực để giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên thông qua đối thoại.

Ông Cảnh Sảng khẳng định, Trung Quốc đã nhiều lần nhắc đi nhắc lại rằng, nước này luôn “sẵn lòng trở thành cầu nối” cho các cuộc đối thoại giữa các bên trong vấn đề Triều Tiên nhằm san bằng những cách biệt hiện tại.

Tuyên bố trên của đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc được cho là hoàn toàn trái ngược với thông tin trước đó từ báo chí quốc tế rằng, Trung Quốc và Mỹ đang bàn thảo về khả năng siết chặt trừng phạt Triều Tiên liên quan đến chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này.

Không những thế, chính tờ Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc cũng đưa ra lời chỉ trích gay gắt nhằm vào “láng giềng tốt” Triều Tiên: “Triều Tiên đã không chịu bỏ lại Chiến tranh Lạnh ở phía sau và cũng không muốn làm điều này. Triều Tiên đang tự “dệt nên một tấm mạng nhện” mang nặng tính thù hằn với các quốc gia mà nước này coi là đối thủ”.

Tờ Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc cũng cáo buộc, các vụ thử tên lửa của Triều Tiên là “mối đe dọa nghiêm trọng” đối với Trung Quốc. Đại sứ quán Trung Quốc tại Triều Tiên cũng kêu gọi công dân Trung Quốc tại Triều Tiên nhanh chóng trở về nước do lo ngại về khả năng Triều Tiên tiếp tục thử tên lửa có thể làm leo thang căng thẳng dẫn đến giao tranh.

Triều Tiên lần đầu phát cảnh báo nhằm vào Trung Quốc

Đáp lại, Hãng Thông tấn Quốc gia Triều Tiên (KCNA) tuyên bố, những gì được đăng tải trên tờ Nhân dân Nhật báo cho thấy Trung Quốc đang cố tình đổ lỗi cho Triều Tiên trong việc “làm xấu đi” mối quan hệ Trung-Triều.

Cũng theo KCNA, Trung Quốc đang “thổi phồng” hệ lụy từ các vụ thử hạt nhân của Triều Tiên đối với một số khu vực ở miền Bắc Trung Quốc.

KCNA cảnh báo, việc Trung Quốc kêu gọi Triều Tiên dừng ngay chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này là “vi phạm trắng trợn chủ quyền, quyền lợi hợp pháp, danh dự và lợi ích tối cao” của Triều Tiên.

Theo KCNA tuyên bố của phía Trung Quốc là “mối đe dọa rõ ràng đến quốc gia láng giềng Triều Tiên, vốn có mối quan hệ chân thành, hữu nghị và lâu đời với Trung Quốc”.

Theo KCNA: “Những tuyên bố như trên đang xuất hiện rất thường xuyên từ phía Trung Quốc chỉ càng khiến cho tình hình trên bán đảo Triều Tiên vốn đã ảm đạm trở nên càng tồi tệ hơn”.

“Những lời kêu gọi của những chính trị gia và các cá nhân không hiểu rõ về vấn đề Triều Tiên rằng cần phải siết chặt lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên cũng như không loại trừ khả năng can thiệp quân sự vào Triều Tiên nếu Triều Tiên từ chối dừng chương trình hạt nhân của mình cho thấy tư duy kiểu chủ nghĩa Sô vanh”.

KCNA khẳng định, chương trình hạt nhân của Triều Tiên là cần thiết “đối với sự tồn vong và phát triển” của Triều Tiên và “sẽ không bao giờ bị thay đổi hoặc bị lung lay”. Cũng theo KCNA, “Triều Tiên không bao giờ chấp nhận duy trì quan hệ với Trung Quốc nếu chương trình hạt nhân của nước này bị ảnh hưởng”.

Bán đảo Triều Tiên đang “căng như dây đàn”

Theo các chuyên gia, việc Trung Quốc và Triều Tiên, hai đồng minh thân cận lâu đời trong khu vực bất ngờ “lời qua tiếng lại” với nhau về vấn đề được coi là “hết sức nhạy cảm” với Triều Tiên đã khiến cho tình hình trên bán đảo Triều Tiên căng thẳng hơn bao giờ hết.

Sức ép lên Triều Tiên giờ đây ngày càng lớn hơn bởi trước đó, Chính phủ Mỹ cũng đã lên tiếng cảnh báo “kỷ nguyên của sự kiên nhẫn chiến lược” đối với Triều Tiên đã chính thức kết thúc.

Để minh chứng cho tuyên bố của mình, Mỹ đã điều siêu tàu sân bay hạt nhân USS Carl Vinson cùng tàu ngầm hạt nhân USS Michigan và hàng loạt máy bay ném bom chiến lược tầm xa như B-52 và B-1B Lancer đến khu vực để “răn đe” Triều Tiên.

Đáp lại, Triều Tiên vẫn tỏ ra hết sức cứng rắn và cáo buộc ngược lại Mỹ rằng: ‘Những hành động mang nặng tính khiêu kích quân sự của Mỹ đang đẩy tình hình trên bán đảo Triều Tiên đến gần hơn miệng hố chiến tranh”.

Có thể thấy, tình hình trên bán đảo Triều Tiên hiện nay đang “căng như dây đàn” và bất kỳ một tính toán sai lầm của của Mỹ, Trung Quốc hay Triều Tiên cũng có thể gây ra những hệ lụy khôn lường.

Việc phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên là cần thiết nhưng điều này chỉ có thể đạt được nếu các bên liên quan thực sự thể hiện được “cái đầu lạnh” khi giải quyết vấn đề thay vì đặt “trái tim nóng” lên bàn cân tính toán chiến lược./.

Theo Trần Khánh/VOV.VN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh