Đánh bom ở Manchester: Thêm một hồi chuông cảnh báo vấn nạn khủng bố

10:05, 25/05/2017

22 người chết, 59 người bị thương, trong một vụ đánh bom khủng bố xảy ra vào lúc 22h33 tối 22/5 tại thành phố Manchester (Anh).

22 người chết, 59 người bị thương, trong một vụ đánh bom khủng bố xảy ra vào lúc 22h33 tối 22/5 tại thành phố Manchester (Anh).

Cảnh sát Anh phong tỏa hiện trường vụ đánh bom tại Manchester. Ảnh: Reuters
Cảnh sát Anh phong tỏa hiện trường vụ đánh bom tại Manchester. Ảnh: Reuters

Tối 23/5, Thủ tướng Anh Theresa May đã thông báo nâng mức báo động lên cấp cao nhất và cảnh báo khả năng xảy ra những vụ tấn công lớn hơn. Để tăng cường an ninh, lực lượng quân đội sẽ tham gia hỗ trợ cho cảnh sát. Sự hỗ trợ này nằm trong khuôn khổ của kế hoạch Temperer đã được lập từ khá lâu nhằm phối hợp hành động trong những tình huống khẩn cấp.

Kẻ đánh bom được xác định đã chết cùng với khối thuốc nổ và được nhận diện là Salman Abedi sinh năm 1994 tại Manchester. Cha mẹ anh ta gốc Libye, chạy trốn chế độ Kadhafi tới Anh, ban đầu sống ở London, rồi sau đó tới cư trú ở khu Fallowfield, phía Nam Manchester từ 10 năm nay. Salman Abedi có hai anh trai và một em gái.

Bộ trưởng Nội vụ Anh Amber Rudd cho biết Salman Abedi thuộc diện cần theo dõi. Nhiều khả năng phần tử này không hoạt động đơn lẻ. Trong khi đó, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gérard Collomb cũng lưu ý rằng Salman Abedi đã từng qua Syria sau khi tới Libya và là một phần tử cực đoan hóa.

Anh đã trở thành mục tiêu quen thuộc của khủng bố 

Vụ việc xảy ra chỉ cách hai tháng sau vụ Khalid Masood, một phần tử cực đoan Hồi giáo ngày 22/3 dùng xe đâm vào dòng người trên cầu Westminster trước nhà Quốc hội Anh tại trung tâm thủ đô Lodon khiến 5 người thiệt mạng.

Như vậy, từ nhiều năm nay, Anh luôn xảy ra các cuộc tấn công khủng bố, nặng nhất là các cuộc đánh bom liều chết liên hoàn tại 3 tuyến tầu điện ngầm và 1 tuyến xe buýt ở thủ đô Lodon ngày 7/ 7/2005 khiến 56 người thiệt mạng và 700 người bị thương. Nhóm Al Qaeda đã nhận trách nhiệm về các vụ tấn công đó.

15 ngày sau, phát hiện 4 vụ tấn công hụt, với cách thức tương tự tại các tuyến tầu điện ngầm và xe buýt ở London. Các quả bom tự tạo không phát nổ do lỗi đường dẫn.

Ngày 30/6/2007, một xe tải chứa đầy bình gaz lao vào ga chính sân bay Glasgow tại Ecosse. May mắn, chiếc xe không phát nổ. Đi trên xe là một người gốc Iraq, sau đó đã bị kết án tù chung thân.

Trước đó, 2 chiếc Mercedes chứa đầy bình xăng, khí đốt và đinh, được phát hiện đỗ gần khu Piccadilly Circus, trung tâm thủ đô Lodon.

Ngày 22/5/2013, 2 người gốc Nigeria tấn công, sát hại bằng dao một quân nhân trẻ tại khu Đông Nam Lodon.

Ngày 5/12/2015,  Muhaydin Mire, một thanh niên gốc Somalie dùng dao găm đâm trọng thương 2 người trên lối vào trạm tầu điện ngầm Leytonstone, phía đông London. Vụ việc xảy ra 2 ngày sau khi Anh mở đầu các cuộc không kích các vị trí của IS tại Syria.

Châu Âu tê liệt vì những vụ tấn công kiểu “sói đơn độc”

Anh tiếp tục là địa bàn hoạt động của khủng bố, bên cạnh Pháp, Đức, Bỉ, Mỹ... nhóm các nước phương Tây khủng bố chọn làm mục tiêu ưu tiên.

Vụ đánh bom liều chết, nhằm vào nơi vui chơi công cộng, đa số là thanh niên, cho thấy tính chất dã man, manh động.

Thật bất ngờ, nhưng không quá ngạc nhiên. Cách thức ấy đã từng diễn ra ở Pháp, Bỉ và bản thân nước Anh. Người ta vẫn bất lực trước mối đe dọa hiển hiện trước mắt, nhưng rất khó nắm bắt.

Mang tính chất đơn lẻ, tự phát của một vài phần tử cực đoan, những "con sói đơn độc", hoạt động này trở nên phổ biến gần đây, rất nguy hiểm và mang lại hậu quả rất nghiêm trọng. Tuy nhiên, dường như chúng vẫn tuân theo một chỉ đạo chung và luôn được IS đứng ra nhận trách nhiệm.

Các cuộc tấn công luôn rất bất ngờ, ở những khu vực quan trọng, và những nơi công cộng, đông người. Hình thức rất đa dạng: bằng thuốc nổ, súng, dao, binh khí, xe tải...

Qua điều tra, các nhóm khủng bố ở Anh có mối liên hệ chặt chẽ với châu Âu lục địa và Trung Đông, Bắc Phi. Một số phần tử bị bắt tại Bỉ gần đây khai từng qua lại Anh, Marocco, Lybia, Iraq, Syria...

Các cuộc tấn công ở Anh, Pháp, Đức gần đây cho thấy, thất bại ở Iraq, Syria nhưng IS vẫn luôn tồn tại. Cuộc chiến đang được chuyển vào ngay trong lòng châu Âu với sự trở về của những chiến binh mang tư tưởng cực đoan, theo dòng người tỵ nạn.  

Thể hiện mối quan tâm lớn, tân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã điện đàm ngay với Thủ tướng Anh Theresa May, và chiều 23/5 tới Đại sứ quan Anh tại Paris để chia buồn và bày tỏ tình đoàn kết của Pháp với các nạn nhân và với nước Anh trong cuộc chiến chung chống khủng bố.

Tiếp đó, ông Macron đã quyết định gia hạn tiếp tình trạng khẩn cấp tại Pháp từ 15/7-/11/2017 và tăng cường lực lượng an ninh tại những điểm quan trọng ở Paris và toàn nước Pháp.

Cuộc tấn công cũng dóng tiếp một hồi chuông cảnh báo nguy cơ khủng bố, buộc một loạt các nước châu Âu và thế giới phải rà soát lại và củng cố hệ thống an ninh của mình cũng như tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.   

Theo Thái Dương/VOV-Paris

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh