Chính quyền Trump sẽ "mạnh tay" hơn với Trung Quốc tại Biển Đông

02:01, 21/01/2017

Trong số báo đặc biệt ra đúng vào ngày tân Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức, tờ The Washington Times đã đăng bài "Chính quyền Trump hứa hẹn sẽ có hành động mạnh mẽ hơn đối với các hoạt động vi phạm của Trung Quốc ở Biển Đông."

Trong số báo đặc biệt ra đúng vào ngày tân Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức, tờ The Washington Times đã đăng bài "Chính quyền Trump hứa hẹn sẽ có hành động mạnh mẽ hơn đối với các hoạt động vi phạm của Trung Quốc ở Biển Đông."

Theo bài viết, trong bối cảnh tổng thống đắc cử Donald Trump tuyên thệ nhậm chức, cả khu vực Thái Bình Dương, từ Trung Quốc cho tới các quốc gia láng giềng đều ngóng chờ các tín hiệu về chính sách mới đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ. Điều quan trọng là quá trình chuyển giao quyền lực từ chính quyền Tổng thống Obama đã tạo ra cơ hội và triển vọng cho tổng thống đắc cử Donald Trump và Quốc hội do Đảng Cộng hòa kiểm soát giải quyết các tranh chấp lãnh thổ kéo dài ở Biển Đông giữa Trung Quốc và các bên liên quan.

Tại cuộc điều trần gần đây trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, ông Rex Tillerson, người được tân Tổng thống Mỹ Donald Trump đề cử vào vị trí ngoại trưởng, phát biểu rằng việc Trung Quốc tiến hành các hoạt động xây dựng, tôn tạo các đảo/đá tại các khu vực tranh chấp ở Biển Đông là hành động vi phạm, không phù hợp với các chuẩn mực quốc tế. 

Theo ông Tillerson, trước hết, Mỹ nên gửi tới Trung Quốc một thông điệp nêu rõ là các hành động tôn tạo, xây dựng đảo cần được chấm dứt và Trung Quốc không được tiếp cận các đảo này. 

Các chuyên gia dự báo rằng sẽ không có sự thay đổi đối với “chính sách xoay trục châu Á” dưới thời chính quyền mới, các cố vấn của ông Trump cũng đã tái khẳng định rằng họ sẽ tiếp tục chính sách này. 

Thậm chí, đề xuất của tân Tổng thống Donald Trump về việc gia tăng số lượng tàu chiến Mỹ từ con số 272 lên 350 chiếc cũng báo hiệu một sự hiện diện quận sự mạnh mẽ hơn của Mỹ tại khu vực. Điều này phù hợp với lời cam kết trong quá trình tranh cử của ông Donald Trump là “đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại."

Theo bài báo, đây là thông tin tích cực cho các đối tác của Mỹ tại khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines và Việt Nam. Hai thập kỷ sau khi bình thường hóa quan hệ thương mại với Việt Nam, việc Trung Quốc tăng cường thực thi các tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông đã đẩy quan hệ Việt-Mỹ trở nên gần gũi hơn. Biểu hiện là hàng loạt các sự kiện như Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam, hai bên tăng cường các hoạt động giao lưu gặp gỡ giữa các lực lượng hải quân tại thành phố Đà Nẵng và việc trao đổi nhiều đoàn cấp cao giữa hai nước.

Thời gian qua, Trung Quốc đã thực hiện nhiều hành động hung hăng tại Biển Đông. Trên thực tế, nước này đã thường xuyên triển khai hoạt động quân sự tại khu vực này, sử dụng vũ lực chiếm quần đảo Hoàng Sa vào năm 1974, Đá Vành Khăn năm 1995 và bãi cạn Scarborough năm 2012. 

Đặc biệt, Trung Quốc đã ngang ngược tiến hành quân sự hóa tại các đảo tranh chấp ở Biển Đông, tiến hành lắp đặt các loại vũ khí, xây dựng nhà lớn có thể chứa máy bay quân sự...

Hình ảnh máy bay do thám Mỹ chụp được hôm 21/5/2016 cho thấy Trung Quốc bồi đắp trái phép ở Biển Đông. (Nguồn: WSJ)
Hình ảnh máy bay do thám Mỹ chụp được hôm 21/5/2016 cho thấy Trung Quốc bồi đắp trái phép ở Biển Đông. (Nguồn: WSJ)


Ngoài ra, còn có bằng chứng cho thấy Trung Quốc đã tiến hành các hoạt động ngăn cản ngư dân các nước Philippines và Việt Nam tiến hành các hoạt động đánh bắt cá mưu sinh tại các ngư trường truyền thống. Những hành động này của Trung Quốc đang làm gia tăng căng thẳng tại khu vực, đe dọa tới hòa bình và sự ổn định tại Biển Đông.

Chính quyền Trump đã nhiều lần chỉ trích Trung Quốc về các vấn đề thương mại, Biển Đông và khủng hoảng hạt nhân tại bán đảo Triều Tiên. Bên cạnh đó, Mỹ nên quan tâm chú ý hơn tới các hoạt động của Trung Quốc tại khu vực biển gần, bao gồm cả việc Trung Quốc thu hồi thiết bị lặn không người lái của Mỹ, mặc dù sau đó đã trả lại.

Chính quyền Trump nên xem xét thực thi chính sách mới đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương theo hướng ủng hộ nguyên tắc tự do hàng hải tại Biển Đông, nghĩa là cần đảm bảo các quyền, sự tự do đi lại và sử dụng các vùng biển, vùng trời cho tất cả các quốc gia phù hợp với luật pháp quốc tế.

Chính quyền mới cần bảo đảm rằng các hiệp định quân sự với các đối tác ở châu Á đều được tôn trọng, tái khẳng định và ủng hộ sự ổn định tại khu vực dựa trên các quy định của luật pháp quốc tế. Đây là việc làm cần thiết để đấu tranh với các hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc tại các đảo nhân tạo ở Biển Đông. 

Mỹ cần công nhận phán quyết mang tính bước ngoặt của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tại La Hay (Hà Lan) đưa ra hồi tháng 7/2016, trong đó nêu rõ các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông là không có cơ sở về mặt lịch sử và pháp lý. Tuy nhiên, Mỹ vẫn chưa ngăn chặn được các hoạt động tôn tạo, xây dựng và quân sự hóa của Trung Quốc tại các đảo này. 

Theo bài viết, các tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông cần được giải quyết một cách hòa bình, không cưỡng ép, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực và phải phù hợp với luật pháp quốc tế. Chính quyền mới của Mỹ cũng cần tăng cường quan hệ quân sự với Malaysia, Thái Lan và Việt Nam nhằm đối phó với các hành động của Trung Quốc tại khu vực./.

Theo HỮU HOÀNG/NEW YORK (VIETNAM+)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh