Hung thủ được xác định là Satoshi Uematsu, 26 tuổi đã dùng búa phá vỡ cửa sổ của Trung tâm Tsukui Yamayuri rồi ra tay sát hại những người khuyết tật.
Hung thủ được xác định là Satoshi Uematsu, 26 tuổi đã dùng búa phá vỡ cửa sổ của Trung tâm Tsukui Yamayuri rồi ra tay sát hại những người khuyết tật.
Rạng sáng 26/7, một vụ thảm sát bằng dao tại Trung tâm bảo trợ người khuyết tật ở Sagamihara, thuộc tỉnh Kanagawa, Nhật Bản làm 19 người thiệt mạng và 45 người bị thương. Đây là vụ tấn công đẫm máu nhất kể từ sau thời hậu chiến tại Nhật Bản.
Hung thủ được xác định là Satoshi Uematsu, 26 tuổi. Kẻ tấn công đã dùng búa phá vỡ cửa sổ của Trung tâm Tsukui Yamayuri rồi ra tay sát hại những người khuyết tật tại Trung tâm này.
Hiện trường vụ tấn công ở Trung tâm bảo trợ người khuyết tật Tsukui Yamayuri. (ảnh: Reuters). |
Một nhân chứng cho biết: “Tôi thấy xe cảnh sát đến hiện trường và họ nói tình hình ở đây rất nguy hiểm, mọi người nên đi về nhà. Một lúc sau xe cứu thương đến và nhiều người bị thương đã được đưa lên xe cứu thương”
Trước đó, cảnh sát địa phương cho biết, họ nhận được cuộc gọi khẩn cấp từ nhân viên Trung tâm khuyết tật lúc 2h30 phút sáng 26/7 (giờ địa phương) về việc một thanh niên có hung khí tấn công vào trung tâm.
Đến khoảng 3h sáng, nghi phạm đã ra đầu thú tại một sở cảnh sát. Nghi phạm này hiện đang bị giam giữ và thẩm vấn bước đầu.
Theo đó, nghi phạm này đã khai nhận với cảnh sát rằng, hắn từng làm việc tại Trung tâm này và hắn muốn “giải thoát những người khuyết tật khỏi thế giới”. Vụ tấn công này đã gây chấn động Nhật Bản, đất nước có tỷ lệ tội phạm thấp nhất thế giới.
Hiện cảnh sát vẫn đang lấy lời khai nghi phạm nên chưa thể kết luận về nguyên nhân vụ tấn công. Đây có thể là vụ tấn công có động cơ mang tính cá nhân, xuất phát từ mối quan hệ không tốt đẹp giữa nghi phạm với những người khuyết tật, ít có khả năng thủ phạm có liên hệ với các mạng lưới khủng bố quốc tế.
Khi xảy ra vụ thảm sát, Trung tâm bảo trợ người khuyết tật Tsukui Yamayuri đang tiếp nhận 149 bệnh nhân, tuổi từ 19 đến 75. Số nạn nhân thiệt mạng trong vụ tấn công sáng nay có thể còn tăng, bởi hiện 4 người đang ở trong tình trạng nguy kịch.
Nhật Bản từng xảy ra nhiều vụ tấn công bằng dao nhưng vụ tấn công rạng sáng 26/7 được xem là vụ tấn công đẫm máu nhất kể từ sau vụ thảm sát ở Tsuyama năm 1938 làm 31 người thiệt mạng.
Tại Nhật Bản, dao thường được các đối tượng lựa chọn làm hung khí gây án để gây ra các vụ thảm sát bởi nước này có luật kiểm soát súng rất nghiêm ngặt.
Vào tháng 6 vừa qua, một người phụ nữ đã thiệt mạng và 3 người bị thương trong vụ tấn công bằng dao ở phía bắc Nhật Bản. Trước đó, tháng 3/2015, một người đàn ông 40 tuổi cũng bị bắt giữ sau khi đâm chết 5 người tại huyện Hyogo.
Năm 2001, một người đàn ông làm công nhân vệ sinh tại Osaka đã dùng dao tấn công khiến 8 trẻ em thiệt mạng và 15 người thương nặng. Tháng 6/2008, một người đàn ông lái xe tải tông thẳng vào đám đông, sau đó xuống xe, dùng dao đâm thêm 18 người tại khu vui chơi Akihabara ở Tokyo./.
Theo Anh Tuấn/VOV-Trung tâm TinTổng hợp
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin