Philippines muốn "chia tay" Mỹ, tìm cách mua vũ khí từ Nga, Trung

10:10, 06/10/2016

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ngày 4/10 đã rủa ông Obama "go to hell" (đi xuống đi ngục đi) và nói rằng ông không cần mua vũ khí của Mỹ.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ngày 4/10 đã rủa ông Obama “go to hell” (đi xuống đi ngục đi) và nói rằng ông không cần mua vũ khí của Mỹ.

Theo Reuters, những lời lẽ gay gắt trên được ông Duterte đưa ra sau khi ông tuyên bố Mỹ đã từ chối bán vũ khí cho Philippines. Tổng thống Duterte khẳng định, ông không mấy bận tâm đến chuyện này vì Nga và Trung Quốc đang rất sẵn lòng làm nhà cung cấp vũ khí cho Philippines.

Tổng thống Philippines Duterte có những lời lẽ gay gắt nhằm vào người đồng cấp Mỹ Barack Obama. Ảnh: AFP
Tổng thống Philippines Duterte có những lời lẽ gay gắt nhằm vào người đồng cấp Mỹ Barack Obama. Ảnh: AFP

Philippines “xa lánh” Mỹ, “chìa tay ra” với Nga, Trung

Trước đó, ông Duterte nhấn mạnh, ông đang phải thay đổi chính sách ngoại giao của mình bởi Mỹ đã “khiến Philippines thất vọng” và khẳng định: “Chúng tôi sẽ “chia tay” Mỹ” dù không nêu rõ ông ám chỉ gì khi nói từ “chia tay”.

“Dù điều này có thể khiến các ông cảm thấy khó chịu nhưng nhiệm vụ thiêng liêng nhất của tôi là đảm bảo sự toàn vẹn lãnh thổ của Philippines và sức khỏe của người dân”, ông Duterte khẳng định.

“Nếu các ông không muốn bán vũ khí cho chúng tôi, chúng tôi sẽ quay sang Nga. Tôi đã đưa các tướng lĩnh của mình đến Nga và họ nói với chúng tôi rằng: “Đừng lo lắng, chúng tôi có tất cả những gì các ông cần và chúng tôi sẽ bán cho các ông”. Còn với Trung Quốc, họ nói với chúng tôi rằng: “Hãy sang đây và ký kết với chúng tôi. Chúng tôi sẽ giao mọi thứ cho các ông”.

Tổng thống Philippines tuyên bố, ông có thể sẽ xem xét lại Thỏa thuận Tăng cường Hợp tác Quốc phòng Mỹ-Philippines mà 2 bên ký từ năm 2014. Theo đó, Philippines sẽ cho phép binh sĩ Mỹ tiếp cận các căn cứ của nước này và thiết lập các kho chứa trang thiết bị, vũ khí để phục vụ các chiến dịch đảm bảo an ninh biển, hỗ trợ nhân đạo và ứng phó với thảm họa.

Theo ông Duterte, lẽ ra Mỹ phải ủng hộ việc Philippines giải quyết triệt để vấn nạn ma túy tồn tại dai dẳng trong nước nhưng thay vì thế, Mỹ lại quay ra chỉ trích ông và EU cũng “hùa theo” Mỹ.

“Thay vì giúp đỡ chúng tôi, Bộ Ngoại giao Mỹ lại là bên “nổ phát súng” đầu tiên. Vì thế, ông hãy “đi xuống địa ngục đi” ông Obama. Còn EU thì nên chọn vào Pugatory [tạm dịch là Nơi chuộc tội- một trong những nơi mà các linh hồn phải trải qua nếu muốn được lên Thiên đường theo lời giáo huấn của Cơ đốc giáo La Mã-ND] bởi Địa ngục đã kín chỗ rồi. Tại sao tôi phải sợ các ông nhỉ?”.

Ông Duterte khẳng định, ông thà quỳ gối trước mặt Quốc vương Brunei hay Thái Lan còn hơn là quỳ gối trước Mỹ: “Đó là cách hành xử từ trước đến nay của tôi.

Dù Mỹ có thể đáp lại điều này như thế nào thì tôi vẫn không “đánh đổi” sự nghiệp, cuộc sống và cả chức vụ Tổng thống của mình lấy việc phải thay đổi cách hành xử của tôi. Nếu tôi chỉ được làm Tổng thống trong vòng 3 năm thì cũng không sao hết”.

Tổng thống Philippines lý giải, ông cảm thấy giận dữ bởi Mỹ đã không còn là một người bạn của Philippines kể từ sau cuộc bầu cử ở Philippines hồi tháng 5 vừa qua: “Họ dám chỉ trích một Tổng thống trước mặt cộng đồng quốc tế”.

“Khi bạn liên tục phải nhận những lời chỉ trích từ những người không biết kiểm soát bản thân, cách duy nhất bạn có thể làm là lăng mạ họ. Đó chính là đòn đáp trả của tôi”, ông Duterte giải thích về thái độ đầy tính chất gây hấn của mình.

Trước đó, ông Duterte cũng đã nhiều lần thể hiện thái độ khó chịu ra mặt đối với Mỹ- đồng minh lâu đời của Philippines. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên, ông Duterte công khai so sánh thái độ của Mỹ với Philippines với thái độ của Nga và Trung Quốc với quốc gia Đông Nam Á này.

Mỹ vẫn kiên trì xoa dịu

Phản ứng sau tuyên bố của ông Duterte, giới chức Mỹ cho rằng, những gì mà Tổng thống Philippines nói hoàn toàn đi ngược với “mối quan hệ đồng minh nồng ấm và lâu dài” của hai quốc gia.

Một số quan chức Mỹ khẳng định, Washington đang rất kiềm chế trong việc không phản ứng gì trước những lời lẽ “đao to búa lớn” của ông Duterte và không “tạo thêm cớ” để ông Duterte tiếp tục “giận dữ hơn nữa”.

Dù việc Mỹ và Philippines “cơm không lành, canh chẳng ngọt” có thể khiến Mỹ gặp rắc rối trong việc đối phó với một Trung Quốc hiếu chiến ở Biển Đông, giới chức Mỹ khẳng định, giờ chưa phải là lúc Mỹ tính đến các biện pháp trừng phạt, bao gồm việc ngừng viện trợ cho Philippines.

Trong một động thái muốn xoa dịu căng thẳng giữa hai bên, người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest tuyên bố, họ chưa nhận được bất kỳ thông tin chính thức nào từ phía Philippines liên quan đến việc Philippines muốn thay đổi tính chất của mối quan hệ hiện nay giữa Mỹ và Philippines.

Dù vậy, ông Earnest vẫn không hề “dịu giọng” khi chỉ trích chiến dịch chống tội phạm ma túy của ông Duterte- một trong những nguyên nhân khiến quan hệ Mỹ-Philippines trở nên sóng gió trong thời gian qua.

“Ngay cả khi phải bảo vệ mối quan hệ đồng minh thân thiết này, Chính phủ Mỹ vẫn sẽ không ngần ngại bày tỏ quan ngại về những vụ giết người không qua xét xử [trong chiến dịch trấn áp tội phạm ma túy] tại Philippines”, ông Earnest nói./.

Theo Trần Khánh(VOV.VN)

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh