Chính sách đền bù thiệt hại dân sự của Mỹ ở Afghanistan không theo quy chuẩn đang gây ra không ít tranh cãi.
Chính sách đền bù thiệt hại dân sự của Mỹ ở Afghanistan không theo quy chuẩn đang gây ra không ít tranh cãi.
Reuters dẫn thông tin từ hồ sơ quân sự của Mỹ cho thấy, tháng 3/2014, quân đội Mỹ đã trả một người dân Afghanistan hơn 1.000 USD để bồi thường cho việc con trai của người này, là một dân thường vô tội không may thiệt mạng trong chiến dịch quân sự gần biên giới với Iran.
Người dân Afghanistan thu nhặt đồ đạc sau khi căn nhà của họ bị phá nát vì một cuộc tấn công. (Ảnh: AFP) |
Sáu tháng sau, một người cha Afghanistan khác đã nhận được 10.000 USD từ quân đội Mỹ sau khi con trai ông, cũng là một người dân bình thường thiệt mạng trong một chiến dịch quân sự do người Mỹ dẫn đầu, cùng địa bàn với trường hợp trên.
Trong khi đó, ông Haji Allah Dad, 68 tuổi, người đã mất tổng cộng 20 người thân, trong đó có anh trai và chị dâu của ông trong một chiến dịch đặc biệt có sự tham gia của quân đội Mỹ và quân đội Afghanistan gần thành phố Kunduz hồi tháng 11/2016 lại không nhận được bất kỳ khoản tiền nào từ quân đội Mỹ mà chỉ nhận được cam kết bồi thường từ Chính phủ Afghanistan.
Mỹ không có quy chuẩn đền bù dân sự ở Afghanistan
Gần 16 năm sau khi phát động chiến dịch quân sự ở Afghanistan, Mỹ cho đến nay không có quy chuẩn đối với việc trả tiền bồi thường cho gia đình của hàng nghìn thường dân Afghanistan không may thiệt mạng hoặc bị thương vì hoạt động quân sự của liên quân do Mỹ dẫn đầu.
Ban đầu, Mỹ trả tiền bồi thường cho gia đình của các nạn nhân bỏ mạng vì hoạt động quân sự của nước này ở Afghanistan như là cách để chống lại các chiến binh Taliban – lực lượng đang làm điều tương tự.
Tuy vậy, cách tiếp cận của Mỹ đối với việc bồi thường bị cho là “tùy tiện” khi luôn cố gắng thương lượng “mức giá” tùy thuộc vào “mức độ nhạy cảm” của mỗi trường hợp. Các nhà hoạt động dân sự cho rằng, cách làm này là không công bằng và dễ gây nhầm lẫn cho một bộ phận người dân Afghanistan vốn sống trong nghèo đói và thất học.
Lầu Năm Góc từng cho biết, Quân đội Mỹ không cố định mức chi trả cho những trường hợp dân thường thiệt mạng ở Afghanistan bởi các chỉ huy trực tiếp trên thực địa mới là những người có cái nhìn chính xác về từng trường hợp cụ thể.
“Các chỉ huy của Mỹ tham chiến trên thực địa được trao quyền để đưa ra quyết định liên quan đến bồi thường vì họ có sự hiểu biết sâu sắc nhất về những yếu tố và tình tiết liên quan”, người phát ngôn Lầu Năm Góc Adam Stump nói.
Theo Trung tâm hỗ trợ dân thường trong xung đột (CCC), Mỹ bắt đầu thực hiện thanh toán bồi thường cho dân thường Afghanistan không may thiệt mạng vì chiến sự vào năm 2005 sau khi nhận ra việc Taliban tìm cách gây ảnh hưởng, tạo hình ảnh thiện chí bằng cách chi tiền hỗ trợ cho người dân sau những cuộc không kích chết người của máy bay liên quân.
Theo luật pháp quốc tế và luật pháp Mỹ, Washington không phải bồi thường cho người dân nước sở tại không may thiệt mạng vì các hoạt động quân sự do Mỹ và liên quân tiến hành. Tuy nhiên, Mỹ từng làm điều này trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên vào những năm 1950. Mỹ cũng chi trả tiền bồi thường cho một số trường hợp thương vong dân sự ở Iraq.
Các nhà phê bình cho rằng, việc thiếu các tiêu chí để chi trả tiền bồi thường cũng đồng nghĩa với việc các nạn nhân dân sự ở Afghanistan không được đối xử một cách bình đẳng.
Trong bối cảnh Tư lệnh cấp cao của Mỹ ở Afghanistan nói rằng, họ cần thêm vài nghìn quân để phá vỡ thế bế tắc với Taliban, Giám đốc CCC Marla Keenan cảnh báo: “Thật đáng lo ngại khi chúng ta nói về việc tăng cường hoạt động quân sự mà không có các quy chuẩn để chi trả bồi thường khi xảy ra sự cố”.
“Một người đàn ông ở Kandahar có thể nhận được 4.000 USD bồi thường cho chiếc xe bị hư hại trong khi một phụ nữ ở Gardez chỉ được nhận 1.000 USD bồi thường cho sự ra đi vĩnh viễn của con bà”, bà Keenan nói.
Không có quy chuẩn, chính sách bồi thường của Mỹ gây bức xúc
Theo tài liệu quân sự của Mỹ do Reuters thu thập được, các lực lượng Mỹ đã trả cho những gia đình Afghanistan có thân nhân thương vong vì hoạt động quân sự khoảng 1,2 triệu USD. Cụ thể, có 101 trường hợp thiệt mạng và 270 người khác bị thương trong giai đoạn 2013 – 2016 nhận được tiền đền bù.
Hầu như tất cả các nạn nhân trong danh sách nhận tiền đền bù là dân thường, chỉ có 5 trường hợp nhận tiền thanh toán là thành viên Chính phủ Afghanistan. Điều đáng nói là số tiền thanh toán, thậm chí trong những trường hợp tương tự cũng khác nhau.
“Điều này cho thấy mỗi đơn vị đang thiết lập chính sách đền bù của riêng mình và không có thủ tục điều hành quy chuẩn (hoặc thậm chí là hướng dẫn tài chính) trong quân đội để thực hiện chi trả bồi thường”, bà Keenan nói.
Trong trường hợp của ông Haji Allah Dad, tiền đền bù không được lấy từ túi của Quân đội Mỹ mà là từ túi của Chính phủ Afghanistan. Mặc dù vậy, ông Allah Dad nói rằng, Mỹ cũng nên có trách nhiệm khi gây ra thương vong dân sự.
“Người Mỹ phải chịu trách nhiệm về những gì họ làm và phải bồi thường cho tất cả những trường hợp không may thiệt mạng trong các vụ tấn công”, Allah Dad cũng cho biết thêm rằng, ngoài những người thiệt mạng còn có 9 người khác bị thương và cho đến nay ông vẫn chưa nhận được khoản tiền đền bù như Chính phủ Afghanistan hứa hẹn.
Khi được hỏi về trường hợp của ông Allah Dad, Lầu Năm Góc từ chối đưa ra bình luận về từng trường hợp cụ thể trong khi chính quyền địa phương ở Kunduz xác nhận vụ việc này cũng như những khoản bồi thường cho thân nhân của ông Allah Dad.
Một trong những trường hợp bồi thường được nhiều người được biết đến nhất chính là nỗ lực khắc phục hậu quả của chính quyền Mỹ sau vụ không kích hồi năm 2015 phá hủy một bệnh viện ở Kunduz làm 42 người thiệt mạng và 37 người bị thương.
Vụ việc đã nhận được sự quan tâm chú ý của truyền thông quốc tế và của cá nhân Tổng thống Mỹ khi đó là ông Obama.
Một cựu quan chức cấp cao của Nhà Trắng chia sẻ: “Cá nhân Tổng thống quan tâm đến vụ việc ở Kunduz và đó là lý do tại sao chúng tôi quan tâm”, và nói thêm rằng, rất hiếm khi các quan chức cấp cao ở Washington có thể can thiệp vào việc bồi thường thương vong dân sự ở Afghanistan.
Đối với trường hợp này, trung bình Mỹ đã bỏ ra 3.000 USD cho mỗi người bị thương và 6.000 USD cho những người bị thiệt mạng.
“Chúng tôi hiểu rằng, không một khoản tiền nào có thể bù đắp được cho sự đau khổ khi mất đi người thân”, Đại tá Bill Salvin, người phát ngôn của các lực lượng Mỹ tại Afghanistan nói.
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, tuyên bố mang nhiều màu sắc ngoại giao của ông Salvin không thể che giấu một thực tế, đó là việc chi trả bồi thường dân sự của Mỹ ở Afghanistan đang gặp nhiều hạn chế và cần phải thay đổi để phù hợp hơn với tình hình hiện nay. /.
Theo Hùng Cường/VOV.VN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin