Mỹ đã điều 2 siêu máy bay ném bom siêu thanh chiến lược B-1 Lancer bay qua Hàn Quốc để răn đe vụ thử hạt nhân lần thứ 5 của Triều Tiên.
Mỹ đã điều 2 siêu máy bay ném bom siêu thanh chiến lược B-1 Lancer bay qua Hàn Quốc để răn đe vụ thử hạt nhân lần thứ 5 của Triều Tiên.
Siêu máy bay ném bom B-1 Lancer là loại máy bay có thể mang được nhiều loại vũ khí dẫn đường và không dẫn đường nhất trong số các máy bay của lực lượng Không quân Mỹ.
Vụ điều máy bay B-1 Lancer của Mỹ diễn ra trong bối cảnh cuối tuần qua, Triều Tiên đã tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 5 và cũng là vụ thử hạt nhân lớn nhất từ trước đến nay của nước này khiến các nước láng giềng hết sức quan ngại.
Siêu oanh tạc cơ B-1 Lancer (giữa) bay qua Hàn Quốc. Ảnh: Reuters |
Cảnh báo Triều Tiên, bảo vệ Hàn Quốc
Theo Reuters, 2 chiếc máy bay B-1 Lancer này được các chiến đấu cơ của Mỹ và Hàn Quốc hộ tống bay qua Căn cứ Không quân Osan cách biên giới Hàn-Triều khoảng 120km trước khi hạ cánh xuống căn cứ của Mỹ tại Guam ngày 13/9.
Vụ điều máy bay B-1 Lancer này được tiến hành dưới sự giám sát của tư lệnh lực lượng quân đội Mỹ tại Hàn Quốc, Tướng Vincent Brooks và Tổng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ-Hàn, Tướng Lee Sun-jin.
“Đây là chỉ là một ví dụ rất nhỏ nhằm thể hiện năng lực quân sự rất lớn của liên quân Mỹ-Hàn nhằm tăng cường khả năng răn đe các đối thủ”, ông Brooks nói.
Cũng theo ông Brooks: “Vụ thử hạt nhân lần thứ 5 của Triều Tiên là một hành động leo thang căng thẳng nguy hiểm”. Ông Brooks khẳng định: “Mỹ cam kết sẽ bảo vệ các đồng minh của mình trong khu vực”.
Mỹ sẽ “tiến hành mọi biện pháp cần thiết để thực hiện cam kết này, bao gồm việc điều máy bay ném bom chiến lược như hôm nay hoặc điều Hệ thống Phòng thủ Tên lửa Tầm cao (THAAD) đến Hàn Quốc”, vẫn theo ông Brooks.
Cùng chung quan điểm này, Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ nhấn mạnh: “Việc điều máy bay B-1 Lancer cho thấy sự đoàn kết giữa Mỹ-Nhật-Hàn trong việc đối phó với các hành động khiêu khích và gây bất ổn trong khu vực của Triều Tiên.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Moon Sang Gyun nhấn mạnh: “Vụ điều máy bay ném bom B-1 Lancer là nhằm “đưa ra một lời cảnh báo rõ ràng đối với Triều Tiên về hành vi thử hạt nhân của nước này cũng như răn đe Triều Tiên không nên có thêm những hành động khiêu khích khác”.
Các quan chức quân đội Mỹ cho biết, việc điều 2 chiếc B-1 Lancer này lẽ ra được thực hiện vào ngày 12/9 nhưng đã bị hoãn do thời tiết trên đảo Guam rất xấu khiến 2 chiếc máy bay này không thể cất cánh hay hạ cánh.
Bộ Trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew khẳng định, Mỹ sẽ tiếp tục gây áp lực lên Triều Tiên: “Trong những tháng qua, Triều Tiên đã tiến hành thêm nhiều vụ thử tên lửa và hạt nhân khiến thế giới buộc phải để mắt đến. Mỹ sẽ tiếp tục “mài sắc” các công cụ tài chính để gây áp lực buộc Triều Tiên phải thay đổi chính sách của mình”.
Triều-Hàn đe dọa lẫn nhau, Trung Quốc kêu gọi kiềm chế
Trong khi đó, KCNA dẫn lời giới chức Triều Tiên cho biết, sự giận dữ của người dân nước này về việc Mỹ điều 2 máy bay ném bom chiến lược B-1 Lancer bay qua Hàn Quốc đang “bùng phát như một ngọn núi lửa”
Cũng theo KCNA: “Bất kỳ hành động cấm vận, khiêu khích hay gây áp lực nào cũng không thể làm tổn hại đến vị thế một quốc gia sở hữu hạt nhân của Triều Tiên.
Những chính sách bẩn thỉu và những hành động khiêu khích về mặt quân sự nhằm vào Triều Tiên sẽ chỉ dẫn tới hàng loạt các vụ tấn công bằng hạt nhân một cách vội vã khiến tất cả các bên đều bị hủy diệt”.
Đáp lại, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye cứng rắn tuyên bố: “Tôi yêu cầu Chính phủ và quân đội cần phải sẵn sàng đáp trả và quyết tâm xóa bỏ hoàn toàn chế độ Triều Tiên ngay khi Triều Tiên bắn dù chỉ một quả tên lửa mang đầu đạn hạt nhân vào lãnh thổ của chúng ta”.
Một nhóm các nghị sĩ Hàn Quốc cũng đã kêu gọi Chính phủ nên tự phát triển lực lượng hạt nhân bằng cách mua sắm vũ khí hạt nhân hoặc yêu cầu Mỹ điều lại các loại vũ khí hạt nhân chiến thuật mà Mỹ từng rút khỏi Hàn Quốc vào năm 1991.
Tuy nhiên, Đại sứ Hàn Quốc tại Mỹ Sung Kim cho biết, Hàn Quốc vẫn chưa cần Mỹ điều lại các loại vũ khí hạt nhân đến nước này.
Ông Sung Kim nhấn mạnh: “Mọi chuyện hoàn toàn phụ thuộc vào cam kết của phía Triều Tiên. Nếu Triều Tiên sẵn sàng đối thoại với Hàn Quốc một cách chân thành, tôi nghĩ chúng ta có thể tiến tới việc đối thoại 6 bên nhằm chấm dứt căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên”.
Triều Tiên sẽ không tránh được sự trừng phạt mạnh mẽ nhất từ trước đến nay.
Cũng theo ông Sung Kim, Trung Quốc- đồng minh và là nước bảo trợ lớn nhất của Triều Tiên- cần đóng vai trò then chốt trong việc cho Triều Tiên thấy “những hệ lụy nghiêm trọng xuất phát từ những hành động nguy hiểm của nước này”.
Trong khi đó, Trung Quốc tiếp tục kêu gọi các bên hết sức kiềm chế trong tình hình hiện nay. “Việc các bên liên tục làm leo thang căng thẳng và khiêu khích lẫn nhau sẽ không đem lại lợi ích cho bất kỳ nước nào”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh, nhấn mạnh./.
Theo Trần Khánh/VOV.VN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin