Sau khi FBI quyết định công khai việc mở lại điều tra với các thư điện tử của Hillary Clinton, cuộc đua đến chiếc ghế tổng thống Mỹ đã thu hẹp về khoảng cách.
Sau khi FBI quyết định công khai việc mở lại điều tra với các thư điện tử của Hillary Clinton, cuộc đua đến chiếc ghế tổng thống Mỹ đã thu hẹp về khoảng cách.
Lo sợ rằng Donald Trump vẫn có thể chiến thắng bất ngờ, một số nhà bình luận đã lên tiếng mạnh mẽ cảnh báo về những hậu quả tai hại của một nhiệm kỳ tổng thống với Trump.
Bà Hillary Clinton (trái) và ông Donald Trump (phải). (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Người ta đã cho rằng Trump thắng cử sẽ là điều tồi tệ cho nền kinh tế, khiến các thị trường lâm vào hỗn loạn, cũng như tồi tệ cho các mối quan hệ sắc tộc ở Mỹ, bởi những bình luận của ông về người Mỹ gốc Latinh, người Hồi giáo, và người Mỹ da đen.
Những người khác thậm chí nói nhiệm kỳ tổng thống của ông có thể gây ra những xung đột không thể hàn gắn với các chính phủ nước ngoài tại Iran và Triều Tiên. Có cả những cáo buộc cho rằng Trump lên làm tổng thống sẽ đe dọa tới sự độc lập lâu nay của các định chế dân chủ ở Mỹ.
Tuy nhiên, một chiến thắng cho Clinton cũng không có gì bảo đảm sẽ là sự bảo vệ cho nền dân chủ Mỹ. Thực ra, theo lý giải của giáo sư Nic Cheesman, Đại học Oxford (Anh) trên trang qz.com, Clinton thắng cử trong dài hạn cũng có thể có hại tương tự cho nền dân chủ ở Mỹ.
Với nhiều người ủng hộ ông Trump, thất bại trong cuộc bầu cử sắp tới không hề chứng tỏ nhà lãnh đạo của họ đã sai. Thật ra, thất bại sẽ chỉ như một lời khẳng định rằng những gì ông Trump nói là sự thật, về bản chất bất công và thỏa hiệp của các định chế chính trị hiện giờ tại Mỹ. Theo nghĩa đó, ông Trump không thể thua.
Trong thế giới quan mà ông đã xây dựng, dù kết quả bầu cử thế nào thì ông vẫn đúng. Một mặt, chiến thắng cho Trump sẽ được coi là bằng chứng về "thiên tài của ông và sự vĩ đại của người Mỹ"; mặt khác, thất bại của Trump sẽ được giải thích là bằng chứng rằng ý nguyện của người dân đã bị phớt lờ, và rằng những kẻ ăn trên ngồi trước không có khả năng hiện thực hóa nhu cầu thay đổi.
Trong những cử tri nhìn nhận nền chính trị theo quan điểm này - mà chúng ta không được phép quên, đại diện cho từ 1/3 tới một nửa toàn bộ người dân Mỹ, tùy theo bạn tin cuộc thăm dò nào - một chiến thắng cho bà Clinton sẽ không thổi một luồng sinh khí mới và không mang lại lòng tin cho giới chính trị chủ lưu.
Thay vào đó, nó sẽ dẫn tới sự tỉnh ngộ về mặt chính trị cho những ai ủng hộ bà và cho thấy hệ thống hiện giờ không thể vận hành.
Những hệ quả dài hạn của xu hướng này sẽ không phải là việc đảng Cộng hòa chuyển sang trung lập hơn, mà là sự nổi lên của cả một đội quân những nhà lãnh đạo chuyên khuấy động sự tức giận của quần chúng như ông Trump, những kẻ sẽ vận động cho vị thế chính trị của họ bằng lời tuyên bố thách thức nguyên trạng.
Gốc rễ của cuộc khủng hoảng nền dân chủ ở Mỹ rất sâu xa. Rất giống ở Anh, nơi cuộc bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu được thúc đẩy một phần bởi mong muốn của một số cử tri làm bẽ mặt giới tinh hoa chính trị, một bộ phận đáng kể xã hội Mỹ đã đi tới chỗ coi lợi ích của họ gắn với việc chống lại những ai đang nắm quyền lực trong tay.
Điều này đã dẫn tới sự bi quan kinh niên về triển vọng tương lai của đất nước.
Một phần, sự nghi ngờ này có nguyên do từ thực tế rằng một số vùng hẻo lánh của đất nước phải gánh chịu tình trạng thất nghiệp cao và sự cơ động thấp của lực lượng lao động, nên cảm thấy họ đã bị bỏ rơi trước sự tăng trưởng của các đô thị vốn là nơi cư ngụ của “giới tinh hoa.”
Nhưng nó cũng có nguyên do từ giả định rằng nước Mỹ lẽ ra phải làm được tốt hơn bây giờ rất nhiều, và những kẻ có lỗi trực tiếp - và trong một số trường hợp, là những kẻ có lỗi duy nhất - cho điều đó, là chính quyền Washington.
Dù cho có nhìn nhận về sự thích đáng của góc nhìn này ra sao đi nữa, ảnh hưởng của lòng tin đó là không thể coi thường.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, đa số cử tri Cộng hòa tin rằng “cuộc sống hiện giờ tệ hơn so với 50 năm trước cho những người như họ.”
Cảm nhận được tâm trạng của đám đông, ông Trump đã khéo léo tự rêu rao ông là một người từ bên ngoài, sử dụng chiến thuật dân túy kinh điển để vận động chính trị. Chống lại giới tinh hoa và kỹ trị chuyên nghiệp, mục tiêu chính của ông là định vị mình là người bảo vệ của người Mỹ - hay ít ra, của người Mỹ da trắng.
Một phần của chiến lược này liên quan tới việc nghi ngờ năng lực của các định chế ở Washington trong việc giải quyết những vấn đề của đất nước (và bài bác việc những kẻ nắm quyền ở Washington không hề muốn thay đổi).
Trong thế giới quan của Trump, Quốc hội và Cục Dự trữ Liên bang không phải là giải pháp, mà là vấn đề, và Hillary Clinton xa rời quần chúng và vận động tranh cử chỉ đại diện cho lợi ích nhóm của những tầng lớp tinh hoa riêng lẻ.
Không phải là trùng hợp khi một cuộc thăm dò của Reuters/Ipsos cho thấy ngăn cản bà Clinton là một trong những động cơ quan trọng nhất của những người ủng hộ ông Trump.
Chiến dịch của ông Trump tích cực thông tin và định vị lại lòng tin và thái độ của những người ủng hộ trung thành nhất với ông. Kết quả là những người ủng hộ ông Trump bi quan hơn hẳn về chính phủ Mỹ và các cộng đồng của họ so với các cử tri cả Dân chủ lẫn Cộng hòa truyền thống.
Theo một cuộc thăm dò của Pew, tới 83% những người ủng hộ ông Trump tin rằng “chính phủ luôn lãng phí và không hiệu quả,” so với chỉ 31% những người ủng hộ bà Clinton.
Ngoài việc coi hệ thống chính trị là cực kỳ thiếu hiệu quả, những người Mỹ này cũng ít có hy vọng vào tương lai, với 38% đồng ý với tuyên bố “đất nước hiện đang không giải quyết được nhiều vấn đề nghiêm trọng.”
Những cuộc thăm dò khác cho ra kết quả tương tự liên quan tới chính sách đối ngoại và vai trò của cộng đồng không phải da trắng ở Mỹ.
Ví dụ, nghiên cứu của Hội đồng Các vấn đề Toàn cầu Chicago cho thấy so với các cử tri Cộng hòa khác, những người ủng hộ ông Trump có khả năng nghĩ rằng toàn cầu hóa là điều tốt thấp hơn 10%, muốn giảm tình trạng nhập cư bất hợp pháp cao hơn 24%, và nghĩ rằng các mối đe dọa khủng bố có liên hệ tới người di cư và nhập cư cao hơn 12%.
Giống như nhiều kẻ dân túy trước ông, địa vị tỉ phú của ông Trump đã khiến ông phải liên tục tấn công dữ dội các đối thủ của mình để tách biệt ông khỏi nguồn gốc tinh hoa giống như họ của chính ông.
Nói cách khác, chiến dịch của ông đã mắc kẹt ngay từ khi bắt đầu; ông Trump không thể ngồi yên vì những kẻ chỉ trích ông sẽ ngay lập tức vạch trần tính hai mặt trong những tuyên bố của ông.
Nhìn nhận theo cách này, cáo buộc của ông Trump về việc cuộc bầu cử bị gian lận không phải là điều cực đoan mới mẻ của ông, mà là hậu quả tự nhiên của quá trình leo thang chỉ trích trước đó.
Tuyên bố nói kết quả bầu cử đã bị sắp đặt cũng rất tinh ranh, vì nó cho phép ông tránh xa những ngụ ý tiêu cực rằng ông không còn nhận được sự ủng hộ đông đảo nữa, và nó cũng hợp với những cuộc tấn công của ông vào giới chính trị gia đang nắm quyền.
Tất nhiên, những tuyên bố về gian lận bầu cử này không bao giờ nêu tên người chính xác: đôi khi ban vận động của ông cáo buộc giới truyền thống, những lúc khác nhắm vào các điểm bỏ phiếu, và trong phần lớn trường hợp chỉ là những lời chửi đổng.
Sự mơ hồ này là cố ý, vì như thế nó tránh được việc đưa ra những nhận định rõ ràng sẽ dễ dàng bị chứng minh là sai. Một trong những sản phẩm phụ của cách tiếp cận này là bôi nhọ toàn bộ quá trình bầu cử trong tâm trí những người ủng hộ ông.
Thật vậy, trong khi các tuyên bố về sự dàn xếp chính trị đã bị chỉ trích trên truyền thông chủ lưu vì thiếu bằng chứng, nó đã gây ra tác động mạnh với những người tin tưởng nhiệt thành nhất vào sứ mệnh của ông Trump.
Nếu Hillary Clinton hay thậm chí một ứng viên Cộng hòa chủ lưu đưa ra những bình luận tương tự, họ không chỉ sẽ bị coi khinh, mà sẽ làm phật ý đội ngũ cử tri then chốt của họ.
Theo nghĩa này, việc ông Trump từ chối vai trò của một chính trị gia truyền thống lúc nào cũng phải nói đúng làm đúng đã bảo vệ ông khỏi việc phải trả lời trước các cử tri như những người khác.
Sự khác biệt với ông Trump là ở chỗ những người ủng hộ ông đã sẵn định kiến chỉ trích các định chế chính trị Mỹ rồi. Kết hợp lòng tin đó của nhóm cử tri cơ sở với một chiến dịch có dẫn dắt của ông Trump, rất nhiều người ủng hộ ông đã tin rằng một âm mưu bí mật đang được tiến hành nhằm chống lại ứng cử viên của họ.
Trong bối cảnh đó, một thất bại của ông Trump sẽ không thể giải quyết được sự chia rẽ sâu sắc ở tâm điểm của nền chính trị Mỹ, mà càng làm sự chia rẽ đó tồi tệ thêm.
Những cử tri cốt lõi của ông Trump sẽ cảm thấy rằng nỗi sợ hãi lớn nhất của họ đã thành hiện thực, và sẽ nổi giận hơn nữa, trước hết vì họ ủng hộ ông và ghét bà Clinton, và thứ hai vì họ sẽ diễn giải kết quả bầu cử như một sự bất công phi lý.
Điều đó có thể không dẫn tới bạo lực hậu bầu cử như một số người vẫn sợ, dù những sự cố đơn lẻ là hoàn toàn có thể.
Tiếp theo, một tỷ lệ lớn, và còn có thể lớn hơn, những người ủng hộ ông Trump có thể sẽ lại ủng hộ một ứng viên như thế nữa ở lần tới.
Tổng hợp lại, những khuynh hướng này cho thấy ứng viên Cộng hòa tiếp theo sẽ khó có thể là một người ôn hòa. Chiến dịch của ông Trump đã thúc đẩy hơn nữa xu hướng của đảng này - từng được bộc lộ qua sự nổi lên của phong trào Tea Party - tìm kiếm những giải pháp cực đoan, tức thời cho các vấn đề của nước Mỹ.
Đây không phải là tin tốt cho những ai lo sợ rằng nền chính trị đảng phải cần phải biết cách thỏa hiệp hơn để tránh tình trạng bế tắc chính trị và khôi phục cảm nhận đoàn kết quốc gia.
Hơn nữa, đây không chỉ là vấn đề của đảng Cộng hòa: Nó cũng có những ngụ ý quan trọng với cương vị tổng thống. Một ứng viên kế thừa những quan điểm của Trump, tránh được các sai lầm của ông và không khiến phụ nữ xa lánh hoàn toàn có thể thắng cử trong cuộc bầu cử tiếp theo, nhất là với 4 năm nữa để xây dựng sự ủng hộ.
Đảng Dân chủ dựa vào sự ủng hộ của cả giới tinh hoa và quần chúng rộng rãi dựa trên một bộ những nguyên tắc then chốt, như sự tôn trọng lẫn nhau, tuân thủ pháp luật, bảo vệ hệ thống chính trị dân chủ, ngay cả khi thua cuộc trong bầu cử. Phe ông Trump thì có vẻ không cần những điều đó./.
Theo TTXVN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin