Trải nghiệm hãi hùng của người phương Tây với khí độc ở Bắc Kinh

09:01, 27/01/2017

Ô nhiễm không khí ở thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc đặc biệt nghiêm trọng. Khí độc có thể len qua những khe hở nhỏ nhất ở cửa sổ để lọt vào nhà.

 

Thủ đô Bắc Kinh chìm trong khói mù, nhìn từ trên không. Ảnh: Twitter.
Thủ đô Bắc Kinh chìm trong khói mù, nhìn từ trên không. Ảnh: Twitter.

Ô nhiễm không khí ở thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc đặc biệt nghiêm trọng. Khí độc có thể len qua những khe hở nhỏ nhất ở cửa sổ để lọt vào nhà.

Báo điện tử VOV xin giới thiệu bài viết của John Sudworth nói về trải nghiệm không mấy dễ chịu của tác giả này khi phải trốn tránh không khí ô nhiễm nặng ở Bắc Kinh:

Thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc khét tiếng với tình trạng ô nhiễm kinh niên. Ngay cả khi ở trong nhà vẫn khó tìm được không khí sạch.

Chống chọi bằng... băng dính

Sau khi dán băng dính kín các khe cửa sổ, tôi khởi động hệ thống điều hòa. Mục đích rất đơn giản: Che chắn mọi chỗ mà khí độc bên ngoài có thể rò rỉ vào nhà của chúng tôi.

Ngay cả khi chúng tôi lắp 2 lớp kính, điều này cũng không ngăn được khói mù. Các hạt vật chất có đường kính nhỏ hơn 2,5 micron (gọi tắt là PM2,5) vẫn lách được qua các chỗ hổng nhỏ nhất ở khe cửa. Do vậy, giải pháp duy nhất là băng dính.

Cái này giống như việc tái hiện một bộ phim tài liệu những năm 1970 về cách sinh tồn khi xảy ra một thảm họa hạt nhân. Chỉ có điều, cái chúng tôi cố gắng khống chế không phải là phóng xạ, mà là bụi từ các nhiên liệu hóa thạch.

Thiết bị hữu ích nhất trong kho “vũ khí” của chúng tôi là máy theo dõi PM2,5. Chúng tôi có 2 cái, một cái trên lầu và một cái ở tầng trệt. Chúng tôi thường xuyên ngó vào máy này. Kết quả từ máy buộc chúng tôi phải dùng đến biện pháp dính băng.

Khi tôi lần đầu tới Trung Quốc cách đây 5 năm, không có cách nào để theo dõi chất lượng không khí trong nhà. Như mọi người khác, chúng tôi cứ tin đại rằng các máy lọc không khí giúp giải quyết được vấn đề. Nhưng giờ thì đã rõ là không. Hiện nay, chúng tôi rất chật vật trong việc hạ lượng bụi PM2,5 đo được xuống dưới 25 microgram trên một mét khối không khí – mức tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới về an toàn không khí.

Mà đấy là khi nhiều máy lọc không khí đã hoạt động hết công suất. Các bạn hãy hình dung, đó là những chiếc máy giống những cái hộp to đặt ở góc của mỗi căn phòng, có phòng hai máy, và âm thanh hỗn hợp ồn ào phát ra từ các máy này làm cho ta cứ như thể đang sống trong phòng động cơ của một tàu sân bay.

Vấn đề ô nhiễm không khí ở Trung Quốc hiện nay lớn đến mức mà quốc gia này có hơn một triệu ca chết yểu mỗi năm và ở những vùng bị ảnh hưởng nặng nề, tuổi thọ giảm đáng kể, trung bình là giảm đi hơn 5 năm.

Trong những ngày đầu năm 2017, không khí ở Bắc Kinh đặc biệt ô nhiễm nặng và kéo dài. Chất lượng không khí ở thành phố này vượt trên mức 200 microgram phần tử bụi PM2,5 trên một mét khối – gấp nhiều lần giới hạn an toàn tối đa.

 “Bị giam trong nhà”

Những lúc không khí ô nhiễm tệ hại nhất quả thật chẳng khác gì bị quản thúc tại gia. Con cái chúng tôi bị gò ép vào một không gian nhỏ hẹp nhưng dễ thở trong nhà trong nhiều ngày liền.

Trên khắp Trung Quốc, nạn khói mù đã trở thành một chủ đề lớn cho mạng xã hội. Người dân theo dõi chất lượng xấu của không khí thông qua các ứng dụng điện thoại di động.

Một nhóm bà mẹ ở Bắc Kinh, được vũ trang bằng các máy đo PM2,5, lang thang khắp thành phố để tìm kiếm các trung tâm mua sắm hay quán cà phê có thiết bị lọc không khí, rồi chia sẻ các phát hiện của mình trên mạng.

Phải đeo khẩu trang kể cả khi đi bộ ở nội đô Bắc Kinh. Ảnh: Getty.
Phải đeo khẩu trang kể cả khi đi bộ ở nội đô Bắc Kinh. Ảnh: Getty.

Dĩ nhiên, việc con người phụ thuộc vào dầu và than đá đã có từ trước khi Trung Quốc trỗi dậy về kinh tế. Nhưng Trung Quốc cho thiên hạ thấy mức độ xuống cấp môi trường khủng khiếp hơn so với lớp sương mù vàng khè ở London hay Manchester (Anh) vào thập niên 1950.

Vào tháng 12/2016, đám mây khí độc lơ lửng trên đầu Trung Quốc đã mở rộng tới hàng ngàn dặm – đám mây khổng lồ này tích tụ khí từ các nhà máy nhiệt điện sử dụng than và từ khí thải động cơ ô tô, làm cho người dân khó thở và phổi của hàng trăm triệu người bị ảnh hưởng.

Ngày càng có nhiều người Trung Quốc ý thức hơn về thực trạng này và tìm cách bảo vệ sức khỏe của mình. Nhưng nhiều người khác hoặc không biết đầy đủ về mối nguy hiểm này, hoặc không có phương tiện để đối phó hiệu quả.

Một bộ lọc mới dành cho riêng một máy lọc không khí có giá 120 USD hoặc cao hơn, và việc thay bộ lọc này diễn ra khoảng 6 tháng một lần.

Phát triển nhanh và ô nhiễm nặng là một vấn đề nan giải của Trung Quốc. Các điện thoại thông minh, máy tính, màn hình tivi, quần bò và giày dép do Trung Quốc sản xuất tràn ngập thế giới trong nhiều năm qua vì các sản phẩm có giá rẻ, mà một trong các nguyên nhân giá rẻ là do quá trình sản xuất ở đây ít chú ý đến việc bảo vệ môi trường…

Theo Trung Hiếu(VOV.VN/BBC)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh