Paris tràn ngập người di cư

03:10, 30/10/2016

Khu trại ở Calais đã trở thành biểu tượng của cuộc khủng hoảng di cư ở châu Âu. Lượng người di cư vạ vật trên các tuyến phố của thủ đô Paris tăng từng ngày sau khi khu lán trại tạm bợ ở ngoại ô thành phố miền Bắc Calais bị xóa sổ.

Khu trại ở Calais đã trở thành biểu tượng của cuộc khủng hoảng di cư ở châu Âu. Lượng người di cư vạ vật trên các tuyến phố của thủ đô Paris tăng từng ngày sau khi khu lán trại tạm bợ ở ngoại ô thành phố miền Bắc Calais bị xóa sổ.

Nước Pháp đang phải chạy đua để đưa hàng ngàn người di cư đến các cơ sở tị nạn trên khắp cả nước.


Trắng đêm dựng trại

Dọc các đại lộ đông đúc và gần một con kênh nằm ở Đông Bắc Paris, hàng trăm lều trại đã được người di cư dựng lên, chủ yếu là người châu Phi, với các tấm bìa cứng được trải xuống mặt đất.

Giữa 2 ga tàu điện ngầm Stalingrad và Jaures tại Paris, nhiều người di cư cũng đã thức trắng đêm để dựng lều trại.

Phó thị trưởng Paris phụ trách các vấn đề an ninh Colombe Brossel cho biết không chỉ có người tị nạn ở Calais mà còn từ rất nhiều nơi khác cũng đang đổ về Paris.

Chỉ trong tối 27-10, giới chức Paris đã đếm được từ 40 đến 50 lều trại mới xuất hiện, nâng tổng số lều trại của người di cư từ hôm 24/10 tính đến thời điểm hiện tại lên tới con số 700-750, tương đương khoảng 2.000-2.500 người di cư có mặt trên đường phố Paris, tăng so với mức 1.500 người vài ngày trước đó.

Người di cư xếp hàng chờ bữa ăn miễn phí ở Paris
Người di cư xếp hàng chờ bữa ăn miễn phí ở Paris

Hiện chính quyền Paris đang lên kế hoạch mở 2 trung tâm tiếp nhận người di cư, song 2 trung tâm này chỉ có sức chứa chưa tới 1.000 giường. Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve thông báo, các lều trại tạm bợ được dựng lên trên đường phố Paris sẽ được phá bỏ trong những ngày tới.

Theo giới chức Pháp, việc phá dỡ khu lán trại tại Calais đã hoàn tất và cơ quan chức năng sẽ khẩn trương để đưa khoảng 6.000 người di cư và tị nạn sống tạm bợ ở Calais đến các cơ sở tị nạn trên toàn nước Pháp.

Không bỏ giấc mơ châu Âu

Theo BBC, Pháp đã bố trí khoảng 7.500 giường cho người di cư tại 450 trung tâm dành cho người di cư trên cả nước. Sau đó, họ sẽ làm thủ tục xin tị nạn. Nếu không được chấp thuận, họ có thể bị trục xuất.

Mặc dù đã bị dỡ bỏ hoàn toàn nhưng nhà chức trách Pháp đang rất lo về người di cư có thể quay lại Calais để tái lập khu trại này, nhất là khi người di cư không có ý định từ bỏ giấc mộng đến Anh.

Calais là nơi để người di cư chờ đợi thời cơ vào Anh bằng cách trốn qua đường hầm Eurotunnel nối liền 2 bờ eo biển Manche.

Đường hầm này từng phải chứng kiến nhiều cái chết thương tâm của người di cư trong năm 2015 khi cố tìm cách xông vào đường hầm để sang đảo quốc sương mù.

Anh hiện vẫn được xem là đích đến ưu tiên của người di cư bởi họ cho rằng, Anh có điều kiện sống tốt, nhiều cơ hội việc làm và có thể được nhập cư.

Đối với người di cư đã trưởng thành, khả năng bị trục xuất luôn rất cao. Vì vậy, họ không muốn mất thời gian để làm thủ tục xin tị nạn (có thể phải mất từ 1 năm đến 1 năm rưỡi) để rồi không được chấp nhận và bị trục xuất. Hessan, một người di cư đến từ Afghanistan, cho hay, Paris chỉ là điểm dừng chân để cậu tính cách đến Italia trong thời gian sớm nhất. Italia tiếp tục được người di cư được lựa chọn là một điểm đến yêu thích.

Trong ngày Pháp phá bỏ khu trại ở Calais, lực lượng bảo vệ bờ biển của Italia cho hay 2.200 người di cư đang trên đường đến Italia đã được cứu do những chiếc thuyền chở họ bị chìm.

Sau khi thỏa thuận giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Liên minh châu Âu (EU) về người di cư được ký kết vào cuối tháng 3 vừa qua, đóng lại con đường trung chuyển người di cư từ Thổ Nhĩ Kỳ sang Hy Lạp và từ đó di chuyển qua các nước Balkan để đi các nước Bắc Âu. Italia đã trở thành điểm đến chính của dòng người di cư từ Trung Đông và Bắc Phi vào châu Âu.

Theo SGGPO

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh