Oanh tạc cơ Tu-95MS phóng tên lửa hành trình Kh-101 diệt IS ở Syria

08:11, 23/11/2016

Oanh tạc cơ Tu-95MS cất cánh từ sân bay Engels ở Nga vừa tiến hành phóng tên lửa hành trình Kh-101 để tiêu diệt các mục tiêu IS ở Syria.

Oanh tạc cơ Tu-95MS cất cánh từ sân bay Engels ở Nga vừa tiến hành phóng tên lửa hành trình Kh-101 để tiêu diệt các mục tiêu IS ở Syria.

RBTH dẫn lời Bộ Quốc phòng Nga cho biết, các quả tên lửa phóng đi từ máy bay ném bom chiến lược Tu-95MS đã phá hủy rất nhiều sở chỉ huy, xe thiết giáp và cơ sở sản xuất vũ khí của IS ở khu vực ngoại ô các thành phố Idlib và Homs.

Máy bay ném bom Tu-95MS tấn công mục tiêu IS ở Syria. Ảnh TASS
Máy bay ném bom Tu-95MS tấn công mục tiêu IS ở Syria. Ảnh TASS

Cùng với các máy bay ném bom Tu-95MS, các chiến đấu cơ Su-33 cất cánh từ tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov cũng tham gia chiến dịch không kích nói trên. Những chiếc Su-33 này được tiêm kích Su-30SM yểm trợ.

“Việc phối hợp nhiều loại chiến đấu cơ để tiêu diệt tất cả các mục tiêu của IS được chúng tôi xem xét rất kỹ lưỡng, dựa trên rất nhiều kênh thông tin tình báo khác nhau.

Kết quả của cuộc không kích này được theo dõi chặt chẽ bằng các thiết bị bay không người lái”, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, Thiếu tướng Igor Konashenkov cho biết.

Hướng đánh mới của các máy bay ném bom chiến lược

Trước khi thực hiện vụ phóng tên lửa hành trình Kh-101 nói trên, các máy bay ném bom chiến lược của Nga tham gia chiến dịch không kích IS ở Syria thường chọn cách bay qua Biển Caspian cũng như lãnh thổ Iran và Iraq để tiếp cận mục tiêu.

Tuy nhiên, trong lần không kích mới nhất này, các máy bay Tu-95MS đã bay qua khu vực phía Đông Đại Tây Dương để đến Địa Trung Hải nơi các oanh tạc cơ này phóng tên lửa Kh-101 tiêu diệt IS. Tổng cộng, những chiếc Tu-95MS này đã bay qua quãng đường 11.000km với 2 lần tiếp nhiên liệu trên không.

Theo Giám đốc Tập đoàn Kulon Pavel Bulat quyết định tăng gấp đôi chặng đường bay từ Nga đến Syria so với trước đây của các oanh tạc cơ Nga để tham gia tiêu diệt IS là một quyết định rất khó khăn nhưng cực kỳ tinh tế.

“Không quân Nga đang muốn thử thách năng lực của các máy bay chiến lược trong trường hợp cần điều động họ đến các vị trí nằm rất xa Nga. Các máy bay chiến lược này cần phải đảm bảo rằng phi công lái những chiếc máy bay này có thể đến bất kỳ nơi nào cần thiết”, ông Bulat giải thích.

Trong khi đó, Chủ tịch Trung tâm Phân tích Địa Chính trị Quốc tế, Tướng đã nghỉ hưu Leonid Ivashov nhấn mạnh, Nga không muốn cũng như không thể đưa toàn bộ lực lượng máy bay chiến lược đến Syria.

“Căn cứ Không quân Khmeimim ở Syria hiện đang được sử dụng cho các loại chiến đấu cơ khác không thích hợp cho các loại máy bay ném bom chiến lược. Đường băng của căn cứ này quá ngắn và cơ sở hạ tầng tại đây cũng không đảm bảo”, ông Ivashov nói.

Tại sao oanh tạc cơ Tu-95SM phải xuất kích?

Theo ông Pavel Bulat, các cuộc không kích mới nhất của Nga tại Syria cho thấy, Nga muốn đảm bảo khả năng phối hợp tấn công cùng lúc mọi mục tiêu mà họ phát hiện được.

“Đó chính là lúc các máy bay ném bom chiến lược xuất kích. Có một thuật ngữ quân sự cho chiến lược này, đó là “tấn công diện rộng từ trên không”. Điều này sẽ gây ra rối loạn trong tổ chức của địch và tạo ra ưu thế đáng kể cho bộ binh Syria”, ông Bulat giải thích.

Sức mạnh đáng nể của tên lửa hành trình Kh-101

T-95MS là một trong những loại máy bay ném bom tầm xa chiến lược có thể mang theo tên lửa hành trình Kh-101 tối tân của Nga.

RBTH dẫn lời một quan chức quốc phòng Nga cho biết: “Kh-101 là tên lửa hành trình siêu thanh có tầm hoạt động lên đến 5.000km và lên đến độ cao tối đa 10.000km. Đầu đạn gắn trên quả tên lửa này nặng khoảng 400kg”. Cũng theo quan chức Nga, Nga hiện đang sở hữu phiên bản mang đầu đạn hạt nhân của tên lửa hành trình Kh-101 với tên gọi Kh-102.

“Loại tên lửa tương đương với Kh-101 là tên lửa tầm xa AGM-129. Cũng như Kh-101, AGM-129 được trang bị hệ thống định vị toàn cầu và hệ thống dẫn đường theo quán tính.

Chiến đấu cơ Su-33 cũng được nâng cấp

Theo nguồn tin từ RBHT, chiến đấu cơ Su-33 của Nga tham chiến tại Syria cũng được trang bị hệ thống ngắm mới có độ chính xác cực cao mang tên SVP-24 sử dụng cho các loại tên lửa không dẫn đường.

Hệ thống này giúp tăng cường đáng kể độ chính xác của các cuộc không kích của Nga và tránh gây ra tổn thất cho thường dân tại Syria.

Theo đó, hệ thống này sẽ tự động điều chỉnh quỹ đạo của tên lửa dựa trên vị trí mục tiêu muốn tiêu diệt và các thông số bay của chiến đấu cơ Su-33. Hơn thế nữa, hệ thống SVP-24 chỉ chiếm một diện tích rất nhỏ so với các thiết bị khác trên máy bay./.

Theo Trần Khánh/VOV.VN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh