Sáng 26/10 (giờ New York, tức tối 26/10 theo giờ Hà Nội), Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 71 đã họp phiên toàn thể thông qua Nghị quyết lên án lệnh cấm vận của Mỹ đối với Cuba, với tỷ lệ phiếu áp đảo 191/193 phiếu thuận.
Sáng 26/10 (giờ New York, tức tối 26/10 theo giờ Hà Nội), Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 71 đã họp phiên toàn thể thông qua Nghị quyết lên án lệnh cấm vận của Mỹ đối với Cuba, với tỷ lệ phiếu áp đảo 191/193 phiếu thuận.
Một phiên họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc. (Nguồn: THX/TTXVN) |
Mỹ và Israel lần đầu tiên bỏ phiếu trắng, và không có nước nào bỏ phiếu chống.
Đây là lần thứ 25 liên tiếp đại đa số các nước thành viên Liên hợp quốc bày tỏ sự ủng hộ đối với Báo cáo "Sự cần thiết phải chấm dứt lệnh cấm vận kinh tế, thương mại và tài chính do Mỹ áp đặt chống Cuba" do chính phủ Cuba trình lên hàng năm.
Trong phần phát biểu tranh luận và giải thích phiếu, đại diện một loạt quốc gia và các nhóm nước như Không liên kết, G77 châu Phi, Cộng đồng các nước Caribe, MERCOSUR và Tổ chức Hợp tác Hồi giáo… đã lên án mạnh mẽ lệnh cấm vận của Mỹ vi phạm các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế; kêu gọi Mỹ có trách nhiệm thực thi các Nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc và chấm dứt ngay lệnh cấm vận phi pháp đối với Cuba.
Đại diện các nước cũng đánh giá cao sự đóng góp của Cuba đối với việc xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế.
Phát biểu tại phiên họp, Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Trưởng Phái đoàn Đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, nhấn mạnh Việt Nam đánh giá cao báo cáo A/71/91 của Liên hợp quốc trong đó nêu rõ nguyện vọng của các nước trong việc chấm dứt lệnh cấm vận kinh tế chống Cuba và những nỗ lực của các cơ quan Liên hợp quốc nhằm chấm dứt lệnh cấm vận này.
Đại sứ Nguyễn Phương Nga nói rằng Việt Nam tin rằng lệnh cấm vận mà Mỹ áp đặt đối với Cuba trong hơn 5 thập kỷ qua là trái với luật pháp quốc tế và các nguyên tắc quy định trong Hiến chương Liên hợp quốc, gây ra nhiều khó khăn cho cuộc sống của người dân Cuba.
Chính sách này cũng đi ngược lại nguyện vọng của tất cả các quốc gia trên thế giới mong muốn xây dựng các quan hệ bình đẳng, không phân biệt hệ thống chính trị, đồng thời tôn trọng quyền của mỗi quốc gia trong việc tự lựa chọn con đường phát triển riêng cho mình./.
Theo TTXVN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin