Theo giới phân tích, nếu trở thành Tổng thống, bà Clinton khó có thể có đường lối cứng rắn với Nga và Trung Quốc như trong tuyên bố tranh cử.
Theo giới phân tích, nếu trở thành Tổng thống, bà Clinton khó có thể có đường lối cứng rắn với Nga và Trung Quốc như trong tuyên bố tranh cử.
Người ta vẫn hình dung về ứng cử viên Tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ, bà Hillary Clinton là người phụ nữ có đường lối cứng rắn với Trung Quốc và Nga. Tuy nhiên, nhà bình luận chính trị Stephen Ebert nói Sputnik cho rằng, do tình hình địa chính trị hiện tại, bà Clinton sẽ không thể đẩy căng thẳng với Moscow và Bắc Kinh lên cao hơn, hoặc thiết lập một vùng cấm bay ở Syria nếu đắc cử.
Theo giới phân tích, nếu trở thành Tổng thống, bà Clinton khó có thể có đường lối cứng rắn với Nga và Trung Quốc như trong tuyên bố tranh cử. (Ảnh: AFP) |
Ông Stephen Ebert, nhà bình luận chính trị tại Cơ quan Chiến lược Truyền thông cho rằng, bà Hillary Clinton là “một chính trị gia thực tế”, luôn muốn nỗ lực xây dựng hình ảnh của “một nhà lãnh đạo mạnh mẽ” để tạo nên sự khác biệt với đối thủ là ứng cử viên Tổng thống của đảng Cộng hòa Donald Trump.
Không có vùng cấm bay ở Syria nếu bà Clinton thắng cử
Bình luận về thông tin đăng tải trên tạp chí Wall Street Journal dẫn lời các trợ lý hàng đầu của bà Clinton cho biết, nếu trở thành Tổng thống, bà Clinton sẽ đưa Mỹ đóng vai trò và vị thế tích cực hơn ở Syria thông qua áp đặt một vùng cấm bay cũng như xem xét các lệnh trừng phạt cứng rắn hơn với Nga và Iran, chuyên gia Ebert cho rằng: “Những thông tin này chủ yếu đánh vào tâm lý của cử tri Mỹ.
Bà Clinton dường như đang muốn cố gắng để cho thấy hình ảnh của một nhà lãnh đạo mạnh mẽ và khác biệt hoàn toàn so với ông Trump”.
“Vùng cấm bay không phải là một chủ đề mới, theo ý kiến của tôi, nó chỉ đơn giản là để củng cố cam kết của bà ấy (Clinton) tránh đưa quân tham chiến trên thực địa ở Syria. Đó là cách để bà Clinton nói với các cử tri rằng, sẽ không có thêm những người Mỹ phải bỏ mạng trên đất Syria”, ông Ebert nói thêm.
Ông Ebert nhận xét: “Tôi tin rằng quan điểm tổng thể của bà Clinton tạo ra những ‘khoảng trống’ để bà có thể linh hoạt trong những vấn đề đối nội bởi thường những người theo đảng Dân chủ bị đánh giá là ‘yếu’ về mặt phòng vệ.
Tổng thống Obama chính là minh chứng rõ nét về điểm yếu này, đôi khi có nhiều tác động dồn dập khiến ông ấy phải đưa ra các quyết định vội vã mà ông ấy không hề muốn (ví dụ như Syria)”.
“Liệu bà Clinton có thực sự muốn thiết lập một vùng cấm bay ở Syria và dám mạo hiểm đối đầu trực tiếp với Nga nếu bà trở thành Tổng thống? Bà ấy có thể tiếp tục đe dọa sẽ làm điều này, nhưng nếu có cố vấn và thông tin tình báo tốt (điều đang bị hoài nghi bởi “giới tình báo của chúng ta giờ đã không còn được “công bằng” như trước nữa). Bà ấy cần phải được thông báo rằng, điều đó có thể dẫn đến nguy cơ chiến tranh và phá vỡ quan niệm về việc cả thế giới đồng lòng cùng với Mỹ”, nhà phân tích chính trị Ebert nhận định.
Theo ông Ebert, việc tăng cường những hành động hiếu chiến của Mỹ sẽ dẫn đến nguy cơ bà Clinton bị phản ứng dữ dội. Ngay ở trong nước, bà Clinton cũng sẽ cảm thấy mình bị “trói chặt tay chân” bởi các chính trị gia đối lập - những người đang ngày càng cảm thấy ác cảm với bà Clinton hơn so với Tổng thống Obama. Điều này sẽ khiến bà không thể thực thi một số “bước đi đơn phương”.
Chuyên gia Ebert cho rằng, mặc dù công khai theo đuổi chính sách cứng rắn với Nga nhưng bà Clinton sẽ không vì đó mà thiếu tỉnh táo bởi bà là một chính trị có kiến thức cực kỳ uyên thâm.
“Không giống như ông Obama, bà Clinton là một người thực dụng. Trong khi tiếp tục tán đồng quan điểm của ông Obama về một ‘ngoại lệ Mỹ’, bà Clinton có thể hiểu rằng, thế giới đang ngày càng chối bỏ quan điểm này”, ông Ebert nhận định.
Ông Ebert nói: "Nếu bà Clinton tiếp tục theo đuổi quan điểm về một thế giới đơn cực, bà ấy sẽ phá vỡ chương trình nghị sự trong nước, vốn tập trung giải quyết các vấn đề kinh tế xã hội ở Mỹ như cơ sở hạ tầng xuống cấp, chia rẽ nội bộ và gia tăng bất bình đẳng trong xã hội.
Tôi nghĩ bà ấy đủ khôn ngoan để hiểu rằng, nếu không giải quyết được việc tầng lớp trung lưu đang suy giảm và tình trạng đói nghèo gia tăng, bà ấy sẽ không có cơ hội giành chiến thắng. Cuối cùng, nền kinh tế Mỹ vốn thường rơi vào suy thoái mang tính chu kỳ cứ mỗi 8-10 năm/lần đã trải qua 6-7 năm phục hồi rất chậm chạp và lại chuẩn bị rơi vào cuộc suy thoái tiếp theo".
Bà Clinton sẽ không gia tăng đối đầu Nga và Trung Quốc nếu được bầu
Trong bài xã luận mới nhất của mình được đăng tải trên tạp chí The Financial Times, ông Robert John Sawers, cựu lãnh đạo cơ quan tình báo Anh cho rằng, thời đại đơn cực của Mỹ cuối cùng đã kết thúc và Tổng thống tiếp theo của nước Mỹ sẽ cần phải tránh đối đầu với Nga và Trung Quốc.
“Dù người thắng cử trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ ngày 8/11 có là ai thì người đó chắc chắn cũng phải làm điều này”, ông Sawers nhận định, “ông Trump hay bà Clinton sẽ làm theo lời khuyên này? Theo tôi bà Clinton có xu hướng này nhiều hơn. Dù bà ấy vẫn có những tuyên bố cứng rắn nhưng lại là người có nhiều kinh nghiệm trên chính trường và hiểu cách thức để đối phó với các vấn đề thế giới rõ hơn ông Trump”.
Ông Sawers nhấn mạnh, đương nhiên sẽ không có chuyện bà Clinton “có thể làm bất kỳ điều gì bà muốn” nếu giành chiến thắng trong cuộc quyết đấu cuối cùng với ông Trump ngày 8/11.
Nhận định này của chuyên gia Sawers không phải không có có sở khi Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Tướng Joseph Dunford trong một phiên họp với Ủy ban Quân vụ Thượng viện ngày 22/9 thừa nhận: “Để có thể kiểm soát toàn bộ vùng trời ở Syria, nó sẽ đòi hỏi chúng ta phải phát động cuộc chiến với Nga và Syria. Đó chắc chắn sẽ là một quyết định mà chúng ta sẽ không thực hiện”.
Theo chuyên gia Ebert, ngoài việc phải giải bài toán khó với Nga, bà Clinton nếu đắc cử cũng phải “nghĩ lại” về đường lối với Trung Quốc bởi “Bắc Kinh là đối tác cực kỳ quan trọng đối với sự thành công của nền kinh tế Mỹ. Họ là một thị trường khổng lồ, một nhà cung cấp lớn về vốn và đầu tư và là nguồn cung cấp hàng hóa giá rẻ cho người tiêu dùng có thu nhập thấp và trung bình ở Mỹ”.
“Đó là chưa tính đến việc các lệnh trừng phạt Mỹ nhằm vào Nga chủ yếu gây tổn hại cho EU (chứ không phải Mỹ) đã làm chậm đà phục hồi nền kinh tế EU và dẫn đến việc rất nhiều lực lượng cánh hữu theo chủ nghĩa dân tộc ở châu Âu trỗi dậy. Đây là những nhóm không ủng hộ Mỹ và cũng không muốn có sự ổn định trên toàn cầu”, nhà phân tích này kết luận.
Mới đây, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga trong một buổi họp báo đã đề cập đến một nghịch lý được ít người để ý: các chính trị gia Mỹ có những tuyên bố chỉ trích Nga lại thường thay đổi thái độ sau khi được bầu và cố gắng để tạo ra mối quan hệ gần gũi hơn với Nga. Trái lại, những người thường có thái độ tích cực với nước Nga sau khi đắc cử lại theo đuổi đường lối cứng rắn hơn với Nga.
Liệu bà Clinton có phải là một ngoại lệ nếu bà giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới? Chỉ có thời gian mới có thể trả lời cho câu hỏi này.
Theo Hùng Cường(VOV.VN)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin