Bộ Tư pháp Mỹ đã vào cuộc điều tra ba vụ tấn công mạng liên tiếp nhắm vào đảng Dân chủ và bà Clinton.
Bộ Tư pháp Mỹ đã vào cuộc điều tra ba vụ tấn công mạng liên tiếp nhắm vào đảng Dân chủ và bà Clinton.
Bà Clinton sử dụng máy tính trong một sự kiện tranh cử ở Michigan (Mỹ) ngày 7/3. (Ảnh: REUTERS) |
Hệ thống máy tính của đội tranh cử cho bà Hillary Clinton - đại diện tranh cử tổng thống của đảng Dân chủ - cũng bị tấn công trong đợt tin tặc tấn công hệ thống máy tính của đảng Dân chủ vừa rồi, hãng tin Reuters (Mỹ) dẫn thông tin từ một số nhân vật biết rõ sự tình.
“Hệ thống máy tính của chúng tôi đã được các chuyên gia an ninh mạng bên ngoài kiểm tra. Tới giờ họ chưa tìm thấy chứng cứ cho thấy hệ thống nội bộ của chúng tôi bị nguy hiểm.”, Reuters dẫn lời ông Nick Merrill, người phát ngôn chiến dịch tranh cử của bà Clinton.
Chưa rõ tin tặc đã lấy đi được gì từ hệ thống máy tính đội tranh cử cho bà Clinton. Hệ thống email riêng mà bà Clinton dùng khi làm ngoại trưởng không bị tấn công trong đợt này.
Vụ việc được tiết lộ ngày 29/7, sau hai vụ tấn công nhằm vào các hệ thống máy tính đảng Dân chủ và của ủy ban gây quỹ tranh cử đảng Dân chủ cho các ứng viên chạy đua vào Hạ viện.
Toàn bộ mạng lưới của hệ thống máy tính ủy ban gây quỹ chạy đua vào Quốc hội của đảng Dân chủ đã bị tấn công và xâm nhập. Rất có khả năng các thông tin, các chiến lược nội bộ, các nghiên cứu nhằm mục đích ủng hộ các ứng viên đảng Dân chủ chạy đua vào Hạ viện đã bị lấy đi.
Hiện Bộ Tư pháp Mỹ đã vào cuộc điều tra xem liệu việc hệ thống máy tính đảng Dân chủ bị tấn công có đe dọa gì tới an ninh Mỹ hay không. Reuters dẫn lời một cá nhân không nêu tên biết về cuộc điều tra cho rằng động thái này cho thấy chính phủ Mỹ đã kết luận vụ tấn công mạng này do một nước bảo trợ, có thể nhằm can thiệp kết quả bầu cử tổng thống Mỹ.
Các chuyên gia an ninh mạng và tình báo Mỹ đã xác định các tin tặc là người Nga. FBI ngày 29/7 cho biết đang trong quá trình điều tra tính xác thực của các thông tin này.
Reuters đã liên lạc lấy bình luận từ phía Nga nhưng chưa thành công.
Theo Reuters, hiện trong nội bộ chính phủ Mỹ đang có hai luồng ý kiến quanh các vụ tấn công mạng này. Một số quan chức chính phủ Mỹ không muốn làm lớn chuyện này, lo ngại ảnh hưởng đến nỗ lực của Ngoại trưởng John Kerry thuyết phục Nga hợp tác truy quét tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng tại Syria.
Nhiều quan chức lo ngại Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể sẽ phản ứng bằng cách tăng tấn công mạng vào các mục tiêu Mỹ, tăng quấy rối máy bay và tàu chiến Mỹ ở các vùng biển Baltic và biển Đen, và hiếu chiến hơn ở khu vực Đông Âu.
Trong khi đó một nhóm quan chức khác lại cho rằng phản ứng mạnh với Nga sẽ hiệu quả hơn là im lặng. Hồi tháng 4-2015, chính phủ Mỹ đã ban hành một sắc lệnh trừng phạt kinh tế đối với tội phạm tấn công mạng.
Sau khi có thông tin mạng máy tính đảng Dân chủ bị tấn công, ngày 27/7, đại diện tranh cử tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump còn đề nghị tin tặc Nga vào cuộc thu thập hàng ngàn email mà ông cho là đã biến mất thời bà Clinton làm ở Bộ Ngoại giao. Đảng Dân chủ cáo buộc ông Trump khuyến khích nước ngoài do thám nước Mỹ.
Theo ĐĂNG KHOA( PLO)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin