Quan hệ Mỹ-Philippines: Khó bị vứt bỏ chỉ vì lời lẽ của ông Duterte

07:09, 08/09/2016

Dù giới chức Mỹ đều khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ Mỹ-Philippines, mối quan hệ từng rất bền chặt này giờ đã trở nên rất khó dự đoán.

Dù giới chức Mỹ đều khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ Mỹ-Philippines, mối quan hệ từng rất bền chặt này giờ đã trở nên rất khó dự đoán.

Theo Reuters, phát biểu sau sự cố ngoại giao “chưa từng có tiền lệ” khi Tổng thống Duterte “mắng” ông Obama là “đồ khốn”, cả Bộ Ngoại giao Mỹ và ứng viên Tổng thống đảng Dân chủ Hillary Clinton ngày 6/9 đều nhấn mạnh, mối quan hệ Mỹ-Philippines cần phải dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau.

Quan hệ Mỹ-Philippines trở nên sóng gió sau tuyên bố có phần khiếm nhã của ông Duterte (phải) nhằm vào ông Obama. Ảnh: AP
Quan hệ Mỹ-Philippines trở nên sóng gió sau tuyên bố có phần khiếm nhã của ông Duterte (phải) nhằm vào ông Obama. Ảnh: AP

Mỹ không hài lòng nhưng vẫn chấp nhận hàn gắn

Các quan chức Mỹ dù không hài lòng với tuyên bố của ông Duterte nhưng vẫn muốn “xoa dịu căng thẳng” bằng cách bày tỏ hy vọng, những lời lẽ khiếm nhã đó sẽ không ảnh hưởng đến quan hệ giữa hai nước trong bối cảnh Trung Quốc đang có những hành động hiếu chiến ở Biển Đông.

Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố, cuộc gặp dự kiến giữa Tổng thống Obama và ông Duterte bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Lào đã bị hủy bởi “lời lẽ của nhà lãnh đạo Philippines làm dấy lên quan ngại về việc hai bên có thể đạt được một cuộc đối thoại mang tính xây dựng”.

“Những lời lẽ đó là có vấn đề và chúng tôi mong muốn có được một không khí cởi mở và đầm ấm để thúc đẩy hợp tác chặt chẽ giữa hai bên”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner tuyên bố trong cuộc họp báo tại Washington.

Trong khi đó, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hilllary Clinton- người được coi là “kiến trúc sư” cho chính sách xoay trục sang châu Á của Tổng thống Obama trước sự trỗi dậy của Trung Quốc- khẳng định ông Obama đã đúng khi hủy cuộc gặp với ông Duterte.

“Khi Tổng thống Philippines xúc phạm Tổng thống của chúng tôi. Chúng tôi hoàn toàn có quyền nói rằng: Xin lỗi, chúng ta sẽ không gặp nhau”, bà Clinton nhấn mạnh.

“Mối quan hệ Mỹ-Philippines là rất bền chặt và tôi nghĩ rằng, điều quan trọng là mối quan hệ này phải dựa trên mức độ tôn trọng nhất định đối với nhau”, bà Clinton nói thêm.

Cần phải nói thêm rằng, đây không phải là lần đầu tiên ông Duterte xúc phạm một nhân vật có tiếng tăm tầm cỡ thế giới. Trước đó, ông từng gọi Giáo hoàng là “gã khốn” và gọi một Đại sứ Mỹ là “gã đồng tính khốn kiếp”.

Không dễ bị bỏ đi chỉ vì một lời nói

Dù tính khí thất thường của ông Duterte có thể sẽ khiến mối quan hệ giữa Mỹ và Philippines- đồng minh thân cận nhất của Mỹ- trở nên phức tạp hơn nhưng Mỹ sẽ phải cân nhắc rất kỹ nếu muốn gạt bỏ mối quan hệ này.

Điều này là bởi Philippines luôn đóng vai trò trung tâm trong chính sách xoay trục của Mỹ tại châu Á cũng như trong việc ngăn chặn tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.

Trước khi xảy ra sự cố ngoại giao của ông Duterte, Mỹ và Philippines từng ký thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng trong đó, Philippines chấp thuận cho Mỹ sử dụng 5 căn cứ quân sự của nước này tạo điều kiện cho Mỹ tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực.

Khi được hỏi về lời bình luận của ông Duterte, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter nhấn mạnh, mối quan hệ quốc phòng giữa Philippines và Mỹ là mối quan hệ “bền chặt và lâu dài”.

Ông Carter cũng ca ngợi người đồng cấp Philippines Delfin Lorenzana là một người “có hiểu biết sâu rộng về tất cả những gì Mỹ và Philippines đang hợp tác với nhau”.

Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cũng khẳng định, mối quan hệ giữa Chính phủ hai nước vẫn rất bền vững: “Chúng tôi không thể dễ dàng vứt bỏ hay gạt sang một bên những lĩnh mà hai nước vẫn đang hợp tác chặt chẽ”.

Ông Duterte còn quá “non” về ngoại giao?

Cũng theo quan chức nói trên, Tổng thống Duterte có thể vẫn chưa quen với việc trở thành lãnh đạo của một quốc gia nhất là trong bối cảnh ông mới trở thành nguyên thủ quốc gia được hơn 2 tháng: “Có lẽ ông ấy vẫn quen lề lối cũ” [khi còn là Thị trưởng Davao trước khi nhậm chức Tổng thống-ND].

“Thời gian sẽ trả lời liệu Tổng thống Duterte có chịu xuống nước nhằm hạ nhiệt căng thẳng hiện nay và nhận thức được rằng, ông cần phải thay đổi lời lẽ của mình khi làm việc với các nhà lãnh đạo Mỹ”, bà Amy Searight- cựu quan chức Lầu Năm Góc hiện đang làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế có trụ sở tại Washington nhận định.

Ông Evan Medeiros, cựu cố vấn hàng đầu về vấn đề châu Á cho Tổng thống Obama và hiện là nhà phân tích chủ chốt tại Tổ chức Eurasia Group, cho rằng, sự cố mà ông Duterte gây ra chỉ khiến quan hệ Mỹ-Philippines “ghập ghềnh” chứ không thể “chặn đứng” mối quan hệ này.

“Dù đó là sự cố không mong muốn nhưng nó sẽ không thể làm thay đổi cơ bản mối quan hệ Mỹ-Philippines”, ông Medeiros nói./.

Theo Trần Khánh/VOV.VN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh