Rocket chết người - pháo phản lực "Katyusha" của Nga thời thế kỷ 19

10:01, 31/01/2017

Thế chiến 2, Nga nổi tiếng với dàn phóng pháo phản lực Katyusha trút bão lửa xuống đầu thù. Thế kỷ 19, quân đội Nga cũng từng có rocket đa nòng.

Thế chiến 2, Nga nổi tiếng với dàn phóng pháo phản lực Katyusha trút bão lửa xuống đầu thù. Thế kỷ 19, quân đội Nga cũng từng có rocket đa nòng.

Rocket (tên lửa) là một vũ khí tấn công chủ lực trong kho vũ khí của quân đội hiện đại. Tuy nhiên từ trước thế kỷ 20 vũ khí này đã  từng được sử dụng rộng rãi. Từ đầu thế kỷ 19, quân đội Nga đã đưa ra trận một trong những hệ thống rocket tiên tiến nhất thời đó.

Cận cảnh một dàn phóng rocket Katyusha của Hồng quân Liên Xô. Ảnh: defenceclopedia.
Cận cảnh một dàn phóng rocket Katyusha của Hồng quân Liên Xô. Ảnh: defenceclopedia.

Quay trở lại Chiến tranh Nga-Thổ vào các năm 1828-1829, quân đội Dunaisk của Nga được triển khai trên bán đảo Balkan với 24 đại đội pháo phản lực sử dụng khoảng 10.000 dàn phóng rocket do Alexander Zasyadko người Nga thiết kế.

Đầu đạn của các trái rocket này là đạn nổ văng mảnh hoặc đạn cháy. Rocket phóng từ các bệ đặc biệt theo loạt 36 phát. Pháo phản lực này có tầm bắn lên tới 3km – đây là tiền thân của dàn pháo đa nòng sau này.

Các quả rocket quân sự đời đầu được chế tạo theo kiểu giống pháo hoa hay được sử dụng trong các lễ hội ở châu Âu và châu Á từ thế kỷ 17. Phiên bản quân sự chỉ khác biệt chủ yếu ở kích cỡ lớn hơn, đủ để mang theo khối thuốc nổ nặng.

Phòng thí nghiệm của nhà thiết kế Zasyadko ở Mogilev (nay là Belarus), và sau này là ở Saint Petersburg đã chế tạo rocket với các kích cỡ khác nhau giống những loại đạn sử dụng trong pháo binh thông thường.

Sau các thành công của vũ khí này trên chiến trường trong cuộc chiến với Thổ Nhĩ Kỳ, việc sử dụng rocket được quân đội Nga đẩy mạnh. Tính năng gây cháy nổi trội của rocket đã nhanh chóng đưa các nhà sản xuất vũ khí của Nga tới ý tưởng gắn rocket lên các tàu hải quân.

Konstantin Konstantinov, một nhà thiết kế tài năng, đã có nhiều cải tiến để nâng tầm bắn và độ chính xác của rocket, bằng cách cho rocket xoay trong lúc bay. Điều này đạt được nhờ vào việc bố trí các khe ở bên sườn giúp cho một phần lực cháy của hỗn hợp thuốc súng thoát ra.

Một bước tiến khác giúp hoàn thiện công nghệ tên lửa là các yếu tố nhiên liệu mới cho phép rocket tăng tốc dần dần và do vậy bảo đảm được đường đạn đạo tối ưu và độ ổn định của đường bay.

Các phiên bản được điều chỉnh của rocket Konstatinov trong những năm 1840 có thể đánh trúng mục tiêu ở khoảng cách 4,2km – đây là điều mà các loại pháo nòng trơn thời đó không thể đạt được.

Các thập niên 1830 và 1840, nhà sản xuất rocket quân sự lớn nhất là “Viện Tên lửa Saint Petersburg”. Cơ sở này vào năm 1850 đã chế tạo được 49.000 rocket với các thông số khác nhau.

Ba năm sau đó, vào năm 1853, Chiến tranh Crimea bùng nổ. Xung đột này chứng kiến cả 2 phe Nga và Anh sử dụng rocket trên quy mô lớn. Đặc biệt phía Anh đã huy động tên lửa để bắn phá dữ dội các thành phố Odessa và Sevastopol.

Tuy nhiên, theo ghi chép của Konstantinov trong hồi ký của ông, những yếu kém về đo cự ly và thời gian cần thiết cho hành trình bay đã khiến cho bộ phận kích nổ hoạt động sớm, khiến nhiều quả rocket nổ trên không khi đã tới gần mục tiêu. Theo ông, toàn bố quá trình chế rocket của Anh là có khiếm khuyết.

Trong khi đó, quân Nga đã phản pháo đối phương hiệu quả.

Dàn phóng hỏa tiễn của Nga gồm 6-10 ống phóng được đặt trên xe ngựa kéo giúp triển khai nhanh loại vũ khí cồng kềnh này.

Trong suốt thế kỷ 19, Nga sở hữu một trong các loại rocket tiên tiến nhất của thời kỳ đó. Sau đó xuất hiện loại pháo khương tuyến tầm xa với độ chính xác cao – điều này khiến cho vũ khí rocket tạm thời bị suy giảm. Nhưng sang thế kỷ 20, rocket với tư cách một vũ khí tiến công đã lấy lại vị thế của mình./.

Theo Trung Hiếu/VOV.VN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh