Australia kêu gọi EU lên tiếng ủng hộ luật pháp quốc tế ở Biển Đông

04:09, 08/09/2016

Ngoại trưởng Australia cho rằng, EU cần nêu rõ lập trường của mình về Biển Đông dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế.

Ngoại trưởng Australia cho rằng, EU cần nêu rõ lập trường của mình về Biển Đông dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế.

Tờ Sydney Morning Herald ngày 8/9 đưa tin, Ngoại trưởng Australia Julie Bishop đã kêu gọi Liên minh châu Âu ủng hộ những nỗ lực đẩy lùi tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông sau khi có cảnh báo về khả năng Bắc Kinh tiến hành cải tạo bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham ở Biển Đông.

Những bức ảnh do Philippines công bố cho thấy ngày càng có nhiều tàu Trung Quốc xuất hiện quanh bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham. (Ảnh: Chính phủ Philippines)
Những bức ảnh do Philippines công bố cho thấy ngày càng có nhiều tàu Trung Quốc xuất hiện quanh bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham. (Ảnh: Chính phủ Philippines)

Phát biểu khi có mặt ở Berlin, Đức, Ngoại trưởng Bishop cho biết, mặc dù có một số nước cũng tiến hành việc cải tạo đảo, đá nhưng “quy mô và tốc độ mà Trung Quốc thực hiện điều này không giống như bất kỳ một nước nào khác”.

Theo bà Bishop, Liên minh châu Âu (EU) hoàn toàn có lý do để ủng hộ Philippines chống lại những đòi hỏi chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông bởi sau đó, EU sẽ có thể dựa vào cơ sở này để giải quyết những tranh chấp tương tự ở châu Âu.

“Chúng tôi đang chờ đợi Liên minh châu Âu tuyên bố ủng hộ các quy tắc trật tự quốc tế. Tòa trọng tài Quốc tế đã nhìn thấy rằng, Trung Quốc đang tìm cách vẽ lại đường biên giới trên biển và trên thực tế đã xây dựng các cấu trúc trong Vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.

Vì thế, chúng tôi cũng muốn thấy EU nêu lập trường của mình dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế”.

Trong tuyên bố của mình, Ngoại trưởng Julie Bishop tái khẳng định quyền tự do hàng không và hàng hải của Australia ở Biển Đông, đồng thời cho rằng, phán quyết của Tòa trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982) là phán quyết cuối cùng và mang tính ràng buộc.

Trước đó, trong ngày 7/9, Bộ Quốc phòng Philippines đã cho phát hành một số hình ảnh cho thấy các tàu của Trung Quốc xuất hiện ngày càng nhiều gần bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham ở Biển Đông, động thái gây quan ngại về khả năng Trung Quốc có thể tiến hành cải tạo bãi cạn này thành đảo như những gì mà Bắc Kinh từng làm ở Đá Subi, Đá Vành Khăn, Đá Chữ Thập…

Tuy vậy, theo AP, Trung Quốc đã lên tiếng phủ nhận khả năng tiến hành cải tạo bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham.

Mặc dù bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham chỉ gồm một số đá nhô trên mặt nước biển nhưng nó có ý nghĩa quan trọng trong việc khẳng định chủ quyền ở vùng biển được đánh giá là giàu tài nguyên thủy hải sản.

Trung Quốc đã ngăn không cho ngư dân Philippines tiếp cận Bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham kể từ khi Bắc Kinh giành quyền kiểm soát bãi cạn này hồi năm 2012. Đây được cho là một trong những nguyên nhân khiến Philippines quyết định khởi kiện Trung Quốc ra Tòa trọng tài Quốc tế.

Ngày 12/7, Tòa trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982) đã ra phán quyết cho rằng, Trung Quốc không có bất kỳ cơ sở pháp lý nào để tuyên bố “quyền lịch sử” đối với những tài nguyên biển trong cái gọi là “đường lưỡi bò” do Bắc Kinh đơn phương vẽ ra ở Biển Đông.

Bất chấp lời kêu gọi của nhiều quốc gia trên thế giới yêu cầu các bên liên quan tôn trọng phán quyết từ PCA, cho đến nay, Trung Quốc vẫn lớn tiếng cho rằng, phán quyết này là “vô hiệu”./.

Theo VOV

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh