Mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên thực sự lớn đến đâu?

11:09, 15/09/2016

Với thành công trong những vụ thử nghiệm hạt nhân và tên lửa gần đây, giới phân tích cho rằng, Triều Tiên đang tiến nhanh hơn mọi dự đoán.

Với thành công trong những vụ thử nghiệm hạt nhân và tên lửa gần đây, giới phân tích cho rằng, Triều Tiên đang tiến nhanh hơn mọi dự đoán.

Giữa lúc cộng đồng quốc tế còn đang loay hoay tìm cách đưa ra phản ứng thích hợp sau vụ thử hạt nhân lần thứ 5 của CHDCND Triều Tiên hôm 9/9 thì lại có thông tin cho rằng, Bình Nhưỡng đã hoàn tất công tác chuẩn bị cho vụ thử hạt nhân thứ 6.

Khi mà mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên dần hiện hữu thì câu hỏi đặt ra hiện nay vẫn là năng lực hạt nhân của Bình Nhưỡng thực sự đến đâu? Mỹ và Hàn Quốc liệu có nằm trọn trong tầm bắn của tên lửa Triều Tiên như Bình Nhưỡng tuyên bố hay chưa?

Khu vực bãi thử Punggye-ri của Triều Tiên. (Ảnh: EPA)
Khu vực bãi thử Punggye-ri của Triều Tiên. (Ảnh: EPA)

Nguy hiểm đến từ sự  quá tự tin của Triều Tiên

Vụ thử nghiệm hạt nhân lần thứ tư (6/1) và lần thứ năm (9/9) đã tạo nên một vòng xoáy của những lời lẽ đáng sợ khi cả Seoul và Bình Nhưỡng đều lớn tiếng dọa biến phía bên kia thành “đống tro tàn”.

Bỏ qua các cuộc khẩu chiến, không thể phủ nhận vụ thử hạt nhân lần thứ 5 của Triều Tiên đã khiến Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản phải dè chừng.

Đứng trên phương diện khoa học, có thể thấy, một kho vũ khí hạt nhân bao gồm rất nhiều các thành phần khác nhau. Cụ thể, nó cần đầu đạn hạt nhân đủ nhỏ để gắn trên tên lửa và nó phải còn nguyên vẹn cho đến khi chạm đến mục tiêu.

Các tên lửa cũng cần được thiết kế với tiêu chí tương tự. Tên lửa nhỏ sẽ giúp tăng tính cơ động và tránh bị radar đối phương phát hiện. Hơn thế nữa, nó cũng cho phép việc trang bị các loại tên lửa này cho tàu ngầm dễ dàng hơn.

Giáo sư Siegfried Hecker tại Đại học Stanford ở California, một cựu lãnh đạo phòng thí nghiệm quốc gia Los Alamos ở Mỹ, người từng thường xuyên đến thăm cơ sở hạt nhân của Triều Tiên cho biết:

“Với hai vụ thử hạt nhân thành công trong năm nay, chúng ta phải thừa nhận rằng Triều Tiên đã thiết kế và chứng minh các đầu đạn hạt nhân có thể được gắn trên tên lửa tầm ngắn và có thể là cả tên lửa tầm trung của nước này”.

“Khả năng của Triều Tiên phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) có gắn đầu đạn hạt nhân bắn được tới lãnh thổ Mỹ vẫn còn là một chặng đường dài. Có lẽ sẽ mất đến 10 năm nhưng rõ ràng khả năng thực hiện được điều này là không bị giới hạn”, ông Hecker nói thêm.

Theo ông Hecker, điều này cũng đồng nghĩa với việc có một mối nguy hiểm thực sự đang hình thành và khả năng xảy ra một cuộc tấn công hạt nhân sau những tính toán sai lầm là hoàn toàn có thể.

Nguy hiểm hơn, việc Triều Tiên cải thiện đáng kể năng lực hạt nhân thời gian qua còn làm tăng khả năng phổ biến vũ khí hạt nhân (gồm cả về mặt công nghệ và vật liệu) cho các “nhân tố phi nhà nước” hay thậm chí là cho “những kẻ khủng bố”.

Truyền hình Hàn Quốc đưa tin về một vụ thử tên lửa của Triều Tiên. (Ảnh: EPA)
Truyền hình Hàn Quốc đưa tin về một vụ thử tên lửa của Triều Tiên. (Ảnh: EPA)

 

Chuyên gia Hecker nói: “Vấn đề nghiêm trọng nhất hiện nay chính là việc Triều Tiên đang sống trong ảo tưởng về sức mạnh trong tay họ.

Nó mang lại cho Bình Nhưỡng một sự tự tin rằng họ có đủ khả năng thay đổi đáng kể động lực an ninh trong khu vực. Họ cũng lầm tưởng về khả năng có thể dùng vũ khí hạt nhân bắn vào bất kỳ mục tiêu nào ở Hàn Quốc, ở Nhật Bản hay các căn cứ quân sự Mỹ ở Thái Bình Dương. 

Cũng không thể loại trừ khả năng Triều Tiên có thể bán các vật liệu phân hạch hoặc những công cụ hạt nhân khác cho các tổ chức phi nhà nước”.

Sự thật về năng lực hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên

Giáo sư Hecker từng đến thăm cơ sở Yongbyon – nơi đặt các máy ly tâm để sản xuất vật liệu hạt nhân của Triều Tiên hồi tháng 11/2010. Dựa trên sự quan sát  những thiết bị sản xuất vật liệu hạt nhân được phía Triều Tiên công khai, ông cho rằng, Triều Tiên có một kho dự trữ vật liệu hạt nhân phân hạch đủ cung cấp cho việc sản xuất 20 quả bom vào cuối năm nay và năng lực sản xuất bổ sung thêm 7 quả mỗi năm.

Một trong những yếu tố được cho là quan trọng nhất đối với lực lượng hạt nhân đó là khả năng che giấu các tên lửa để chúng không bị đối phương phá hủy trước khi rời bệ phóng. Chính vì lý do này mà việc Triều Tiên tiến hành thử nghiệm tên lửa từ tàu ngầm (SLBM) khiến Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đặc biệt lo lắng.

Theo kỹ sư hàng không vũ trụ John Schilling, chuyên gia về công nghệ tên lửa: “Thành công của vụ phóng thử tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm mới nhất của Triều Tiên cho thấy, chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của nước này có thể tiến triển nhanh hơn so với dự kiến ban đầu.

Hình ảnh một vụ phóng tên lửa từ tàu ngầm của Triều Tiên. Ảnh: AP
Hình ảnh một vụ phóng tên lửa từ tàu ngầm của Triều Tiên. Ảnh: AP

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là tên lửa Triều Tiên sẽ sẵn sàng vào tuần tới, tháng tới hay thậm chí là năm tới. Với tốc độ và phương pháp thử nghiệm SLBM hiện nay của Triều Tiên, có thể thấy, Bình Nhưỡng chỉ có thể triển khai hoạt động của SLBM sớm nhất vào nửa cuối năm 2018”.

Trên mặt đất, chương trình tên lửa của Triều Tiên cũng đang thu được những tiến bộ tích cực khi tên lửa của nước này trong các vụ thử nghiệm gần đây đã bay được khoảng cách xa hơn, chứ không phát nổ ngay sau khi rời bệ phóng như trong quá khứ.

Hồi tháng 6 năm nay, tên lửa Triều Tiên đã bay được 1.000 km sau khi được phóng đi trong một vụ thử. Theo nhận định của chuyên gia Jeffrey Lewis thuộc Viện nghiên cứu Quốc tế Middlebury ở California, quả tên lửa này sở dĩ “chỉ bay” 1.000 km là để tránh đi vào lãnh thổ Nhật Bản và điều này nằm trong tính toán của Triều Tiên.

“Điều đó cho thấy các tên lửa của Triều Tiên đã hoạt động hoàn hảo. Nếu nó được bắn đi từ góc bắn bình thường, khi đó chúng ta mới biết được tầm bắn chính xác của nó”, chuyên gia Jeffrey Lewis nhân định, Triều Tiên đã điều chỉnh góc bắn cao hơn bình thường để tên lửa bay đến tầm bắn được giới hạn trước.

Cũng trong tháng 6/2016, một quan chức Quốc phòng Mỹ xác nhận, tên lửa đạn đạo của Triều Tiên đã bay tới không gian và sau đó quay lại bầu khí quyển của Trái đất trong một cuộc thử nghiệm.

Với những phân tích khoa học thì có lẽ, nhận định có sức thuyết phục nhất hiện nay đó là Triều Tiên hiện tại có khả năng phát động các cuộc tấn công sử dụng vũ khí hạt nhân trong khu vực nhưng không thể tấn công các mục tiêu xa hơn, chẳng hạn như Mỹ.

Khó có thể kiềm chế được Triều Tiên

Nói như vậy không có nghĩa là Mỹ có thể yên tâm bởi theo đánh giá, tên lửa Triều Tiên hoàn toàn có thể có khả năng “chạm tới” nước Mỹ từ năm 2020 hoặc không quá lâu sau đó.

Tên lửa của Triều Tiên rời bệ phóng. (Ảnh: AP)
Tên lửa của Triều Tiên rời bệ phóng. (Ảnh: AP)

Giáo sư Heker cho rằng, trước mối đe dọa tiềm tàng hiện nay từ Triều Tiên, phản ứng tốt nhất mà cộng đồng quốc tế có thể làm là tăng cường các biện pháp trừng phạt Triều Tiên và quan trọng nhất là chờ đợi Trung Quốc gây sức ép buộc Triều Tiên ngừng tham vọng hạt nhân của nước này.

“Tăng cường các biện pháp trừng phạt và bố trí hệ thống phòng thủ tên lửa ở Hàn Quốc là các biện pháp hỗn hợp để đối phó với Triều Tiên nhưng nó sẽ là không đủ nếu phía Trung Quốc không cùng hợp tác giải quyết vấn đề”, giáo sư Heker nói.

Trung Quốc trong khi tỏ ra giận dữ trước vụ thử hạt nhân lần thứ 5 của Triều Tiên vẫn không quên đổ lỗi cho Mỹ đang làm phức tạp thêm tình hình trên bán đảo Triều Tiên.

Bắc Kinh cho rằng, việc Washington triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc cũng chẳng khác gì hành vi khiêu khích.

Trong bài xã luận đăng tải trên tờ Nhân dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc số ra ngày 14/9, tác giả với bút danh "Zhong Sheng" (có nghĩa là "Tiếng nói Trung Quốc ") thậm chí còn cho rằng, chính Mỹ là “trở ngại lớn nhất” trong việc tìm ra giải pháp cho vấn đề hạt nhân Triều Tiên.

“Những gì Mỹ đang làm rất ít vì lợi ích chung của cộng đồng quốc tế. Mỹ cần phải nghiêm túc nhìn lại cái cách họ đã làm với vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và thực sự suy nghĩ về một phương pháp hiệu quả cũng như dám nhận trách nhiệm của mình”, bài báo viết./.

Theo Hùng Cường/VOV.VN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh