Chiếc tàu ngầm Liên Xô K-278 có độ lặn sâu hơn hẳn tàu ngầm của đối thủ đương thời, vượt ngoài tầm lặn của ngư lôi địch.
Chiếc tàu ngầm Liên Xô K-278 có độ lặn sâu hơn hẳn tàu ngầm của đối thủ đương thời, vượt ngoài tầm lặn của ngư lôi địch.
Giữa thập niên 1980, Liên Xô chế tạo một chiếc siêu tàu ngầm không giống bất cứ một chiếc tàu ngầm nào khác. Chiếc tàu này chạy nhanh và có khả năng lặn xuống độ sâu lớn bất ngờ. Tàu ngầm Komsomolets được trình làng vào năm 1984, báo hiệu một hướng đi mới cho hải quân Liên Xô.
Đồ họa tàu ngầm Liên Xô. Nguồn: Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ. |
Thế nhưng 5 năm sau, tàu ngầm Komsomolets và các vũ khí hạt nhân của nó đã nằm lại ở đáy đại dương. Hai phần ba số thủy thủ trên tàu tử nạn.
Lịch sử con tàu Komsomolets bắt đầu từ tận năm 1966.
Vỏ kép
Một nhóm thuộc Cục Thiết kế Rubin (do N. A. Klimov đứng đầu) và nhà thiết kế chính Y. N. Kormilitsin được chỉ đạo bắt đầu nghiên cứu dự án 685 – một loại tàu ngầm lặn sâu.
Nỗ lực nghiên cứu nói trên kéo dài trong 8 năm, có thể là do thiếu loại kim loại thích hợp chịu được áp lực khổng lồ của nước ở độ sâu lớn. Năm 1974, người ta đã hoàn thiện thiết kế vỏ kép. Hợp kim titan được chọn để làm lớp vỏ bên trong.
Dự án 685, còn gọi là dự án K-278, là một tàu nguyên mẫu để thử nghiệm các tàu ngầm Xô viết loại lặn sâu.
Xưởng tàu Sevmash bắt đầu chế tạo tàu này vào đúng ngày 22/4 (sinh nhật Lenin) năm 1978. Tàu chính thức được hoàn thiện vào ngày 30/5/1983. Khó khăn trong việc cắt uốn titan đã kéo dài thêm thời gian chế tạo vốn đã lâu.
K-278 dài 109m và rộng 12m. Thân tàu phía trong rộng xấp xỉ 7,3m. Mức giãn nước là 6.500 tấn. Việc dùng titan thay cho thép đã giảm đáng kể trọng lượng của tàu.
Tàu ngầm K-278 có lớp vỏ kép độc đáo. Lớp vỏ phía trong làm bằng titan, khiến tàu có khả năng lặn sâu. Bên trong thân tàu được chia làm 7 khoang, trong đó có 2 khoang được gia cố để tạo một vùng an toàn cho thủy thủ đoàn. Có một khoang thoát hiểm để các thủy thủ có thể bỏ tàu trong trường hợp xảy ra sự cố khi tàu lặn ở độ sâu tới 1.500m.
Tàu ngầm này chạy bằng một lò phản ứng nước áp lực hạt nhân 190-megawatt OK-650B-3, tạo lực cho 2 turbine hơi nước. Nhờ động cơ này, tàu có thể chìm với tốc độ 30 knot và nổi với tốc độ 14 knot.
Tàu ngầm có hệ thống sonar MGK-500 “Skat” (NATO gọi bằng mật danh Shark Gill) – loại này hiện nay được sử dụng trên tàu ngầm tấn công lớp Yasen. Hệ thống sonar này cung cấp thông tin cho hệ thống Kiểm soát Thông tin Chiến đấu Omnibus-685.
Vũ khí của tàu ngầm K-278 gồm 6 ống ngư lôi đường kính tiêu chuẩn là 533mm, bao gồm 22 ngư lôi loại 53 và các ngư lôi chống ngầm Shkval.
K-278 gia nhập hạm đội phương Bắc Cờ Đỏ vào tháng 1/1984 và bắt đầu một loạt thử nghiệm lặn sâu.
Dưới sự chỉ huy của tàu trưởng Yuri Zelensky tàu ngầm này lập kỷ lục lặn xuống độ sâu tới 1019m – một thành tích đáng kinh ngạc nếu tính đến con tàu tương đương của Mỹ lớp Los Angeles chỉ có độ lặn sâu tối đa là 450m.
Tàu ngầm Liên Xô nói trên có hệ thống nổi đặc biệt, tên là Iridium, sử dụng các máy tạo khí để thổi vào các khoang giữ thăng bằng.
Hải quân Liên Xô cho rằng tàu ngầm K-278 là không có nguy cơ bị tấn công khi nó lặn xuống độ sâu trên 1.000m. Tại độ sâu đó, rất khó dò ra tàu ngầm, trong khi các ngư lôi của đối phương, nhất là Mark 48 của Mỹ chỉ lặn được đến độ sâu tối đa là 800m.
Mặc dù ban đầu đây chỉ là tàu ngầm thử nghiệm, cuối cùng tàu này đã được chỉnh sửa thành một tàu sẵn sàng tác chiến hoàn toàn vào năm 1988. Tàu được đặt tên là Komsomolets, có nghĩa là “đoàn viên Đoàn Thanh niên Cộng sản”.
Sự cố hỏa hoạn
Vào ngày 7/4/1989, trong khi hoạt động ở độ sâu 386m, tàu Komsomolets gặp sự cố ở giữa biển Na Uy. Thủy thủ đoàn trên tàu là đội ngũ thứ 2 của tàu ngầm, mới được huấn luyện để vận hành tàu. Hơn nữa, do gốc gác tàu là tàu thử nghiệm nên nó thiếu bộ phận kiểm soát các hư hỏng.
Một ngọn lửa bùng ra ở buồng thứ 7 ở gần đuôi. Ngọn lửa làm hỏng van cung cấp không khí. Các nỗ lực dập lửa thất bại. Lò phản ứng bị ngừng hoạt động và hệ thống nổi được kích hoạt để đưa tàu ngầm trồi lên.
Lửa tiếp tục lan rộng. Thủy thủ đoàn tiếp tục chiến đấu với lửa thêm 6 tiếng đồng hồ trước khi có lệnh rời bỏ tàu.
Đám cháy dữ dội tới mức lớp cao su chống vang ở lớp vỏ bên ngoài bong ra do hơi nóng.
Tàu trưởng Evgeny Vanin cùng với 4 sĩ quan khác quay trở lại con tàu để tìm các thủy thủ chưa nghe thấy lệnh rời tàu.
Vanin và đội cứu hộ của ông không thể tiến xa hơn – con tàu nghiêng 80 độ về phía trước. Cả nhóm vào buồng cứu hộ. Ban đầu buồng này không rời ra được nhưng cuối cùng thoát ly khỏi con tàu bị thương nặng. Khi buồng này lên tới gần bề mặt biển, sự thay đổi áp lực đột ngột khiến cho nắp phía trên bắn ra, quăng 2 thủy thủ ra khỏi buồng. Tuy nhiên, sau đó buồng này cũng như tàu trưởng và những người còn lại trong đội cứu hộ đã chìm xuống bên dưới những con sóng.
Cho đến lúc đó mới 4 người chết vì sự cố tàu ngầm. Tuy nhiên sau khi con tàu đắm, nhiều thủy thủ đã chết vì nhiệt độ lạnh của nước. Sau đó một tiếng đồng hồ, các thuyền đánh cá Alexi Khlobystov và Oma bơi tới và cứu được 30 người. Trong số những người được cứu này, một vài người sau đó đã tử thương. Trong tổng số 69 thủy thủ ban đầu trên tàu ngầm khi xảy ra thảm họa, có 42 người chết, bao gồm Tàu trưởng Vanin.
Con tàu Komsomolets đắm ở độ sâu 1.600m, cùng với lò phản ứng hạt nhân và 2 quả ngư lôi Shkval gắn đầu đạn hạt nhân.
Trong giai đoạn từ năm 1989 đến 1998, người ta đã tiến hành 7 chuyến đi để ngăn tình trạng rò rỉ phóng xạ và hàn các ống ngư lôi. Các nguồn tin của Nga cho rằng trong các chuyến này, đã phát hiện các bằng chứng về việc người nước ngoài đã ghé thăm trái phép tàu ngầm bị đắm.
Theo Trung Hiếu(VOV.VN/Lược dịch từ National Interest)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin