Nhật Bản, Philippines sẽ tiến tới quan hệ đồng minh thân thiết?

09:11, 11/11/2016

Với chuyến thăm của Tổng thống Duterte, dư luận đang hết sức chú ý đến quan hệ giữa Nhật Bản và Philippines trong lĩnh vực quốc phòng.

Với chuyến thăm của Tổng thống Duterte, dư luận đang hết sức chú ý đến quan hệ giữa Nhật Bản và Philippines trong lĩnh vực quốc phòng.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã tới Nhật Bản bắt đầu chuyến thăm chính thức nước này từ 25-27/10.

Tổng thống Duterte tới sân bay Haneda, Nhật Bản. Ảnh: Reuters.
Tổng thống Duterte tới sân bay Haneda, Nhật Bản. Ảnh: Reuters.

Đây là chuyến thăm Nhật Bản đầu tiên của ông Duterte kể từ sau khi nhậm chức Tổng thống Philippines. Theo thông tin từ chính phủ Nhật Bản, tối 25/10 ông Duterte đã được mời thưởng thức món ăn truyền thống Nhật Bản và uống rượu Nhật Bản được sản xuất từ vùng rượu nổi tiếng Hiroshima.

Ông Duterte là người vốn thích món ăn Nhật Bản. Và có lẽ ông sẽ khó cưỡng sự hấp dẫn từ Nhật Bản.

Hấp dẫn của viện trợ kinh tế

Hiện nay, vượt Mỹ, Nhật Bản là nước cung cấp viện trợ phát triển hàng đầu, đối tác thương mại và nhà đầu tư nước ngoài quan trọng nhất của Philippines.

Nhật Bản và Philippines mới đây đã ký kết một thỏa thuận quốc phòng cho phép Tokyo cung cấp thiết bị và công nghệ quân sự cho Manila.

Nhật Bản dự kiến sẽ đóng một vai trò quan trọng hơn trong việc nâng cấp cơ sở hạ tầng của Philippines. Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) vừa đề xuất một “Kế hoạch trong mơ” trị giá 57 tỷ USD để giải quyết tình trạng tắc nghẽn giao thông của hệ thống tàu điện ngầm Manila.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe có thể sẽ đề nghị cho Philippines vay 5 tỷ yên (tương đương 48,2 triệu USD) trong cuộc gặp với Tổng thống Rodrigo Duterte.

Và chỉ ít giờ nữa thôi là chúng ta cũng có thể biết kết quả Manila có được nhận khoản vay này hay không? Điều này cũng sẽ khiến cục diện quan hệ hai nước sang một giai đoạn mới.

Mục tiêu của gói hỗ trợ tài chính là giúp Philippines xây dựng và phát triển ngành nông nghiệp ở hòn đảo phía nam Mindanao, quê hương của Tổng thống Duterte. 

Trước đó, trong chuyến thăm Trung Quốc, Tổng thống Duterte đã được Trung Quốc cam kết sẽ đầu tư khoảng 24 tỷ USD. Số tiền rất lớn, nhưng so với những kế hoạch mà Nhật Bản đưa ra với Philippines, con số 24 tỷ USD vẫn chưa thấm tháp vào đâu so với tiền đầu tư của Nhật Bản. Nhưng có lẽ Philippines đang cần cả hai nguồn này cho phát triển.

Như vậy, đồng thời với việc xây dựng đồng minh thương mại với Trung Quốc, Philippines cũng sẽ khó có thể thờ ơ với những khoản vay của Nhật Bản. Có thể hoạt động thương mại hai nước không những không bị ảnh hưởng bởi yếu tố Trung Quốc mà có lẽ còn sôi nổi hơn sau chuyến thăm này.

Sự ràng buộc trong mối quan hệ giữa Philippines và Nhật, Mỹ, Trung

Nhà nghiên cứu quân sự Okada Synji cho rằng, với những thỏa thuận giữa hai bên như: lực lượng quân đội Nhật sẽ được phái cử sang Philippines, tập trận chung thường niên giữa quân đội hai nước, Nhật cung cấp viện trợ không hoàn lại 10 chiếc tàu tuần tiễu mới cho Philippines, quan hệ hai nước có thể gọi là đồng minh hay không? Đó là điều mà dư luận đang quan tâm.

Nhưng nếu nói một cách lạc quan thì Philippines đang mâu thuẫn. Như vậy việc Philippines là nước đồng minh của Nhật thì khó có thể tin nổi.

Trong trường hợp Philippines hòa giải với Trung Quốc, mối quan hệ hợp tác giữa Nhật Bản và Trung Quốc trở nên bớt căng thẳng, thì việc Philippines nhận tàu tuần tiễu của Nhật Bản vô tình sẽ trở thành “sự cản trở” trong kế hoạch đối kháng với Trung Quốc của cả ba bên.

Kể từ khi trở thành Tổng thống của Philippines, ông Rodrigo Duterte đã có chủ trương mở  rộng quan hệ kinh tế với Trung Quốc, trấn áp tội phạm ma túy.

Theo đó, ông đã ra lệnh giết 1.830 người có liên quan đến ma túy và đến thời điểm hiện tại phòng trào này chưa thể coi là đã chấm dứt.

Với những việc làm trên, Tổng thống Mỹ Barack Obama phê phán ông Rodrigo Duterte đã vi phạm nghiêm trọng nhân quyền.

Đáp trả tuyên bố của Mỹ, ông Rodrigo Duterte  tuyên bố không tiếp nhận sự có mặt của quân đội Mỹ tại Manila, “không muốn tham gia vào hành vi gây đối địch” trong vấn đề Biển Đông, cảnh báo Tổng thống Mỹ có thể “đi vào địa ngục”… 

Trên thực tế,vào năm 1951, Hiệp ước Hợp tác quốc phòng Mỹ-Philippines đã được ký kết và vẫn kéo dài tới thời điểm hiện tại.

Nhưng vào thời điểm năm 1991, Thượng viện Philippines đã bác bỏ sự hiện diện của căn cứ Hải quân Mỹ tại Vịnh Subic, và năm 1992 quân Mỹ đã phải rút khỏi khu vực này.

Hơn thế nữa, Hiến pháp của Philippines năm 1987 đã không thừa nhận sự hiện diện của quân đội nước ngoài trên nguyên tắc.

Trong trường hợp ngoại lệ phải có sự phê chuẩn của Thượng viện. Nhưng Chính phủ Manila từ năm 2002 đã cho phép quân đội Mỹ hiện diện tại Mindanao với mục đích “đấu tranh chống khủng bố”.

Tháng 4/2014, Chính quyền thân Mỹ của Tổng thống Aquino đã ký Hiệp định tăng cường hợp tác quân đội thừa nhận sự tồn tại của quân Mỹ tại Philippines.

Và quân đội Mỹ đã được thay thế mới với lý do “Không hiện diện tại Philippines vĩnh viễn”.

Theo đó, Philippines mặc dù đã yêu cầu Mỹ viện trợ cho Hải quân nước mình, nhưng do khó khăn về tài chính, Mỹ chỉ có thể cung cấp 1 chiếc tàu tuần tiễu cũ đã sử dụng 47 năm và 1 tàu chống hải tặc có 20 năm tuổi.

Mỹ nhân dịp này đã “có lời” đề nghị với Nhật Bản làm trung gian giúp Philippines một tay.

Nhật Bản đã đồng ý đề nghị của Mỹ, giúp Philippines đào tạo lực lượng hải quân của Manila. Đồng thời Nhật cũng hối thúc Manila tái thừa nhận sử dụng căn cứ quân sự của Mỹ, mục đích nhằm kiềm chế hoạt động của Trung Quốc đang mở rộng ra Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, sau thời kỳ thân Mỹ của chính quyền ông Aquino, khi ông Duterte lên nắm quyền, thể chế của Manila đã khác, chuyển sang tình trạng muốn “thoái” Mỹ thân Trung.

Có thể nói Philippines đang đi những bước khác so với những giai đoạn trước, khiến các bên liên quan sẽ phải thay đổi lập trường cũng như chiến thuật. Song dường như mối quan hệ Philippines và các nước Nhật, Mỹ, Trung Quốc sẽ còn có những thay đổi.

Sự cản trở trong hợp tác quốc phòng

Việc tăng cường hợp tác quân đội với Philippines thực tế bắt đầu từ năm 2011 vào thời Thủ tướng Noda. Trong cuộc viếng thăm Nhật Bản vào tháng 9/2011, Tổng thống Aquino đã đề nghị Nhật Bản hỗ trợ trong vấn đề Biển Đông. Ông Noda đã đồng ý và hai bên sau đó đã thỏa thuận việc “Tăng cường năng lực lực lượng hải quân của Philipines”.

Thủ tướng Shinzo Abe sau này cũng đã kế thừa quyết định của chính quyền tiền nhiệm, tiến hành đàm phán với ông Aquino vào tháng 7/2013, quyết định viện trợ không hoàn lại cho Philippines 10 tàu tuần tiễu hạng nhỏ (200 tấn, dài 40m) có giá trị tương đương 18,7 tỷ yên.

Sau đó vào ngày 6/9/2016, tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN diễn ra tại Lào, Thủ tướng Abe cũng đã đồng ý với Tổng thống Duterte  về việc cung cấp khoản vay tín dụng mua hai tàu tuần tiễu hạng lớn (1800 tấn, dài 90m) tương đương 16,5 tỷ yên, cho mượn 5 chiếc TC90 để giám sát Biển.

Tại thời điểm này việc trao các tàu nói trên cho Philippines được dựa trên 3 nguyên tắc liên quan tới di chuyển trang thiết bị quân đội đã được hai nước công nhận vào tháng 4/2014. Hay nói cách khác là điều khoản về xuất khẩu vũ khí của Nhật Bản.

Theo ông Okada Synji, Ở Nhật Bản, việc xuất khẩu vũ khí là vấn đề tập trung sự quan tâm lớn của chính quyền. Việc mua bán vũ khí là một hoạt động thương mại có sự thỏa thuận.

Tuy nhiên, việc viện trợ vũ khí không hoàn lại, hay dưới hình thức kéo dài thời gian trả nợ được coi là hành vi đối địch đối với các bên phản đổi việc mua bán vũ khí.

Do vậy, việc Nhật Bản tăng cường hợp tác quân sự với Philippines, cấp tàu theo hình thức kéo dài thời gian trả nợ nhằm đối phó với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông không chỉ đơn giản là việc xuất khẩu vũ khí mà trở thành vấn đề lớn trong bối cảnh hiện tại.

Bên cạnh việc cung cấp tàu, máy bay, nhưng để vận hành những thứ đó thì cần có sự hiện diện của sĩ quan Hải quân, sĩ quan an ninh Hàng hải với tư cách là nhà cố vấn kỹ thuật tại Philippines. Do đó, những vấn đề như miễn hải quan, chế tài đối với những sĩ quan này cũng cần thiết được xác lập.

Một tín hiệu xấu nữa là, theo thỏa thuận tháng 8 vừa qua Nhật Bản đã bàn giao cho Phillippnes chiếc tàu tuần tiễu hạng nhỏ đầu tiên, chiếc còn lại lần lượt sẽ bàn giao trong vòng 2 năm tới.

Tuy nhiên, Manila đã tuyên bố không tham gia vào tuần tra chung trên Biển Đông, lại đang nỗ lực tăng cường quan hệ với Trung Quốc, bỏ qua Mỹ, khiến tình hình trở nên “dở khóc dở cười”

Do khó có thể làm trái với thỏa thuận với chính quyền ông Aquino, Nhật Bản vẫn tiếp tục viện trợ quân sự cho Philippines dưới thời ông Rodrigo Duterte có xu hướng thân Trung, thoái Mỹ.

Và những sĩ quan của Nhật được phái cử đến Philippines vẫn phải hoạt động dưới sự chỉ đạo của binh tướng Phillipines. Điều này đối với sĩ quan Nhật Bản là điều không hề dễ chịu.

Năm 2015, Mỹ cũng đã có dự định viện trợ quân sự 80 triệu USD cho Manila, nhưng do mâu thuẫn về một số vấn đề mà khoản viện trợ bị ngừng lại.

Trong trường hợp Hội đồng Bảo an LHQ giải quyết vấn đề cấm nhập vũ khí của Manila, thì 3 nguyên tắc liên quan tới di chuyển trang thiết bị quân đội đã được Nhật-Philippines công nhận vào tháng 4/2014 cơ nguy cơ bị cấm.

Tuy nhiên việc hai nước có thể trở thành quan hệ đồng minh thân thiết hay không còn lệ thuộc vào ông Duterte./.

Theo Bùi Hùng/VOV-Tokyo

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh