Sắc lệnh cấm người nhập cư từ 7 quốc gia Hồi giáo vào Mỹ của Tổng thống Donald Trump đang phải đối mặt với thách thức từ hệ thống tư pháp Mỹ.
Sắc lệnh cấm người nhập cư từ 7 quốc gia Hồi giáo vào Mỹ của Tổng thống Donald Trump đang phải đối mặt với thách thức từ hệ thống tư pháp Mỹ.
Rắc rối từ các tòa án liên bang
Theo USA Today, bằng việc ra phán quyết ngăn chặn Chính phủ Mỹ thực hiện sắc lệnh của Tổng thống Donald Trump vào ngày 3/2, một Thẩm phán liên bang tại bang Washington đã chính thức thiết lập một tiến trình pháp lý được cho là “đứng về phía các nhóm ủng hộ người nhập cư” và những đối thủ muốn chống lại sắc lệnh cấm người nhập cư vào Mỹ của ông Trump.
Tổng thống Donald Trump quyết bảo vệ đến cùng chính sách cứng rắn chống lại người nhập cư trái phép của mình. Ảnh: AP |
Một ngày sau, chính quyền của ông Trump chính thức tuyên bố kháng cáo lên Tòa Phúc thẩm số 9. Trước đó cùng ngày, chính Tòa Phúc thẩm này đã bác yêu cầu của Bộ Tư pháp Mỹ về việc ngay lập tức tái thực thi sắc lệnh cấm người nhập cư của ông Donald Trump và yêu cầu Bộ Tư pháp đệ trình quan điểm phản đối của mình để Tòa xem xét vào chiều 6/2 tới.
Tòa Phúc thẩm số 9 có trụ sở tại San Francisco được coi là một trong những tòa án có tư tưởng tự do nhất tại Mỹ với 18 thẩm phán do các Tổng thống thuộc Đảng Dân chủ chỉ định và 7 do các Tổng thống thuộc Đảng Cộng hòa.
Chính vì thế, một kết quả dù chỉ có lợi chút ít cho ông Trump cũng là “một điều dường như bất khả thi” nếu chính quyền của ông quyết định kháng cáo lên Tòa này.
Ngay từ đầu, Thẩm phán James Robart thuộc Tòa Phúc thẩm số 9 đã có quan điểm chống lại ông Trump đến cùng. Trong phán quyết dài 7 trang của mình, Thẩm phán James Robart nhấn mạnh: “Nhiều bang sẽ phải đối mặt với những tổn thất không thể bù đắp nổi từ lệnh cấm của ông Trump”.
Theo các chuyên gia, 2 bang chính mà ông Robart muốn đề cập chính là Washington và Minnesota - những bang đang theo đuổi vụ kiện chống lại sắc lệnh của Tổng thống Mỹ.
Các chuyên gia ước tính, phán quyết của ông Robart đã khiến Bộ An ninh Nội địa Mỹ phải cấp lại khoảng 60.000 visa mà họ đã hủy bỏ sau sắc lệnh của ông Trump có hiệu lực ngày 27/1.
Tuy nhiên, mọi chuyện trở nên phức tạp hơn khi một Tòa án tại Boston ra phát quyết khẳng định, ông Trump đã hành xử đúng luật và có quyền đưa ra sắc lệnh cấm người nhập cư.
Tổng thống Trump sẵn sàng đối đầu với cả hệ thống tư pháp
Tổng thống Trump và Thư ký báo chí Nhà Trắng Sean Spiccer ngày 4/2 đều có những lời lẽ gay gắt nhằm vào ông Robart. Ông Trump mỉa mai ông Robart là “người được gọi là thẩm phán” với “những phát quyết lố bịch sẽ phải bị đảo ngược”.
Tổng thống Trump cũng nói thêm rằng: “Đất nước ta sẽ đi về đâu khi một Thẩm phán có quyền dừng lệnh cấm nhập cảnh của Bộ An ninh Nội địa để cho bất kỳ kẻ nào, kể cả những kẻ có ý đồ xấu có thể xâm nhập vào Mỹ?”.
Trong khi đó, ông Spicer gọi phán quyết của ông Robart là “một sự xỉ nhục” dù sau đó đã xóa cụm từ trong ngoặc kép đi. Mọi chuyện tiếp tục trở nên căng thẳng hơn khi ông Trump sau đó lên tiếng rằng, “những kẻ tồi tệ đang rất hân hoan” vì ông Robart bãi bỏ lệnh cấm nhập cư.
Nếu không chấp thuận phán quyết từ Tòa Phúc thẩm - cụ thể là từ ông Robart - và quyết định đưa vụ việc này lên Tòa án Tối cao, ông Trump sẽ cần ít nhất 5 trong tổng số 8 thẩm phán tại Tòa án Tối cao ủng hộ mình mới có thể “đảo ngược” được phán quyết của ông Robart.
Hiện 8 thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ được “chia đều” cho 2 phe bảo thủ [ủng hộ Đảng Cộng hòa] và tự do [ủng hộ Đảng Dân chủ]. Chính vì thế, việc ông Neil Gorsuch - người được ông Trump lựa chọn làm chánh án thay cho ông Antonin Scalia đã qua đời - có được chấp thuận hay không được cho là sẽ “quyết định thành bại” cho mọi tính toán của ông Trump.
“Sửa sai” từ thời Tổng thống Barack Obama
Nhà Trắng đã lên tiếng bảo vệ sắc lệnh của Tổng thống Trump là nhằm “nhổ tận gốc” những kẻ có khả năng gây ra nguy hiểm cho nước Mỹ. Các trợ lý của ông Trump chỉ ra 124 trường hợp người nhập cư trái phép từ năm 2010 - 2015 dưới thời Tổng thống Obama được các cơ quan nhập cư Mỹ thả ra sau đó đã phạm tội giết người.
“Ưu tiên của chúng tôi không phải là đẩy 6 triệu người nhập cư bất hợp pháp ra khỏi Mỹ mà là khiến những tên tội phạm nguy hiểm lẩn lút trong 6 triệu người đó không thể lẩn trốn được nữa”, một quan chức Nhà Trắng tuyên bố.
“Chúng tôi từng phải trải qua giai đoạn mà các quan chức xuất nhập cảnh không được phép thực hiện bất kỳ biện pháp nào nhằm bảo đảm an ninh chung và họ “bị trói chân trói tay rất chặt”, vẫn theo lời quan chức này.
Sắc lệnh của ông Trump được cho là đã từng được thực hiện dưới thời của Tổng thống George W. Bush nhưng đã bị chính quyền của Tổng thống Barack Obama ngăn chặn.
Tỷ lệ người nhập cư trái phép bị trục xuất dưới thời Tổng thống Obama từ năm 2009-2016 giảm tới 60% so với thời của Tổng thống George W. Bush. Tuy nhiên, xu hướng này nhiều khả năng sẽ bị chặn lại.
“Từ rất lâu rồi, các nhân viên và đặc vụ của các anh không được phép thực hiện nhiệm vụ theo đúng chức trách của mình”, ông Trump tuyên bố với các quan chức xuất nhập cảnh và hải quan ngay sau khi ký sắc lệnh tạm thời cấm người nhập cư vào Mỹ./.
Theo Trần Khánh/VOV.VN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin