Tìm hiểu Tòa PCA - Nơi xử vụ Philippines kiện Trung Quốc về "đường 9 đoạn" trên biển Đông

11:07, 10/07/2016

Ngày 12/7, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) sẽ công bố kết quả phân xử vụ việc đang được cả thế giới quan tâm là Philippines kiện Trung Quốc về tuyên bố yêu sách "đường 9 đoạn" trên biển Đông. PCA là tòa gì giải quyết các tranh chấp quốc tế?

Ngày 12/7, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) sẽ công bố kết quả phân xử vụ việc đang được cả thế giới quan tâm là Philippines kiện Trung Quốc về tuyên bố yêu sách "đường 9 đoạn" trên biển Đông. PCA là tòa gì giải quyết các tranh chấp quốc tế?

Ngày 12/7/2016, Tòa Trọng tài Thường trực tại The Hague, Hà Lan, sẽ công bố kết quả phân xử vụ Philippines kiện Trung Quốc. Ảnh: PCA
Ngày 12/7/2016, Tòa Trọng tài Thường trực tại The Hague, Hà Lan, sẽ công bố kết quả phân xử vụ Philippines kiện Trung Quốc. Ảnh: PCA

Permanent Court of Arbitration (PCA), trụ sở tại Peace Palace ở The Hague, Hà Lan, là tổ chức liên chính phủ thường trực giải quyết các tranh chấp quốc tế giữa các quốc gia thành viên bằng biện pháp trọng tài và các biện pháp hòa bình khác.

PCA là cơ chế toàn cầu đầu tiên giải quyết các tranh chấp giữa các quốc gia, được thành lập theo Công ước về giải quyết tranh chấp quốc tế Thái Bình Dương, hay Công ước The Hague 1899, tại Hội nghị Hòa bình The Hague đầu tiên vào năm 1899.

Hội nghị này được triệu tập theo sáng kiến của Sa hoàng Nga Nicolas II nhằm tìm kiếm những phương tiện khách quan nhất đảm bảo cho tất cả các dân tộc những lợi ích của nền hòa bình thực sự và lâu dài, và trên hết, hạn chế sự phát triển các loại vũ khí hiện hữu.

Trong số mục tiêu của Hội nghị có củng cố các hệ thống giải quyết tranh chấp quốc tế, đặc biệt là trọng tài quốc tế.

Các đại biểu tại Hội nghị lưu ý rằng, trong suốt 100 năm trước đó, đã có một số trọng tài quốc tế thành công, bắt đầu với Ủy ban Hỗn hợp "Hiệp ước Jay" vào cuối thế kỷ 18 và đạt đến một đỉnh cao với trọng tài Alabama trong giai đoạn 1871-1872.

Ngoài ra, Viện Quốc tế Droit đã thông qua một luật thủ tục trọng tài trong năm 1875.

Điều 16 của Công ước The Hague 1899 công nhận rằng, trong các vấn đề có tính chất pháp lý, đặc biệt trong việc giải thích hoặc áp dụng các công ước quốc tế, trọng tài là hiệu quả nhất, đồng thời là hợp lý nhất, nghĩa là giải quyết các tranh chấp mà ngoại giao không giải quyết được.

Điều 20 của Công ước The Hague 1899 nêu rõ, để tạo thuận lợi cho khả năng giải quyết lập tức bằng trọng tài cho những khác biệt quốc tế không thể giải quyết bằng ngoại giao, các quốc gia ký kết sẽ tổ chức một Tòa án Trọng tài Thường trực, sẵn sàng vào mọi thời điểm và hoạt động, trừ khi có quy định khác của các bên, phù hợp các quy tắc kèm theo Công ước.

Tại Hội nghị Hòa bình The Hague thứ 2 vào năm 1907, Công ước The Hague 1899 được sửa đổi thành Công ước The Hague 1907.

Được thành lập nhằm phân xử và giải quyết các dạng tranh chấp giữa các quốc gia thành viên, PCA đã phát triển thành một tòa trọng tài nhiều mặt hiện đại, đóng vai trò chuẩn trong kết nối công pháp và tư pháp quốc tế để đáp ứng nhu cầu giải quyết tranh chấp gia tăng nhanh của cộng đồng quốc tế.

PCA hiện giải quyết các tranh chấp liên quan các quốc gia, các tổ chức nhà nước, các tổ chức liên chính phủ, các bên tư nhân.

Ban thư ký PCA hay Văn phòng Quốc tế, đứng đầu là Tổng thư ký, bao gồm đội ngũ chuyên viên pháp lý và hành chính giàu kinh nghiệm hỗ trợ các tòa án và ủy ban.

PCA giải quyết nhiều tranh chấp quốc tế, bao gồm tranh chấp giữa các quốc gia thành viên về lãnh thổ, hiệp ước, quyền con người, cũng như các tranh chấp thương mại và đầu tư, bao gồm tranh chấp phát sinh theo các hiệp định đầu tư song phương và đa phương.

PCA có thể hỗ trợ chọn trọng tài viên và có thể được yêu cầu chỉ định hoặc bổ nhiệm trọng tài viên. PCA hiện có 121 quốc gia thành viên tham gia một hoặc cả 2 Công ước The Hague 1899 và 1907.

Việt Nam đã tham gia cả 2 Công ước The Hague vào ngày 29/12/2011 và 27/02/2012. Thành viên mới nhất của PCA là Kosovo, tham gia Công ước The Hague 1907 ngày 5/1/2016.

Trung Quốc đã tham gia cả 2 Công ước The Hague từ rất sớm, vào ngày 21/11/1904 và 26/01/1910. Philippines đã tham gia Công ước The Hague 1907 vào ngày 12/9/2010.

Trung Quốc vẫn khẳng định quan điểm không chấp nhận và không tham gia vụ kiện của Philippines lên PCA bắt đầu vào tháng 1/2013 về tuyên bố yêu sách của Trung Quốc về "đường 9 đoạn" trên biển Đông.

Tuy nhiên, theo quy định của Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển (UNCLOS) về giải quyết tranh chấp và tiến trình trọng tài cho phép thành lập tòa trọng tài phân xử dù có một bên không tham gia và sự vắng mặt của một bên không cản trở tiến trình của tòa trọng tài.

Ngày 12/7, PCA sẽ công bố kết quả phân xử vụ Philippines kiện Trung Quốc về tuyên bố yêu sách "đường 9 đoạn" trên biển Đông.

Theo SGGPO

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh