Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 8/10 đã lần lượt tiến hành hai cuộc bỏ phiếu về hai dự thảo nghị quyết về cuộc chiến Syria do Pháp và Nga soạn thảo.
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 8/10 đã lần lượt tiến hành hai cuộc bỏ phiếu về hai dự thảo nghị quyết về cuộc chiến Syria do Pháp và Nga soạn thảo.
Đại sứ Nga Vitaly Churkin (phải) và Đại sứ Venezuela Rafael Ramirez (trái) bỏ phiếu phủ quyết Nghị quyết của Pháp về vấn đề Syria. (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Dự thảo nghị quyết của Pháp, trong đó đó đề nghị ngay lập tức chấm dứt các cuộc không kích và các chuyến bay quân sự trên vùng trời thành phố Aleppo của Syria đồng thời kêu gọi lệnh ngừng bắn và tạo điều kiện cho hàng viện trợ nhân đạo đến được với mọi vùng của Syria, đã thất bại do nhận phải lá phiếu phủ quyết của Nga.
Trong hơn 5 năm xảy ra cuộc chiến Syria, đây là lần thứ năm Nga phủ quyết nghị quyết của Liên hợp quốc về Syria. Bốn lần phủ quyết trước đó của Nga nhận được sự ủng hộ của Trung Quốc, song lần này Trung Quốc đã bỏ phiếu trắng.
Có 11 trong tổng số 15 quốc gia thành viên Hội đồng Bảo an bỏ phiếu tán thành nghị quyết này. Angola bỏ phiếu trắng trong khi Venezuela bỏ phiếu chống.
Trước khi diễn ra cuộc bỏ phiếu, Nga đã bày tỏ quan điểm không đồng ý với dự thảo do có một số điểm mà Moskva cho là không thể chấp nhận được vì đã chính trị hóa vấn đề viện trợ nhân đạo.
Sau đó đến lượt dự thảo nghị quyết của Nga, trong đó hối thúc lệnh ngừng bắn, song không hề đả động đến việc chấm dứt chiến dịch oanh tạc, cũng thất bại do nhận phải chín lá phiếu chống, trong đó có ba phiếu phủ quyết của Anh, Pháp và Mỹ. Có bốn phiếu thuận và hai phiếu trắng dành cho dự thảo nghị quyết của Nga.
Để một nghị quyết của Hội đồng Bảo an được thông qua, cần phải có chín phiếu thuận và không được có phiếu phủ quyết nào. Các quốc gia nắm trong tay lá phiếu phủ quyết bao gồm Mỹ, Pháp, Anh, Nga và Trung Quốc.
Trong khi Hội đồng Bảo an tiến hành bỏ phiếu về các nghị quyết nêu trên, thì tại Syria, các lực lượng của chính phủ đã giành lại quyền kiểm soát vùng lãnh thổ mà quân nổi dậy từng chiếm giữ ở một số khu vực miền Tây.
Các lực lượng của Tổng thống Bashar al-Assad, với sự hỗ trợ của không quân Nga và các tay súng của Iran, Liban và Iraq trên mặt đất, đã giành được lợi thế ở khu vực xung quanh chiến trường Aleppo.
Trước đó ngày 7/10, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết Moskva sẵn sàng hỗ trợ một kế hoạch của Liên hợp quốc để các tay súng thánh chiến Hồi giáo rời khỏi thành phố Aleppo của Syria bị xung đột tàn phá, nhưng đồng thời đặt ra những điều kiện chặt chẽ đối với bất kỳ lực lượng phiến quân nào còn lại tuyến sau.
Phát biểu trong cuộc phỏng vấn với Kênh truyền hình 1 của Nga, ông Lavrov nói: "Nếu nhóm Mặt trận Al-Nusra (hiện được gọi là Mặt trận Fateh al-Sham) rời khỏi mang theo vũ khí đến Idlib, nơi mà các lực lượng chính của họ vẫn đóng ở đó, sau đó, vì mục tiêu cứu Aleppo, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ một phương pháp tiếp cận như vậy và có thể sẽ sẵn sàng kêu gọi Chính phủ Syria đồng ý điều này"./.
Theo TTXVN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin