Tân Tổng thống Pháp Macron sẽ làm gì với Châu Á?

09:05, 08/05/2017

Tổng thống đắc cử Pháp Macron sẽ phải nhìn lại tầm quan trọng của khu vực châu Á–Thái Bình Dương, điều đã ít được nhắc tới trong chiến dịch tranh cử.

Tổng thống đắc cử Pháp Macron sẽ phải nhìn lại tầm quan trọng của khu vực châu Á–Thái Bình Dương, điều đã ít được nhắc tới trong chiến dịch tranh cử.

Chiến thắng của ông Macron được đánh giá là không bất ngờ bởi trong các cuộc thăm dò dư luận trước bầu cử, ông luôn giành ưu thế áp đảo trước bà Le Pen. (Ảnh : Getty)
Chiến thắng của ông Macron được đánh giá là không bất ngờ bởi trong các cuộc thăm dò dư luận trước bầu cử, ông luôn giành ưu thế áp đảo trước bà Le Pen. (Ảnh : Getty)

Trong các cuộc tranh luận trước bầu cử, 2 ứng cử viên Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Marine Le Pen chủ yếu tập trung vào những vấn đề trong nước và công kích lẫn nhau mà hầu như bỏ qua chính sách đối ngoại và tránh đề cập vai trò, trách nhiệm của Pháp trong một trật tự thế giới đang thay đổi.

Cả 2 cũng không đi sâu vào sự chuyển biến toàn cầu và cách giải quyết những thách thức tương lai, đặc biệt là ở châu Á – Thái Bình Dương, nơi nước Pháp gần đây định hình được chính sách khá hiệu quả và tương xứng với tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của khu vực này.

Nhưng giờ đây, chủ nhân mới của Điện Élyseé không sớm thì muộn cũng sẽ phải đưa ra một đường lối đối ngoại rành mạch như là câu trả lời cho các nước trên thế giới, trong đó có các nước châu Á – Thái Bình Dương, đã hồi hộp dõi theo cuộc bầu cử Tổng thống ở Pháp.

Lợi ích của Pháp ở châu Á – Thái Bình Dương

Mỹ và phương Tây đều phải công nhận rằng châu Á – Thái Bình Dương đang trỗi dậy như là động lực tăng trưởng chính của toàn cầu với sức mạnh về kinh tế, địa thế chiến lược, vai trò tác động tới cán cân toàn cầu trong các vấn đề từ môi trường đến quân sự, chính trị.

Nước nào càng sớm thắt chặt mối quan hệ và tăng cường ảnh hưởng tới khu vực này càng được đảm bảo vị thế toàn cầu trong tương lai. Và Pháp không phải là ngoại lệ.

Trước hết, Pháp cần đến châu Á – Thái Bình Dương như là một thị trường tiềm năng để chấn hưng nền kinh tế vẫn còn rất trì trệ sau suy thoái.

Sự thịnh vượng ngày nay của nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới này thực chất cũng liên hệ rất chặt chẽ với sự phát triển năng động của châu Á thời gian qua.

Trao đổi thương mại của Pháp với khu vực châu Á - Thái Bình Dương từ mức chiếm 14% thương mại với các nước ngoài Liên minh châu Âu (EU) năm 1985, nay đã tăng hơn gấp đôi lên 32% trong năm 2016. Đầu tư trực tiếp của Pháp vào khu vực này hiện đã vượt 80 tỷ USD.

Đặc biệt trong thị trường thiết bị quốc phòng, có khoảng 40% tàu ngầm bán cho các nước Đông Nam Á là từ Pháp.

Thứ hai, khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang nắm giữ những lợi ích an ninh quốc gia trực tiếp của Pháp.

Với 1,6 triệu công dân sinh sống trên các vùng lãnh thổ hải ngoại của Pháp như Mayotte, La Réunion ở Ấn Độ Dương hay New Caledonia, Polynesia, Clipperton và quần đảo Wallis và Futuna ở Thái Bình Dương, tất cả tạo thành Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) lớn thứ 2 thế giới (sau Mỹ), chính quyền nào ở Pháp cũng cần phải kiên quyết nỗ lực bảo vệ các nguyên tắc tự do hàng hải ở châu Á, đặc biệt là Ấn Độ Dương, Nam Thái Bình Dương và Biển Đông.

Di sản của Tổng thống Hollande

Không như những người tiền nhiệm Jacques Chirac hay Nicolas Sarkozy, ông Francois Hollande trở thành Tổng thống Pháp khi gần như chẳng có nền tảng nào về chính sách đối ngoại.

Thế nhưng, dưới thời của Tổng thống Hollande, nước Pháp đã thành công trong việc đa dạng hóa và làm sâu sắc hơn các mối quan hệ ở châu Á – Thái Bình Dương.

Trong 5 năm qua, ông Hollande đã thăm Trung Quốc 3 lần, thăm Nhật Bản 2 lần, là Tổng thống Pháp đầu tiên thăm chính thức Philippines, thăm Việt Nam tháng 9/2016 và một số nước Đông Nam Á khác như Malaysia, Singapore, Indonesia tháng 3/2017.

Tháng 8/2013, ông Laurent Fabius, khi đó còn là Ngoại trưởng Pháp, đã tuyên bố nước Pháp “xoay trục” sang châu Á – Thái Bình Dương trong chuyến thăm Ban thư ký ASEAN.

Sau đó, Bộ Quốc phòng Pháp tháng 4/2014 cũng đã công bố kế hoạch hành động “Pháp và an ninh ở châu Á – Thái Bình Dương” và cập nhật văn bản này vào tháng 6/2016.

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian đã thăm khu vực này hơn 20 lần với hơn 130 cuộc gặp với quan chức cấp cao các nước.

Dường như thành quả mang lại là việc Pháp trở thành nhà xuất khẩu quốc phòng chính ở châu Á – Thái Bình Dương, từ đó mở ra những hợp tác về huấn luyện, kỹ thuật, tập trận chung… với quy mô ngày càng lớn hơn.

Ông Le Drian cũng là khách mời quan trọng thường xuyên của Đối thoại Shangri La, nơi Bộ trưởng Quốc phòng Pháp trình bày quan điểm của nước này về những vấn đề an ninh mà khu vực đang phải đối mặt.

Đặc biệt, lần gần đây nhất tham dự diễn đàn an ninh này vào tháng 6/2016, ông Le Drian công bố ý định của Pháp hợp tác với các nước EU để thực hiện các Chiến dịch tư do hàng hải (FONOPs) trên Biển Đông nhằm bảo vệ “trật tự dựa trên luật pháp quốc tế”.

Hiện nhóm tàu tấn công Jeanne d’Arc, bao gồm tàu tuần dương Mistral của Pháp với 2 máy bay trực thăng của Hải quân Hoàng gia Anh và một đội ngũ 60 sỹ quan hải quân Anh đang thực thi sứ mệnh ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.

Các cảng mà nhóm tàu này dự định ghé thăm là những nước có quan hệ đối tác chiến lược với Pháp như Việt Nam, Trung Quốc, Nhật bản, Australia và Singapore.

Nhờ cách tiếp cận đa chiều mang lại những thành công đáng kể như trên, Pháp được công nhận là một đối tác đáng tin cậy, lâu năm và hiệu quả, một bên trung gian trung thực ở châu Á – Thái Bình Dương.

Không nghi ngờ gì rằng Tổng thống đắc cử Pháp sẽ được hưởng lợi từ nền tảng quan hệ tốt đẹp hiện nay với các nước châu Á như Nhật Bản, Australia, Ấn Độ, Trung Quốc và các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Tổng thống đắc cử Pháp Macron sẽ phải nhìn lại tầm quan trọng của khu vực châu Á–Thái Bình Dương (Ảnh: zerohedge aj)
Tổng thống đắc cử Pháp Macron sẽ phải nhìn lại tầm quan trọng của khu vực châu Á–Thái Bình Dương (Ảnh: zerohedge aj)

Emmanuel Macron – người thừa kế sáng tạo

Cùng với Paul Jean-Ortiz, nhà đàm phán của Tổng thống Hollande cho các cuộc họp thượng đỉnh với những nước lớn, ông Macron từng đóng vai trò chủ chốt trong việc định hình chính sách đối ngoại cho ông Hollande trong giai đoạn 2012 – 2014, trong đó vừa tập trung vào Trung Quốc, vừa phát triển mối quan hệ với Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và ASEAN.

Có lẽ vì thế, từ trong chiến dịch tranh cử, ông Macron được cho là lưu tâm tới khu vực châu Á – Thái Bình Dương hơn bà Le Pen.

Ông chủ trương hợp tác với Trung Quốc cả về an ninh, thương mại và môi trường  - tuyên bố thể hiện sự kế thừa và phát huy chương trình nghị sự Hội nghị Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 21 (COP 21), một sự kiến chính trong nhiệm kỳ của Tổng thống Hollande. Tuy nhiên, ông Macron nhấn mạnh việc cần phải “tái cân bằng” mối quan hệ với Trung Quốc.

Ông Macron cũng thể hiện sự nổi trội so với bà Le Pen trong chính sách đối ngoại ở điểm không lấy Trung Quốc ra làm đại diện cho cả châu Á – Thái Bình Dương, mà thực sự đề cập những vấn đề khác của khu vực này.

Từng là Bộ trưởng Kinh tế Pháp (2014 – 2016), ông Macron vốn có đánh giá riêng về những mặt lợi và hại từ sự trỗi dậy của Trung Quốc, Ấn Độ và Đông Nam Á đối với Pháp. Nhiều khả năng ông Macron sẽ tiếp tục chính sách sử dụng EU như là tác nhân chính cho các mối quan hệ với khu vực và thực hiện các hiệp định thương mại ký với Việt Nam, Singapore, Hàn Quốc.

Ông cũng kêu gọi tái lập sự hiện diện chiến lược của Pháp ở châu Á – Thái Bình Dương trong khuôn khổ kế hoạch chung của châu Âu.

Phân tích trên trang The Diplomat, chuyên gia Sophie Boisseau du Rocher thuộc Trung tâm nghiên cứu châu Á của Viện quan hệ quốc tế Pháp (Ifri) nhận định, sự tiếp nối chính sách quốc phòng hiện nay cũng như sự ủng hộ của ông Le Drian dành cho ông Macron đã cho thấy rằng tầm quan trọng của mối quan hệ hợp tác giữa Pháp và châu Á – Thái Bình Dương vẫn sẽ được công nhận và củng cố trong chính quyền của ông Macron./.

Theo Diệu Hương/VOV.VN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh