Chân dung cựu Giám đốc FBI Mueller giám sát điều tra Tổng thống Trump

11:05, 19/05/2017

Dưới đây là 7 điều nên biết về Robert Mueller, cố vấn đặc biệt vừa mời được chỉ định giám sát việc điều tra vấn đề Nga trong cuộc bầu cử Mỹ.

 

Dưới đây là 7 điều nên biết về Robert Mueller, cố vấn đặc biệt vừa mời được chỉ định giám sát việc điều tra vấn đề Nga trong cuộc bầu cử Mỹ.

Ông Robert Mueller lúc tuyên thệ trước khi nhậm chức Giám đốc FBI vào năm 2001. Ảnh: AP.
Ông Robert Mueller lúc tuyên thệ trước khi nhậm chức Giám đốc FBI vào năm 2001. Ảnh: AP.

Bộ Tư pháp Mỹ mới đây đã chỉ định Robert S. Mueller III làm cố vấn đặc biệt giám sát việc điều tra mối liên hệ giữa Nga và bầu cử Tổng thống Mỹ 2016. Ông Muller là người cống hiến gần như trọn đời cho hoạt động công vụ.

Ông Mueller năm nay 72 tuổi. Ông được bổ nhiệm làm người đứng đầu Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) vào đúng 1 tuần trước loạt tấn công khủng bố khét tiếng 11/9/2001. Ông tiếp tục cầm lái cơ quan này trong 12 năm tiếp theo – một nhiệm kỳ dài thứ nhì chỉ sau J. Edgar Hoover.

Tại phiên điều trần xác nhận ông vào vị trí Giám đốc FBI, Mueller thề rằng ưu tiên cao nhất của ông sẽ là “khôi phục niềm tin của công chúng vào FBI”.

Mueller tới FBI sau khi xảy ra nhiều biến cố trong cơ quan này như vụ đối đầu chết người với nhóm tôn giáo Branch Davidians ở Waco (Texas), việc phát hiện ra một đặc vụ FBI hóa ra là một điệp viên Nga (Robert Hanssen), và việc tiết lộ các tài liệu lấy từ các luật sư đại diện cho Timothy McVeigh, kẻ đánh bom tòa nhà ở thành phố Oklahoma.

Trên nhiều phương diện, Mueller đã thành công. Khi Mueller thôi chức vụ Giám đốc FBI vào năm 2013, ông nhận được sự khen ngợi từ Thượng nghị sĩ Chuck Grassley, người chuyên chỉ trích FBI. Grassley gọi ông là một “người Mỹ vĩ đại”.

Hiện nay, ông giữ vai trò với một thách thức mới - giám sát vụ điều tra phản gián đang diễn ra của FBI về khả năng có sự cấu kết giữa nhóm tranh cử của ông Trump và Nga. Việc chỉ định ông Mueller diễn ra sau khi có các tiết lộ vào đầu tuần này rằng vị Giám đốc FBI James Comey bất ngờ bị sa thải đã lưu bản ghi nhớ về cuộc họp hồi tháng 2/2017 cho thấy Tổng thống Trump đã yêu cầu ông phải khép lại vụ điều tra về cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Michael Flynn.

Những ai biết ông đều nói rằng Mueller là sự lựa chọn lý tưởng.

John Pistole, một cựu Phó Giám đốc FBI dưới thời Mueller, nói: “Bob Mueller là một sự lựa chọn xuất sắc vì ông ấy phi chính trị và tuân theo chế độ pháp quyền, sẵn sàng bám theo bằng chứng dẫn tới bất cứ đâu, bất kể các hệ quả về mặt chính trị”.

Dưới đây là 7 điều đáng lưu ý về vị cựu Giám đốc FBI Robert Mueller:

1. Mueller nổi tiếng đảm nhiệm nhiều vị trí ở khu vực công và tư

Mueller là một luật sư với nền tảng giáo dục tốt, sinh ra ở thành phố New York và lớn lên ở ngoại ô Philadelphia.

Ông có 3 năm làm sĩ quan trong lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ. Ông chỉ huy một trung đội súng trường trong Chiến tranh Việt Nam.

Sau khi lấy bằng đại học, ông đi làm tư một vài năm trước khi có 12 năm làm việc trong các văn phòng chưởng lý Mỹ. Ông sau đó quay lại khu vực tư, rồi trở lại cơ quan nhà nước, phụ trách bộ phận hình sự của Bộ Tư pháp vào năm 1990.

Sau đó ông lại đi làm ở khu vực tư trước khi làm Chưởng lý Mỹ khu vực phía bắc California. Năm 2001 ông được chỉ định làm Giám đốc FBI.

2. Muller đứng đầu FBI lâu hơn bất cứ ai khác từ thời Hoover

Sau khi Tổng thống Mỹ George W. Bush chỉ định ông làm người đứng đầu cơ quan thực thi pháp luật của Bộ Tư pháp vào năm 2001, ông Mueller đã phục vụ suốt ở đây cho tới năm 2013, vượt quá giới hạn phổ biến là 10 năm dành cho các giám đốc FBI – quy định này được đặt ra nhằm ngăn ngừa tình trạng ngự trị FBI trong thời gian dài tới 50 năm như trường hợp ông J. Edgar Hoover.

Ông Mueller tại trụ sở Quốc hội Mỹ. Ảnh: AP.
Ông Mueller tại trụ sở Quốc hội Mỹ. Ảnh: AP.

Tổng thống Mỹ Obama tuyên bố, sự liên tục và ổn định là cần thiết tại FBI vào lúc đó, khi nước Mỹ đối mặt với liên tiếp các mối đe dọa an ninh, còn Bộ Quốc phòng và Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ thì có những thay đổi trong ban lãnh đạo.

Thượng viện Mỹ nhất trí phê chuẩn việc mở rộng nhiệm kỳ của Mueller. Người kế nhiệm ông là Comey vào tháng 9/2013.

3. Mueller được nhiều người ca ngợi là đã chuyển đổi được FBI

Ông Mueller lên nắm quyền lãnh đạo FBI vào thời điểm chỉ vài tuần trước khi các kẻ không tặc liều chết ép máy bay thương mại lao thẳng vào Trung tâm Thương mại Thế giới và Lầu Năm Góc vào ngày 11/9/2001.

Trong giai đoạn khó khăn ngay sau đó, ông được người ta ghi nhận là đã chuyển đổi thành công cơ quan này từ một cơ quan thuần túy thực thi pháp luật thành một tổ chức theo hướng tình báo để chủ động đối phó với mối đe dọa khủng bố rất lớn khi ấy.

Chính mệnh lệnh ngắn gọn của Tổng thống George W. Bush sau sự kiện 11/9 – “Đừng để chuyện này tái diễn”, đã hối thúc Mueller cải tổ FBI thành một cơ quan chủ động ngăn chặn thay vì chỉ phản ứng sau khi xảy ra tấn công khủng bố.

Cựu Bộ trưởng Tư pháp Mỹ John Ashcroft hồi năm 2013 nói rằng Mueller đã đưa ra một không khí “hoàn toàn liêm khiết” khởi đầu cho việc khôi phục lại vị thế của FBI vào thời khắc quan trọng. Cựu Bộ trưởng An ninh Nội địa Michael Chertoff dự đoán Mueller sẽ được người đời biết đến với tư cách là “vị giám đốc có sức chuyển đổi nhất trong lịch sử FBI từ thời Hoover”.

4. Mueller không thích xuất hiện nhiều trước ống kính truyền thông

Lãnh đạo cơ quan thực thi pháp luật nổi bật nhất trong thời khắc đặc biệt của lịch sử Mỹ nhưng ông Mueller luôn cố gắng tránh sự chú ý của công chúng mỗi khi có thể. Ông không đi cùng một đoàn tùy tùng, hiếm khi nán lại trả lời phỏng vấn truyền thông và nổi tiếng về thời gian làm việc kéo dài, thường bắt đầu công việc trước hoàng hôn và chỉ rời công sở khi đã tối.

Ông Mueller (trái) và ông James Comey năm 2013. Ảnh: AP.
Ông Mueller (trái) và ông James Comey năm 2013. Ảnh: AP.

Pistole, cựu Phó của Mueller nhận xét: “Ông ấy để cho công việc của ông ấy cũng như cơ quan ông ấy tự nói lên mọi thứ”.

5. Khoảnh khắc đáng nhớ của Mueller

Có lẽ sự cố kỳ lạ nhất trong nhiệm kỳ FBI của Robert Mueller là vào đêm 4/3/2004.

Đêm đó cả Mueller và James Comey, khi đó làm Phó cho Bộ trưởng Tư pháp John D. Ashcoft, đã phải chạy xe thật nhanh, cùng tiếng còi hụ, tới khoa hồi sức cấp cứu của bệnh viện nơi ông Ashcroft điều trị.

Họ được rỉ tai rằng Cố vấn Nhà Trắng Albert Gonzales và Chánh văn phòng của Tổng thống George W. Bush là Andrew Card, cũng đang trên đường tới bệnh viện để cố gắng thuyết phục Ashcroft cho phép áp dụng trở lại chương trình theo dõi nội địa của Tổng thống Bush, mà Bộ Tư pháp vừa quyết định là bất hợp pháp.

Mueller và Comey giành chiến thắng trong cuộc đua này. Ashcroft khi đó vẫn có thể nhấc đầu lên và nói. Ông đã từ chối ký vào các văn bản mà Gonzales và Card mang theo tới bệnh viện.

6. Mueller điều tra vụ Liên đoàn Bóng bầu dục Quốc gia Mỹ

Kể cả lúc nghỉ hưu, Mueller vẫn được các tổ chức nhờ cậy.

Năm 2014, Liên đoàn Bóng bầu dục Mỹ (NFL) nhờ Mueller tiến hành điều tra độc lập các cáo buộc rằng quan chức của liên đoàn đã nhận được và xem một đoạn video ghi cảnh hậu vệ đội Baltimore Ravens là Ray Rice đã đánh đập vị hôn thê của mình (Janay Palmer) tại một sòng bạc ở thành phố Atlantic vào tháng 2 năm đó.

Mueller đã được huy động sau khi NFL treo giò Rice trong 2 trận đấu, nhưng đó là trước khi đoạn video bạo lực kia xuất hiện trên trang web TMZ, khiến cho công chúng toàn quốc nổi giận và cáo buộc NFL đã cố dìm bằng chứng để bảo vệ một trong các ngôi sao của họ. Khi  đoạn video được công bố, Ủy viên NFL đã đình chỉ vô thời hạn hoạt động thi đấu của Rice.

Sau một cuộc điều tra kéo dài 4 tháng, Mueller kết luận rằng không ai tại trụ sở NFL đã nhận được hoặc xem lại đoạn băng nói trên trước khi có hình phạt đầu tiên với Rice bất chấp một bản tin của hãng AP cho biết một phụ nữ giấu tên tại văn phòng Liên đoàn Bóng bầu dục ở thành phố New York đã thừa nhận có nhận được clip này.

Nhưng mặt khác, cựu Giám đốc FBI cũng tuyên bố rằng “có thông tin đáng kể về vụ việc mà lẽ ra với thông tin đó, Liên đoàn phải nhận ra nhu cầu cần điều tra kỹ càng hơn nữa”, mà điều này có thể sẽ khiến video xuất hiện sớm hơn.

7. Tính chính trực của Mueller được đề cập tiếp trong vụ túi khí ô tô

Tháng trước, một thẩm phán tòa án liên bang Mỹ đã chỉ định Mueller đóng vai trò“thầy đặc biệt” và giám sát việc giải ngân gần 1 tỷ USD đền bù trong vụ tập đoàn Takata liên quan đến các túi khí bị lỗi của ô tô.

Hãng Takata thừa nhận phạm lỗi gian dối trong sản xuất. Đã có ít nhất 11 ca tử vong và 180 trường hợp bị thương ở Mỹ liên quan tới các túi khí khiếm khuyết. Trong vụ này, người ta đã phải thu hồi 70 triệu túi khí trong 42 triệu xe ô tô ở Mỹ.

Thẩm phán George Steeh viết trong mệnh lệnh của mình vào tháng 4 rằng ông đã chọn Mueller một phần là do Tòa cảm thấy thoải mái và tin tưởng với phẩm chất trong sạch vững vàng của ông, và do kinh nghiệm của ông phù hợp với việc đàm phán dàn xếp sự cố, ông quen với ngành ô tô nói chung, cũng như do danh tiếng liêm khiết của ông.

Mueller từng được gọi là “bậc thầy dàn xếp” trong vụ thương lượng năm 2016 về vụ bê bối khí thải của động cơ diesel hang xe Volkswagen./.

Theo Trung Hiếu/VOV.VN (Dịch từ USA Today)

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh