Thế giới "nín thở" chờ ông Trump xử lý vấn đề hạt nhân Triều Tiên

10:01, 06/01/2017

Cách hành xử của ông Donald Trump đối với vấn đề hạt nhân Triều Tiên là hoàn toàn khác biệt so với nhiều vị Tổng thống Mỹ trước đó.

Cách hành xử của ông Donald Trump đối với vấn đề hạt nhân Triều Tiên là hoàn toàn khác biệt so với nhiều vị Tổng thống Mỹ trước đó.

Theo tờ The Australia, khi lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố trong dịp Năm mới rằng, Triều Tiên sẽ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có khả năng chạm đến đất Mỹ, phản ứng thông thường của các Tổng thống Mỹ là phớt lờ tuyên bố nói trên trong khi ra lệnh cho các tướng lĩnh tìm hiểu về mối đe dọa thực sự từ vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.

Cách thức ông Trump (trái) xử lý vấn đề hạt nhân Triều Tiên được cho là sẽ có nhiều bất ngờ và khác biệt so với các Tổng thống Mỹ trước đó. Ảnh: Reuters
Cách thức ông Trump (trái) xử lý vấn đề hạt nhân Triều Tiên được cho là sẽ có nhiều bất ngờ và khác biệt so với các Tổng thống Mỹ trước đó. Ảnh: Reuters

Hệ lụy khó lường từ những dòng Twitter

Tuy nhiên, đó không phải là cách hành xử của ông Trump, người cho rằng, chỉ 140 ký tự trên Twitter là đủ để truyền tải thông điệp của mình. Ông Trump nhấn mạnh: “Chuyện đó sẽ không thể xảy ra”.

Nhưng tại sao “chuyện đó lại không thể xảy ra?”. Theo các chuyên gia, có thể là do ông Trump sẽ ra lệnh bắn hạ tên lửa do Triều Tiên phóng thử, hoặc có thể là do ông Trump sẽ thuyết phục được Trung Quốc gây sức ép để Triều Tiên không thể thực hiện được điều này.

Tuy nhiên, khả năng thứ 2 dường như đã bị ông Trump bác bỏ với một dòng Twitter khác: “Trung Quốc kiếm bộn tiền từ Mỹ nhờ quan hệ kinh tế kiểu một chiều nhưng lại không giúp Mỹ giải quyết vấn đề Triều Tiên”.

Điều này đẩy nước Mỹ vào một lựa chọn gần như là duy nhất khi phải đối mặt với vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Rõ ràng, sức mạnh của những dòng nội dung trên Twitter trong cuộc bầu cử Mỹ là không thể chối cãi, nhưng việc lạm dụng nó trong cả những vấn đề nhạy cảm như hạt nhân Triều Tiên có thể gây ra những hệ lụy khó lường.

Kể từ thời Tổng thống Ronald Reagan, Mỹ đã cam kết sẽ cắt giảm kho vũ khí hạt nhân cũng như giảm vai trò của vũ khí hạt nhân trong việc giải quyết những vấn đề chính trị toàn cầu. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ ông Trump có “nhất nhất tuân thủ” cam kết đó hay không.

Sức mạnh răn đe hạt nhân của Mỹ đến đâu?

Sức mạnh răn đe hạt nhân của Mỹ luôn là một điều khiến đối thủ của Mỹ phải dè chừng. Những đối thủ này sẽ phải đặt ra những câu hỏi như: “Liệu Mỹ có tấn công chúng ta? Mỹ sẽ phải cân nhắc bao lâu trước khi hành động?”.

Nếu không có câu trả lời chắc chắc cho những câu hỏi nói trên, những đối thủ của Mỹ sẽ phải “chơi bài an toàn” và chấp nhận tiếp tục ẩn nhẫn. Chính vì thế, Mỹ luôn phải thể hiện được ý chí chính trị mạnh mẽ của mình trong việc sẵn sàng phóng tên lửa tấn công nếu cảm thấy bị đe dọa. Hơn thế nữa, Mỹ hoàn toàn có thể dựa vào các đồng minh cũng sở hữu vũ khí hạt nhân khác để bảo vệ lợi ích của mình trên khắp thế giới.

Mọi chuyện càng trở nên phức tạp hơn đối với các đối thủ của Mỹ khi ông Donald Trump chia sẻ trên Twitter của mình rằng: “Mỹ cần phải tăng cường và mở rộng năng lực hạt nhân của mình cho đến khi cả thế giới cảm nhận được năng lực đó”.

Giới tình báo các nước khác sẽ phải đau đầu phân tích ông Trump có toan tính gì khi muốn “tăng cường và mở rộng năng lực hạt nhân”. Liệu ông ấy chỉ muốn hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của Mỹ hay sẽ sắm thêm nhiều loại tên lửa hành trình với sức công phá lớn hơn? Liệu ông ấy có ra lệnh chuyển số đầu đạn hạt nhân từ trạng thái dự trữ sang trạng thái sẵn sàng chiến đấu và thậm chí tăng thêm số đầu đạn hạt nhân?

Không những thế, ông Trump còn khiến các quốc gia khác phải “vò đầu bứt tai” khi tuyên bố rằng, ông rất sẵn lòng tham gia vào một cuộc chạy đua vũ trang. Điều này cho thấy, Tổng thống đắc cử Mỹ rất coi trọng vấn đề hạt nhân Triều Tiên và đây có thể là vấn đề đối ngoại đầu tiên mà ông sẽ phải giải quyết khi lên nhậm chức.

Nhiệm vụ bất khả thi?

Dù vậy, theo giới chuyên gia, ông Trump hoàn toàn có thể “đi vào vết xe đổ” của những Tổng thống Mỹ trước đó khi phải đối mặt với vấn đề hạt nhân Triều Tiên nhất là thái độ thách thức từ nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Ngày 8/1/2016, trong dịp sinh nhật lần thứ 33 của mình, ông Kim Jong-un đã tuyên bố, Triều Tiên đã thử thành công bom khinh khí. Rất có thể, trong dịp sinh nhật năm nay, ông Kim Jong-un sẽ “hoan hỉ” nhận “món quà mới” là một vụ thử hạt nhân lần thứ 6.

Cựu Phó Đại sứ Triều Tiên tại Anh hiện đang trốn sang sống ở Hàn Quốc Thae Yong Ho cho biết: “Chừng nào ông Kim Jong-un còn tại vị, Triều Tiên sẽ không từ bỏ tham vọng hạt nhân của mình dù có phải chi 1.000 tỷ hay 10.000 tỷ USD”.

Hơn thế nữa, trong bối cảnh chính trị Hàn Quốc đang dậy sóng vì việc Tổng thống Park Geun-hye bị luận tội và Mỹ đang bận rộn chuẩn bị cho cuộc chuyển giao quyền lực vào ngày 20/1 tới, ông Kim Jong-un cũng muốn “tạo dấu ấn riêng của mình”.

Chính vì thế, nếu ông Trump không thể đạt được một thỏa thuận cụ thể với ông Kim Jong-un hoặc không thể thuyết phục Trung Quốc gây sức ép với Triều Tiên, ông Trump sẽ phải cân nhắc tiến hành các hành động quân sự cần thiết để răn đe những toan tính của ông Kim Jong-un.

Như vậy có thể thấy rằng, vấn đề hạt nhân Triều Tiên sẽ là “phép thử không thể tốt hơn” đối với chính sách ngoại giao của ông Trump. Đó cũng có thể là thời điểm ông Trump nhận ra rằng, những tuyên bố của mình cần đi kèm với những hành động cụ thể.

Trong trường hợp này, những hành động của ông Trump sẽ không chỉ là việc áp đặt được các quy tắc về hạt nhân đối với Triều Tiên mà còn là việc làm thế nào để hợp tác tốt hơn với Trung Quốc- quốc gia mà ông đã tuyên bố sẽ “quay lưng lại” trước đó./.

Theo VOV.VN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh